Hà Nội hỗ trợ người lao động, người khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 460 tỷ đồng
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênGiám đốc Sở Y tế Trần Thị Nhị Hà cho biết: Thành phố hiện có 10 chùm ca bệnh |
Hà Nội có 10 chùm ca bệnh
Tại buổi họp, báo cáo về tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn, Giám đốc Sở Y tế Trần Thị Nhị Hà cho biết: TP hiện có 10 chùm ca bệnh. Qua công tác chủ động rà soát, giám sát các trường hợp ho, sốt ngoài cộng đồng đã phát hiện 1.406 ca mắc tại 29 quận, huyện, thị xã, trong đó, 122 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 nguyên phát. Thành phố cũng đã bố trí và kích hoạt 10.600 giường điều trị. Tính đến 12h ngày 20/8, Thành phố còn 99/464 điểm phong tỏa.
Về công tác xét nghiệm, TP đã tập trung mọi nguồn lực, bằng mọi biện pháp, tận dụng tối đa “thời gian vàng” các ngày giãn cách xã hội nhằm thực hiện xét nghiệm trên diện rộng. Qua đó, đảm bảo an toàn, kết hợp với các hoạt động xét nghiệm truy vết, đánh giá nguy cơ lây nhiễm để trong thời gian ngắn nhất bóc tách triệt để các F0, kiểm soát để dịch bệnh không lây lan, bùng phát.
Cụ thể, xét nghiệm cho các đối tượng thuộc “nhóm đỏ” (khu vực xã, phường nguy cơ rất cao và nguy cơ cao); “nhóm da cam” (các nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất, cơ quan, đơn vị, siêu thị, bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh… là các khu vực nằm trong vùng nguy cơ); “nhóm xanh” (các đối tượng ít di chuyển tại khu vực không có dịch trong vùng xanh); lấy mẫu xét nghiệm theo hộ gia đình tại các quận nội thành và các huyện có nguy cơ cao, mỗi gia đình lấy đại diện 1 mẫu của 1 thành viên có nguy cơ cao.
Đợt 1, đã lấy được 322.925 mẫu, đạt 107,6% kế hoạch, kết quả phát hiện được 29 ca mắc, còn lại âm tính. Đợt 2 lấy được 421.108 mẫu, đạt 48,8% kế hoạch, đã phát hiện 18 ca dương tính, 107.259 mẫu âm tính, còn lại đang thực hiện xét nghiệm.
Đối với công tác tiêm vắc-xin phòng Covid-19, tổng cộng đã có 10 đợt phân bổ vắc-xin với 1.919.500 liều các loại. Đến nay, TP đã tiêm được 1.710.521 liều, đạt 20,6%; công nhân tại khu công nghiệp đạt 48,5%.
Hàng hóa dồi dào, giá cả ổn định
Quyền Giám đốc Sở Công thương Trần Thị Phương Lan: Hà Nội trưng tập 5 địa điểm ở ngoại thành để giãn cách cho các chợ đầu mối... |
Thông tin về công tác cung ứng hàng hóa cho người dân, quyền Giám đốc Sở Công thương Trần Thị Phương Lan đánh giá, qua 2 đợt giãn cách, Hà Nội luôn đảm bảo cung ứng đủ hàng hóa cho người dân, hàng hóa dồi dào, giá cả ổn định.
Trong quá trình tổ chức triển khai nhiệm vụ này, Hà Nội luôn chủ động, sáng tạo và quyết liệt. Thành phố đã ban hành kế hoạch về đảm bảo nguồn cung và điều phối hàng hóa để đảm bảo hàng hóa được cung ứng ổn định trong mọi tình huống. Hà Nội cũng quyết định trưng tập 5 địa điểm ở ngoại thành để giãn cách cho các chợ đầu mối, chợ có tính chất đầu mối của Thành phố. Thành phố cũng kịp thời tháo gỡ khó khăn cho khâu vận chuyển; đã cấp mã nhận diện cho 2.200 ô tô và trên 9 nghìn xe máy vận chuyển hàng hóa. Trên 14 nghìn shipper cũng được cấp mã.
Hiện nay trên địa bàn TP có 8.355 điểm bán hàng bình ổn giá, tăng gấp 7 lần so với thời điểm Hà Nội triển khai các chương trình bình ổn hàng năm. Đồng thời, mở thêm hơn 472 điểm bán hàng thiết yếu của bưu điện, 800 điểm của VNPost và 81 điểm của ViettelPost. Các quận, huyện cũng triển khai nhiều hình thức bán hàng lưu động, hiện nay có 9 địa phương triển khai với nhiều hình thức rất phong phú, đa dạng.
Để cung ứng hàng hóa đa dạng, Hà Nội cũng chỉ đạo Sở Công thương phối hợp với các quận, huyện, thị xã triển khai bán hàng cho các khu nhà trọ, đông dân cư để hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện “một cung đường, 2 điểm đến”, công nhân không phải đi chợ dọc đường, tiềm ẩn nguy cơ lây dịch bệnh. Đáng chú ý, Hà Nội đang triển khai bán hàng bằng xe buýt lưu động, hiện đã có 14 doanh nghiệp đăng ký và trong trường hợp cấp bách sẽ triển khai tiếp.
Sở Công thương cũng phối hợp, hỗ trợ người lao động hiện đang bị mất việc làm có thể tham gia vào chuỗi cung ứng để vừa có thêm thu nhập, vừa cung ứng nguồn nhân lực phục vụ việc vận chuyển, lưu thông hàng hóa. Ngoài ra, Sở cũng tăng cường kiểm tra, kiểm soát giá cả. Khi tiếp nhận thông tin chợ nào có hiện tượng tăng giá thì sẽ phối hợp để kiểm tra ngay...
460 tỷ đồng chăm lo cho người lao động
Báo cáo tại cuộc họp, Phó Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội Nguyễn Quốc Khánh cho biết, tính đến 15g ngày 20-8, tổng kinh phí đã thực hiện cho an sinh xã hội, chăm lo cho người lao động, người khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch là 460 tỷ đồng.
Trong đó, Thành uỷ, UBND chỉ đạo ngành rà soát 10 nhóm đối tượng không ở trong diện được hỗ trợ theo quy định và đã được TP phê duyệt về chính sách đặc thù, kết quả, chỉ trong thời gian ngắn, đã thực hiện hỗ trợ được 190 tỷ đồng. Ngoài ra, các quận, huyện, thị xã; xã, phường, thị trấn cũng tăng cường vừa rà soát, vừa lập danh sách, vừa chuẩn bị các phương án… sẵn sàng hỗ trợ cho người dân.
Những ngày gần đây, MTTQ Việt Nam TP Hà Nội cũng đã tiếp tục hỗ trợ các đối tượng chính sách bằng các hình thức rất đa dạng, thiết thực với gần 30 tỷ đồng; Công đoàn các cấp đã hỗ trợ chăm lo cho hơn 40.000 lượt người lao động với số tiền gần 50 tỷ đồng; địa phương đã hỗ trợ các hộ khó khăn bằng hình thức xã hội hoá.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại