Hà Nội hỗ trợ người phải kéo dài thời gian cách ly tại cơ sở y tế và khu cách ly tập trung
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênTheo đó, danh mục quy định một số cơ chế chi đặc thù trong phòng, chống dịch Covid-19 của TP Hà Nội gồm 6 nội dung: Chế độ hỗ trợ lương thực, thực phẩm thiết yếu đối với người bị cách ly tại khu vực phong toả cách ly.
Chế độ bồi dưỡng và chế độ hỗ trợ tiền ăn đối với người tham gia phòng, chống dịch Covid-19; Hỗ trợ thêm cho các lực lượng tuyến đầu tham gia phòng, chống dịch Covid-19; Hỗ trợ chi phí xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2; Chế độ đối với người phải kéo dài thời gian cách ly tại cơ sở y tế, khu cách ly tập trung; Hỗ trợ cho cơ quan, đơn vị thực hiện nhiệm vụ quản lý, xử lý các đối tượng nhập cảnh trái phép trên địa bàn TP phải thực hiện cách ly tập trung.
Trình bày Tờ trình của UBND TP Hà Nội về việc ban hành Nghị quyết quy định một số cơ chế chi đặc thù trong phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn TP Hà Nội, bà Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết: mục đích xây dựng Nghị quyết nhằm chủ động phát hiện sớm, ngăn ngừa kịp thời, không để dịch bệnh Covid-19 lây lan trên địa bàn TP. Thực hiện các giải pháp đồng bộ nhằm đảm bảo chế độ và kịp thời động viên, khuyến khích đối với các lực lượng tham gia phòng chống dịch trên địa bàn TP.
Việc hỗ trợ thực hiện đúng các quy định về trình tự và thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Thực hiện các chính sách, chế độ cho con người trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 đảm bảo thống nhất, hiệu quả, kịp thời, phù hợp và theo quy định.
Đồng thời kế thừa các nội dung, mức chi đã được cấp có thẩm quyền chấp thuận trong thời gian qua. Các cơ chế chi phù hợp với yêu cầu thực tiễn và khả năng cân đối ngân sách Nhà nước các cấp.
Bà Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội trình bày Tờ trình của UBND TP về việc ban hành Nghị quyết quy định một số cơ chế chi đặc thù trong phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn TP Hà Nội (ảnh L.H) |
Trình bày báo cáo thẩm tra Tờ trình, Dự thảo Nghị quyết quy định một số cơ chế chi đặc thù trong phòng, chống dịch Covid-19 của TP Hà Nội, nhất trí với những nội dung UBND TP trình bày, bà Hồ Vân Nga, Trưởng Ban Kinh tế-Ngân sách, HĐND TP làm rõ thêm:
Về quy định hỗ trợ lương thực, thực phẩm thiết yếu đối với người cách ly tại khu vực phong tỏa cách ly: Theo Nghị quyết số 01/2020/NQ-HĐND ngày 15-5-2020 của HĐND TP quy định hỗ trợ lương thực, thực phẩm thiết yếu đối với người cách ly tại khu vực phong tỏa cách ly là 100.000 đồng/người/ngày. Tuy nhiên theo Nghị quyết số 16/NQ-CP ngày 8-2-2021 của Chính phủ chỉ quy định hỗ trợ cho đối tượng là hộ nghèo, hộ cận nghèo, theo mức chi phí tiền ăn các đối tượng khác phải đóng góp là 80.000 đồng/người/ngày.
Do đó để thống nhất giữa các đối tượng cách ly y tế và phù hợp với quy định tại Nghị quyết số 16/NQ-CP ngày 8-2-2021 của Chính phủ, UBND TP trình HĐND TP quy định hỗ trợ lương thực, thực phẩm thiết yếu đối với người cách ly tại khu vực phong tỏa cách ly đối với đối tượng là hộ nghèo, hộ cận nghèo, mức tối đa không quá 80.000 đồng/người/ngày là phù hợp.
Đối với quy định về chế độ bồi dưỡng và chế độ hỗ trợ tiền ăn đối với người tham gia phòng chống dịch:
UBND TP trình HĐND TP quy định về chế độ bồi dưỡng và chế độ hỗ trợ tiền ăn đối với 8 nhóm đối tượng tham gia phòng chống dịch. Đây là các lực lượng tham gia tích cực trong công tác phòng, chống dịch theo yêu cầu của Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid-19 của TP nhưng không thuộc các lực lượng được hưởng chế độ bồi dưỡng, hỗ trợ chống dịch mà Chính phủ đã quy định tại nghị quyết 16/NQ-CP ngày 8-2-2021.
Ban Kinh tế-Ngân sách cho rằng việc quy định chế độ đãi ngộ bổ sung cho các lực lượng này là cần thiết, nhằm động viên, khuyến khích các cá nhân trực tiếp tham gia công tác phòng, chống đại dịch Covid-19 của TP khi được cơ quan có thẩm quyền huy động. Mức bồi dưỡng và mức hỗ trợ tiền ăn của các đối tượng tham gia phòng chống dịch được vận dụng tương tự như quy định tại các Nghị quyết số 16/NQ-CP ngày 8-2-2021 và số 58/NQ-CP ngày 8-6-2021 của Chính phủ. Theo đó, chế độ bồi dưỡng là 150.000-300.000 đồng/người/ngày tùy theo từng nhóm đối tượng; chế độ hỗ trợ tiền ăn và hỗ trợ chi phí phục vụ nhu cầu sinh hoạt là 120.000 đồng/người/ngày.
Đối với nội dung hỗ trợ thêm các lực lượng tuyến đầu tham gia phòng, chống dịch:
Trên cơ sở khả năng cân đối ngân sách, UBND TP trình HĐND TP quy định hỗ trợ thêm cho các đối tượng tuyến đầu tham gia phòng, chống dịch, bao gồm các đối tượng quy định tại Điều 2 Nghị quyết số 16/NQ-CP ngày 8-2-2021 của Chính phủ và các đối tượng trực tiếp tham gia phòng chống dịch được hưởng các chế độ bồi dưỡng, hỗ trợ đặc thù nêu trên của TP. Mức hỗ trợ thêm bằng 70% mức chi chế độ phụ cấp, bồi dưỡng cho từng đối tượng tương ứng.
Theo Trưởng Ban Kinh tế-Ngân sách, đề xuất này đã được các bộ Y tế, Tài chính đồng tình và được Phó Thủ tướng Chính phủ cho ý kiến thống nhất tại văn bản số 3389/VPCP-KTTH ngày 24-5-2021 của Văn phòng Chính phủ và đã được Ban Thường vụ Thành ủy đồng ý về chủ trương.
Về hỗ trợ chi phí xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2:
Bà Hồ Vân Nga cho biết, UBND TP đề xuất ngân sách TP hỗ trợ chi phí xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 cho các đối tượng được cấp có thẩm quyền của TP chỉ định (không bao gồm các đối tượng phải tự chi trả hoặc được cơ quan bảo hiểm hay ngân sách nhà nước chi trả theo quy định của Điều 1, Nghị quyết số 16/NQ-CP ngày 8-2-2021 của Chính phủ) là phù hợp với các giải pháp phòng chống dịch theo nguyên tắc truy vết nhanh, xét nghiệm diện rộng, khoanh vùng gọn, cách ly nghiêm mà TP đã thực hiện hiệu quả thời gian qua-nhất là từ khi đợt dịch thứ 4 bùng phát.
Chế độ đối với người phải kéo dài thời gian cách ly tại cơ sở y tế và khu cách ly tập trung:
Việc kéo dài thời gian cách ly đối với một số đối tượng đã hoàn thành thời gian cách ly theo quy định của Bộ Y tế là một trong những biện pháp bổ sung của TP nhằm đảm bảo an toàn và hiệu quả cao hơn cho công tác phòng chống đại dịch Covid-19. Để phần nào bù đắp những thiệt thòi, khó khăn của những người bị kéo dài thời gian cách ly y tế tập trung này, UBND TP đề nghị ngân sách hỗ trợ tiền ăn và chi phí phục vụ sinh hoạt vận dụng theo mức như đối với những đối tượng được ngân sách đài thọ quy định tại Nghị quyết số 16/NQ-CP ngày 8-2-2021 của Chính phủ (mức 120.000 đồng/người/ngày).
Những người thuộc diện phải kéo dài thời gian cách ly tập trung sẽ được hỗ trợ tiền ăn và chi phí phục vụ sinh hoạt (ảnh P.C) |
Hỗ trợ cơ quan đơn vị thực hiện nhiệm vụ quản lý, xử lý các đối tượng nhập cảnh trái phép trên địa bàn TP phải cách ly tập trung:
Thời gian qua, các cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ quản lý, xử lý các đối tượng nhập cảnh trái phép trên địa bàn TP phải thực hiện cách ly tập trung đối với đối tượng vi phạm phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 theo chỉ đạo của TP. Đây là nhiệm vụ phát sinh trong công tác phòng chống dịch trên địa bàn TP, nội dung và mức chi liên quan đến việc quản lý, cách ly tập trung đối với các đối tượng trên chưa được quy định cụ thể.
Ban Kinh tế-Ngân sách cho rằng, việc hỗ trợ các quan đơn vị thực hiện nhiệm vụ quản lý, xử lý các đối tượng nhập cảnh trái phép trên địa bàn TP phải cách ly tập trung là cần thiết. Ban Kinh tê-Ngân sách thống nhất với nội dung trình của UBND TP và đề nghị quy định rõ hơn việc hỗ trợ 100% chi phí cho công tác thực hiện kế hoạch áp giải, bàn giao đối tượng, chi phí xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2.
Về kinh phí thực hiện các chính sách hỗ trợ, UBND TP trình nguồn kinh phí do ngân sách nhà nước các cấp bảo đảm là phù hợp với nguyên tắc cấp nào giao nhiệm vụ thi ngân sách cấp đó chi trả. Căn cứ vào tính chất ưu tiên của việc đảm bảo kinh phí cho công tác phòng chống dịch bệnh và các nguồn lực ngân sách có thể huy động để chi cho công tác phòng, chống dịch bệnh (kinh phí từ tiết kiệm thêm chi thường xuyên và dự phòng ngân sách các cấp, Quỹ dự trữ tài chính của TP). Ban Kinh tế Ngân sách thống nhất với đánh giá của UBND TP về việc Hà Nội có thể đảm bảo nguồn lực để thực hiện các chế độ chi đặc thù cho công tác phòng chống dịch covid-19.
Ban Kinh tế-Ngân sách đề nghị UBND TP chỉ đạo, rà soát nguồn và đảm bảo khả năng cân đối ngân sách các cấp (có biện pháp bổ sung mục tiêu đối với các huyện, xã khó khăn) để thực hiện chính sách. Đồng thời triển khai thực hiện chi trả đảm bảo đúng đối tượng, công khai, minh bạch và đúng quy định của pháp luật.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại