Thứ tư 24/04/2024 13:27

Hà Nội: Làm rõ giải pháp để khắc phục tình trạng thiếu hạ tầng tại KĐT

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Chiều 14/10, các đại biểu HĐND TP đã đề nghị lãnh đạo các sở, ngành, quận huyện làm rõ những giải pháp để quản lý, đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trong các khu đô thị, khu nhà ở trên địa bàn TP được đồng bộ, hiệu quả.
Hà Nội: Làm rõ giải pháp để khắc phục tình trạng thiếu hạ tầng tại KĐT
Quang cảnh phiên họp giải trình HĐND TP.

Sẽ xây dựng phần mềm quản lý nhà nước các dự án sau đầu tư

Mở đầu phiên giải trình, ĐB Nguyễn Ngọc Việt (tổ ĐB huyện Mỹ Đức) đặt câu hỏi đối với Giám đốc Sở KH&ĐT. Theo căn cứ quy định pháp luật, Sở làm đầu mối thực hiện giám sát đầu tư tổng thể, đầu tư dự án, ĐB đề nghị Giám đốc Sở KH-ĐT cho biết kết quả công tác giám sát đầu tư trong thời gian vừa qua; kết quả các đợt thanh, kiểm tra, áp dụng các chế tài đối với các chủ đầu tư chậm triển khai các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội. Từ thực tế, có những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân, các giải pháp chính trong thời gian tới?

Hà Nội: Làm rõ giải pháp để khắc phục tình trạng thiếu hạ tầng tại KĐT
ĐB Nguyễn Ngọc Việt (tổ ĐB huyện Mỹ Đức) đặt câu hỏi.

Trả lời các vấn đề ĐB nêu, Giám đốc Sở KH-ĐT Đỗ Anh Tuấn cho biết: Căn cứ các Nghị định của Chính phủ về đánh giá giám sát đầu tư đối với các dự án đầu tư trên địa bàn TP. Trong quá trình thực hiện dự án, chức năng giám sát đầu tư thuộc Sở KH-ĐT thực hiện theo Nghị định 29 của Chính phủ.

Hà Nội: Làm rõ giải pháp để khắc phục tình trạng thiếu hạ tầng tại KĐT
Giám đốc Sở KH-ĐT Đỗ Anh Tuấn giải trình tại phiên họp

Hiện có những khu đô thị chưa đảm bảo kết nối, đồng bộ hạ tầng. Sở KH-ĐT cho rằng, trong một thời gian dài, việc đánh giá đầu tư còn thiếu chặt chẽ. Sở cũng đã có văn bản tham mưu cho UBND TP có chế tài xử phạt đối với những đơn vị mà nhà đầu tư không thực hiện những nội dung sau đầu tư, gây bức xúc trong dư luận. Để làm được điều này cần sự phối hợp của các sở, ngành và địa phương để đánh giá được hoạt động của dự án cũng như một số tồn tại, trên cơ sở đó có giải pháp tổ chức thực hiện.

Về kết quả thanh tra, kiểm tra, xử phạt, Giám đốc Sở KH-ĐT cho biết, từ đầu năm đến nay đã tổ chức 36 cuộc thanh tra kiểm tra, xử phạt được hơn 3 tỷ đồng.

TP đã có quyết định 08 để phân công cho các ngành cụ thể, trong đó Sở KH-ĐT có chức năng giám sát đầu tư, tham mưu cho UBND TP. Trên cơ sở đó, Thanh tra sở sẽ kiểm tra và xử lý. Đặc biệt, Sở KH-ĐT tiến hành phân công cụ thể trong Sở cùng giám sát với địa phương và các sở chuyên ngành để thực hiện đúng theo chỉ đạo của TP.

“Đây là trách nhiệm đối với cơ quan quản lý nhà nước tham mưu giám sát đầu tư đối với các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng trên địa bàn TP, chúng tôi sẽ có giải pháp trong thời gian tới, trong đó cùng phối hợp với các đơn vị để xây dựng phần mềm quản lý các dự án, tăng cường công tác quản lý nhà nước sau đầu tư” – Giám đốc Sở KH-ĐT Đỗ Anh Tuấn nói.

Hướng xử lý của Sở GT-VT để giải quyết tình trạng mất nắp hố ga, thiếu rào chắn trên đường?

Đặt câu hỏi với lãnh đạo Sở GT-VT Hà Nội, ĐB Hoàng Thị Thuý Hằng (Tổ ĐB quận Đống Đa) nêu ra thực tế qua giám sát của các ban HĐND TP cho thấy, nhiều khu đô thị người dân đến sống đông đúc nhưng đầu tư bãi đỗ xe chưa thực hiện. Nhiều tuyến đường dù đã được đặt tên nhưng việc quản lý đầu tư còn nhiều thiếu sót như: Tình trạng mất nắp hố ga, thiếu rào chắn, rào chắn cản trở giao thông. Tình trạng trên diễn ra trong thời gian dài đã ảnh hưởng xấu đến chất lượng sống người dân. ĐB đề nghị lãnh đạo Sở GT-VT cho biết nguyên nhân và hướng xử lý trong thời gian tới.

Trả lời câu hỏi của ĐB Hoàng Thị Thuý Hằng, Phó Giám đốc Sở GT-VT Trần Hữu Bảo Hà Nội cho biết: Liên quan đến nhiều tuyến đường trong khu đô thị hỏng nắp ga, bãi đỗ xe chưa được xây dựng, theo Nghị quyết 08 HĐND TP và Nghị quyết 21 HĐND TP về phân cấp kinh tế-xã hội trên địa bàn thì TP quản lý đối với tuyến đường khu vực trong các khu đô thị trên địa bàn các quận, cũng như các tuyến đường tại các khu đô thị nằm trên địa bàn 2 huyện trở lên nhưng có mặt cắt từ đường khu vực tới mặt cắt là 16m trở lên. Còn lại các tuyến đường khác do chủ đầu tư các khu đô thị bàn giao lại cho quận, huyện.

Trong thời gian qua một số khu đô thị mặc dù hạ tầng giao thông đã hoàn thành, tuy nhiên chưa hoàn thành thủ tục bàn giao cho TP cũng như cho quận, huyện quản lý theo phân cấp của UBND TP dẫn đến các tuyến đường mặc dù đã hoàn thành nhưng chưa có đơn vị quản lý. Trách nhiệm này thuộc về chủ đầu tư các khu đô thị.

Trước yêu cầu của Chủ tọa phiên giải trình về làm rõ "trách nhiệm kiểm tra, giám sát của Sở GT-VT ở đâu chứ không chờ chủ đầu tư báo cáo?", Phó Giám đốc Sở GT-VT cho biết: Theo phân cấp Sở GT-VT đã có nhiều văn bản gửi các chủ đầu tư đề nghị các chủ đầu tư sau khi hoàn thành các tuyến đường thì bàn giao cho TP quản lý, duy tu, duy trì nhưng một số chủ đầu tư các khu đô thị đưa ra nhiều lý do nên chưa bàn giao dẫn đến nảy sinh bất cập trong quá trình khai thác.

Liên quan đến bãi đỗ xe trong các khu đô thị chưa được đầu tư xây dựng, về nội dung này Sở GT-VT được TP giao nhiệm vụ tổng hợp các bãi đỗ xe trên địa bàn để đôn đốc, Sở đã phối hợp liên ngành và có báo cáo UBND TP đôn đốc chủ đầu tư. Trên cơ sở danh mục các bãi đỗ xe đã triển khai, đang triển khai và chưa triển khai để báo cáo UBND TP và TP cũng có công văn giao nhiệm vụ chi tiết cho các sở, ngành liên quan.

Quận Hoàng Mai có giải pháp gì để đảm bảo hạ tầng kỹ thuật?

Dẫn ra thực tế hạ tầng kỹ thuật tại quận Hoàng Mai, ĐB Trần Khánh Hưng (Tổ ĐB huyện Ba Vì) đề cập việc, quận này có nhiều dự án phát triển đô thị và nhà ở, có số lượng dân cư lớn, mật độ dân cư cao, nhưng nhiều dự án khu đô thị trên địa bàn chưa giải phóng mặt bằng dẫn đến đường chưa kết nối với hạ tầng khu vực. Nhiều tuyến đường chưa có điện chiếu sáng, chưa có hệ thống thoát nước; trường học chưa được đầu tư xây dựng, không đảm bảo nhu cầu của người dân. ĐB đề nghị Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai làm rõ trách nhiệm của quận đến đâu và quận đã tham mưu, đề xuất những giải pháp gì để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng và chấm dứt tình trạng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội chưa đảm bảo?

Trả lời câu hỏi của ĐB Trần Khánh Hưng, Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai Nguyễn Minh Tâm cho biết: Quận Hoàng Mai có 26 khu đô thị với quy mô 2ha trở lên do các chủ đầu tư triển khai thực hiện. Hiện nay nhiều khu đô thị đã đưa vào sử dụng góp phần hoàn thiện bộ mặt đô thị của quận. Tuy nhiên nhiều khu có hạ tầng chưa đồng bộ, nhiều lô đất chậm xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội thuộc trách nhiệm chủ đầu tư. Các chủ đầu tư chậm triển khai tiềm ẩn nhiều vi phạm về quản lý đất đai, trật tự xây dựng.

Hà Nội: Làm rõ giải pháp để khắc phục tình trạng thiếu hạ tầng tại KĐT
Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai Nguyễn Minh Tâm trả lời vấn đề ĐB nêu.

Về trách nhiệm của quận Hoàng Mai, Chủ tịch UBND quận cho biết: Quận đã tăng cường công tác quản lý đô thị, trật tự xây dựng theo chức năng nhiệm vụ được phân cấp. Thời gian qua, UBND quận đã quyết liệt đôn đốc, chỉ đạo các chủ đầu tư khẩn trường thực hiện các dự án theo đúng quy hoạch đã được phê duyệt và thực hiện giám sát đối với các dự án đầu tư thuộc thẩm quyền của quận: Trực tiếp kiểm tra, đôn đốc các nhà đầu tư triển khai dự án theo quy hoạch đã được phê duyệt; kịp thời báo cáo UBND TP để xin ý kiến chỉ đạo, kịp tháo gỡ về tình hình triển khai thực hiện của các chủ đầu tư, triển khai dự án trên địa bàn quận.

Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai cho biết, từ năm 2021 đến nay, UBND quận đã ban hành nhiều văn bản yêu cầu nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ và quận cũng có nhiều báo cáo để chỉ đạo chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ dự án. Đồng thời, UBND quận cũng thường xuyên kiến nghị: Nếu các dự án chậm triển khai dây dưa kéo dài thì TP kiên quyết thu hồi và giao cho các đơn vị có năng lực thực hiện dự án, không để hoang hoá, lãng phí và phát sinh vi phạm về quản lý đất đai và trật tự xây dựng.

Về một số tồn tại trong triển khai hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của một số khu đô thị ngoài ngân sách trên địa bàn, Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai cho biết: Đối với Khu đô thị Gamuda quận Hoàng Mai có một số tuyến đường chưa hoàn thành. Hiện tuyến đường Bắc Khu đô thị chủ đầu tư là Cty Gamuda đang hoàn thiện thi công; tuyến đường phía Tây khu đô thị lớn Gamuda thì thuộc thẩm quyền đầu tư của TP, UBND quận đã chủ động báo cáo TP và các sở ngành đề nghị giao cho UBND quận Hoàng Mai xử lý bằng vốn ngân sách của quận. Về nội dung này, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã có thông báo 753 ngày 30/9/2022 giao Sở KH-ĐT chủ trì, tổng hợp ý kiến đề xuất của các cơ quan liên quan tham mưu cho UBND TP thông qua để trình HĐND TP phê duyệt thông chủ trương đầu tư tuyến đường này.

Tuyến kết nối Nguyễn Cảnh Dị đến Định Công đã triển khai kéo dài nhiều năm, thuộc trách nhiệm chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Kinh doanh Đầu tư và Phát triển triển nhà Hà Nội. Hiện nay chủ đầu tư chưa thực hiện do vướng mắc pháp lý. UBND quận Hoàng Mai đã yêu cầu chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ. Vừa qua, UBND TP đã chủ trì cuộc họp và yêu cầu giải quyết tuyến đường này, UBND TP đã có thông báo giao Sở KH&ĐT, QH-KT và Sở XD hướng dẫn chủ đầu tư cấp 1, các nhà đầu tư thứ phát đề xuất lập kế hoạch xây dựng tuyến đường kéo dài và các công trình hạ tầng kỹ thuật khác để sớm đưa dự án vào triển khai.

Với các tồn tại ở một số khu đô thị khi đầu tư hạ tầng kỹ thuật chưa đồng bộ, nhiều ô đất còn để trống chưa triển khai thực hiện... UBND quận đã báo cáo TP đề nghị Tổng Công ty Hud bàn giao lại 7 ô bãi đỗ xe, 7 ô trường học, 7 ô đất công cộng để quận quản lý và đầu tư.

Về đề nghị này, UBND TP đã giao Sở TN&MT chủ trì làm việc với Tổng Công ty Hud để đôn đốc bàn giao dứt điểm ô đất hạ tầng kỹ thuật cho quận quản lý. UBND quận sẽ triển khai đầu tư, ưu tiên các dự án trường học ngay sau khi được bàn giao các lô đất từ Tổng Công ty Hud.

Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai cho biết thêm, với các ô đất công do quận quản lý có quy hoạch, quận đã tập trung đầu tư xây dựng-nhất là trường học thuộc thẩm quyền của quận đầu tư đã cơ bản hoàn thành theo kế hoạch đầu tư công. Với các ô đất hạ tầng xã hội đầu tư ngoài ngân sách đang chậm triển khai, quận đã có nhiều giải pháp, biện pháp để kiến nghị và quận đã thực hiện nghiêm việc giám sát, đánh giá đầu tư các dự án. Những kiến nghị, báo cáo đang được TP khẩn trương tháo gỡ.

Di dời hạ tầng đường sắt ga Hà Nội và Giáp Bát để làm dự án metro Yên Viên- Ngọc Hồi
Đồng chí Đỗ Anh Tuấn được bổ nhiệm giữ chức Giám đốc Sở KH&ĐT Hà Nội
Thuỷ Tiên - Hồng Thái - Thanh Hải - Thịnh An
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động