Thứ bảy 28/12/2024 23:53

Hà Nội là trung tâm xúc tiến thương mại hiệu quả

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại nhận định, với những thành công của giải pháp xúc tiến hỗn hợp thời gian qua, hiện Hà Nội đang là trung tâm xúc tiến thương mại hiệu quả nhất cả nước.
Hà Nội là trung tâm xúc tiến thương mại hiệu quả
Lãnh đạo thành phố Hà Nội và HPA tham quan gian hàng trưng bày các sản phẩm OCOP của huyện Thạch Thất. Ảnh: MA

Xúc tiến hỗn hợp kết nối đầu tư

TP Hà Nội hiện có 1.350 làng nghề và làng có nghề, trong đó 327 làng nghề, làng nghề truyền thống đã được công nhận thuộc địa bàn 24 quận, huyện, thị xã gồm 268 làng được công nhận danh hiệu làng nghề, 59 làng được công nhận danh hiệu làng nghề truyền thống với nhiều nhóm nghề. 

Các làng nghề đang góp phần tích cực vào chuyển dịch cơ cấu, phát triển kinh tế nông thôn, tạo tiền đề thực hiện thành công chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn TP. Tính đến nay, có 745/2.711 sản phẩm OCOP trên địa bàn TP là sản phẩm của làng nghề, làng có nghề.

Các quận, huyện như Tây Hồ, Thạch Thất, Thanh Oai đang đi đầu trong việc quảng bá sản phẩm OCOP (mỗi xã một sản phẩm) kết hợp với các hoạt động xúc tiến du lịch và văn hóa.

Xuyên suốt năm 2024, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch TP Hà Nội (HPA) liên tục tổ chức các sự kiện xúc tiến, hội chợ, triển lãm quảng bá sản phẩm cho các quận, huyện. Đây là chủ trương hỗ trợ thương mại, sản phẩm nông sản và làng nghề cho các quận, huyện đã được TP Hà Nội phê duyệt.

Trong số các quận nội thành, quận Tây Hồ có thể gọi là địa phương có “tinh hoa hội tụ” khi có địa bàn rộng, đẹp với không gian của Hồ Tây là hồ nước ngọt lớn nhất TP. Không gian quanh Hồ Tây là địa điểm lý tưởng để tổ chức các sự kiện văn hóa, du lịch, thể thao.

Tây Hồ cũng là nơi có lượng di tích, di sản có mật độ cao nhất TP và được biết đến với các sản phẩm đặc trưng như trà sen Quảng An, xôi Phú Thượng, đào Nhật Tân và quất cảnh Tứ Liên. Hiện, quận Tây Hồ có 36 sản phẩm OCOP, trong đó có 17 sản phẩm đạt 4 sao và 19 sản phẩm đạt 3 sao.

Tại huyện Thạch Thất, Hội chợ tại chùa Tây Phương do HPA phối hợp với UBND huyện tổ chức có quy mô hơn 100 gian hàng từ 20 tỉnh, TP đã mang đến các sản phẩm như đồ thủ công mỹ nghệ, thực phẩm chế biến và sản phẩm OCOP. Đây là dịp để các DN gặp gỡ, giao lưu kinh tế và giới thiệu sản phẩm đến người tiêu dùng.

Theo ông Nguyễn Mạnh Hồng, Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất, hoạt động xúc tiến không chỉ giúp bảo tồn giá trị làng nghề mà còn nâng cao giá trị kinh tế cho địa phương, tạo cơ hội cho các sản phẩm OCOP vươn xa hơn trong và ngoài nước.

Hà Nội là trung tâm xúc tiến thương mại hiệu quả
Tuần hàng Việt "Made in Vietnam 2024" sẽ diễn ra từ ngày 20/12/2024 đến ngày 24/12/2024. Ảnh: VB

Không ngừng đổi mới cách tiếp cận

Thời gian qua, Hà Nội không chỉ tập trung vào xúc tiến thương mại mà còn thúc đẩy các chương trình kết hợp với đầu tư và du lịch. Những nỗ lực này mang lại lợi ích vượt trội vì các sự kiện có tính tương hỗ, thu hút khách đến với sự kiện đông hơn, lưu lại sự kiện lâu hơn. Tiêu biểu là sự kiện hội chợ làng nghề và sản phẩm OCOP lần đầu tổ chức tại huyện Đan Phượng cuối năm 2023, lần đầu tiên có lượng khách tới hơn 10.000 người tham dự sự kiện.

Các hội chợ không chỉ giúp tiêu thụ sản phẩm mà còn tạo ra giá trị gia tăng thông qua kết nối chuỗi cung ứng. Xúc tiến thương mại tổng hợp còn giúp quảng bá giá trị văn hóa, du lịch. Các sự kiện xúc tiến thương mại thường được kết hợp với các hoạt động văn hóa như múa rối nước, trình diễn nghệ thuật. Điều này không chỉ thu hút du khách mà còn góp phần quảng bá hình ảnh Thủ đô ra quốc tế, các thế mạnh, tiềm năng của các quận huyện được quảng bá cũng giúp thu hút đầu tư nước ngoài. 

Ông Nguyễn Ánh Dương, Giám đốc HPA chia sẻ, TP Hà Nội không ngừng đổi mới cách tiếp cận để thu hút đầu tư. Các đoàn xúc tiến tại Pháp, Trung Quốc và Nhật Bản đã mở ra cơ hội hợp tác mới, tạo động lực phát triển bền vững cho Thủ đô.

Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, nhận định, TP Hà Nội đang là trung tâm xúc tiến thương mại hiệu quả nhất cả nước. Các chương trình như Hội chợ đặc sản vùng miền hay tiếp cận hệ thống phân phối quốc tế đã giúp DN Việt Nam tăng cường năng lực cạnh tranh và vươn ra thị trường toàn cầu.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, HPA Hà Nội đang khẳng định vai trò là trung tâm xúc tiến thương mại hàng đầu cả nước. Với sự phối hợp chặt chẽ giữa các quận, huyện và HPA, các chương trình xúc tiến không chỉ hỗ trợ DN mà còn thúc đẩy phát triển bền vững. Việc kết hợp giữa thương mại, đầu tư và du lịch đã mang lại trái ngọt, mở ra cơ hội phát triển kinh tế toàn diện cho Thủ đô trong tương lai.
Quy định của Luật Thủ đô là tiền đề quan trọng cho phát triển thị trường Quy định của Luật Thủ đô là tiền đề quan trọng cho phát triển thị trường
Phát triển kinh tế số sâu rộng để tăng trưởng bán buôn, bán lẻ Phát triển kinh tế số sâu rộng để tăng trưởng bán buôn, bán lẻ
Khánh Phong
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động