Hà Nội: Hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư cho công nghệ chế biến
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênHà Nội đẩy mạnh ứng dụng công nghệ bảo quản và chế biến nông sản. Ảnh: T. L |
Theo Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Hà Nội, đến thời điểm hiện tại, toàn TP Hà Nội có hơn 250 doanh nghiệp chế biến nông sản và hàng nghìn cơ sở có quy mô nhỏ và vừa, thực hiện sơ chế, bảo quản thực phẩm phục vụ tiêu dùng của địa phương.
Xác định công nghiệp chế biến là khâu quan trọng trong chuỗi giá trị sản xuất chế biến tiêu thụ sản phẩm nông sản, thời gian qua, TP Hà Nội đã có nhiều cơ chế, chính sách để khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ thể sản xuất tăng cường đầu tư cho công nghệ chế biến.
Tuy nhiên, ngành công nghiệp chế biến nông sản, thực phẩm của Hà Nội vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Số lượng doanh nghiệp tham gia ít, phần lớn những cơ sở chế biến có quy mô nhỏ và vừa, thiết bị máy móc lạc hậu, chủ yếu vẫn là công nghệ chế biến thủ công.
Hệ thống bảo quản các sản phẩm nông sản của Hà Nội vẫn còn hạn chế. Thiết bị máy móc của các cơ sở chế biến chủ yếu là bán tự động (chiếm 76,6% tổng số cơ sở). Công nghệ dây chuyền tự động mới chiếm hơn 14,7%; trong khi công nghệ chế biến thủ công vẫn chiếm khoảng 8,7%.
Hệ thống bảo quản các sản phẩm nông lâm sản và thủy sản của Hà Nội vẫn còn khiêm tốn, toàn TP có 113 kho lạnh nhưng mới chỉ có 7 kho lớn (tổng quy mô gần 30.000m2); còn lại 106 kho có diện tích tổng thể chỉ hơn 5.300m2. Hiện sản lượng các loại nông sản, thực phẩm qua chế biến đạt khoảng 1.500 tấn/tháng, trong khi nhu cầu tiêu dùng của người dân khoảng 5.350 tấn, như vậy năng lực chế biến của Hà Nội mới đáp ứng chưa đến 30% nhu cầu thực tế.
Theo Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Hà Nội Nguyễn Thị Thu Hằng, TP Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2025, phấn đấu có 50% cơ sở sơ chế, chế biến các sản phẩm rau, củ, quả, thịt, trứng sử dụng máy móc hiện đại, áp dụng công nghệ cao, bảo quản sản phẩm theo quy trình quản lý chất lượng tiên tiến.
Đến năm 2030, TP Hà Nội sẽ hình thành 15 khu (cơ sở) chế biến nông sản gắn với chuỗi giá trị, có năng lực cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu; phát triển một khu phức hợp chế biến, bảo quản, kiểm định "một cửa" hỗ trợ sản phẩm xuất khẩu.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, trong thời gian tới, ngành Nông nghiệp tiếp tục phối hợp với các đơn vị rà soát, quy hoạch cơ sở, vùng giết mổ, chế biến sản phẩm nông sản của thành phố kết nối với vùng nguyên liệu tập trung được quy hoạch và hạ tầng thương mại của TP.
Đồng thời, hỗ trợ cơ sở hạ tầng, trang thiết bị máy móc, công nghệ cho hoạt động chế biến, bảo quản, tiêu thụ sản phẩm của các cơ sở nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường. Hỗ trợ các cơ sở giết mổ, chế biến sản phẩm nông sản áp dụng hệ thống chứng nhận chất lượng quốc tế (ISO, HACCP, Halal...) nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh tại thị trường trong nước và xuất khẩu.
Phát triển cùng xu thế, nhiều doanh nghiệp tại Hà Nội đã đầu tư hàng chục đến hàng trăm tỷ đồng xây dựng nhà máy chế biến, kho lạnh, kho bảo quản… góp phần nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp và giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động. Giám đốc Công ty cổ phần thực phẩm Song Đạt (huyện Thanh Trì) Dương Phương Mai chia sẻ, nắm bắt nhu cầu thịt lợn sạch, an toàn của người tiêu dùng ngày càng cao, nhằm đưa thực phẩm "sạch - an toàn - truy xuất nguồn gốc" tới tay người tiêu dùng nên Công ty Song Đạt đã đầu tư lắp đặt hệ thống dây chuyền pha lóc, sơ chế tự động thịt lợn theo tiêu chuẩn châu Âu, toàn bộ hệ thống được nhập khẩu nguyên bộ và lắp đặt dưới sự hướng dẫn của chuyên gia nước ngoài, với công suất trên 70 tấn thịt lợn/ngày đêm. |
Hà Nội: Tập trung thực hiện các giải pháp bình ổn giá thịt lợn, thúc đẩy sản xuất, chế biến nông sản | |
Gắn chế biến nông sản với chuỗi liên kết |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại