Hà Nội đứng thứ 3 cả nước về tổng vốn đầu tư nước ngoài
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênPhó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền phát biểu tại hội nghị |
Nhấn mạnh tại Hội nghị “Đối thoại tháo gỡ khó khăn đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn Thành phố trong bối cảnh dịch Covid-19”, Phó Chủ tịch UBND Nguyễn Mạnh Quyền cho biết: Đại dịch Covid-19 đã mang lại những thách thức chưa từng có, gây ra tác động đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp và ảnh hưởng nặng nề đến kinh tế-xã hội.
Để ứng phó với tình hình dịch bệnh, bảo vệ sức khoẻ, tính mạng của nhân dân, ổn định kinh tế trên địa bàn, Thành phố đã ban hành nhiều giải pháp để phòng, chống dịch đi đôi với duy trì phát triển kinh tế. Về cơ bản, đến nay, tình hình dịch bệnh Covid-19 đã được kiểm soát. Thành phố đang từng bước phục hồi và phát triển kinh tế.
Thông tin về kết quả phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư nước ngoài 9 tháng đầu năm của Thành phố, Phó Chủ tịch Nguyễn Mạnh Quyền cho biết: Tổng sản phẩm GRDP 6 tháng đầu năm 2021 tăng 6,61%; Quý III giảm 7,02%, chủ yếu do các nhóm ngành như: dịch vụ giảm 8,18%, công nghiệp - xây dựng giảm 6,76%. Tính chung 9 tháng đầu năm 2021, GRDP tăng được 1,28% so với cùng kỳ, một số nhóm ngành cơ bản vẫn duy trì được tăng trưởng dương như: Nông, lâm nghiệp và thủy sản; Công nghiệp và xây dựng; Dịch vụ; Thuế sản phẩm trừ trợ cấp.
9 tháng đầu năm, thu NSNN đạt 177,4 nghìn tỷ đồng, tăng 8,1% so với cùng kỳ, đảm bảo cân đối cho chi ngân sách, nhất là chi đầu tư phát triển, phòng chống dịch bệnh và hỗ trợ ổn định an sinh xã hội. Mặc dù, cung ứng hàng hóa gặp khó khăn nhất định do chuỗi cung ứng bị đứt gẫy, tuy nhiên, chỉ số giá tiêu dùng được kiểm soát ở mức 1,54%. Hệ thống tín dụng, ngân hàng vẫn hoạt động ổn định và hiệu quả. Cụ thể, huy động vốn đạt 4,14 triệu tỷ đồng, tăng 7,42%; dư nợ hơn 2,4 triệu tỷ đồng, tăng 9,38% so với cùng kỳ, đảm bảo nguồn vốn để phục vụ nhu cầu sản xuất kinh doanh trên địa bàn.
Bên cạnh các nỗ lực để phòng, chống dịch bệnh, cùng với sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và sự chung tay vì cộng đồng của các doanh nghiệp trên địa bàn, Thành phố đã triển khai các chính sách an sinh xã hội để kịp thời hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp tạo nền tảng ổn định cho sản xuất kinh doanh và phát triển kinh tế.
Về thu hút đầu tư nước ngoài, Phó Chủ tịch Nguyễn Mạnh Quyền cho biết: Hà Nội là một trong những địa phương đón nhận dự án đầu tư nước ngoài sớm nhất, với dự án đầu tiên từ năm 1989; đến nay, Thành phố là địa phương đứng thứ 3 toàn quốc về tổng vốn đầu tư nước ngoài. Tiếp theo đà thu hút FDI từ năm 2018 trở lại đây, vốn đầu tư nước ngoài tại Hà Nội từ đầu năm đến nay đạt 1,28 tỷ USD. Trong đó, đăng ký mới 256 dự án với số vốn 144 triệu USD; tăng vốn 93 dự án thêm 686 triệu USD và 346 lượt nhà đầu tư nước ngoài đăng ký góp vốn, mua cổ phần với số vốn 450 triệu USD.
Toàn cảnh hội nghị |
Đặc biệt, để chuẩn bị cho Hội nghị “Đối thoại tháo gỡ khó khăn đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn Thành phố trong bối cảnh dịch Covid-19” hôm nay, với quyết tâm hỗ trợ, đồng hành giải quyết, tháo gỡ khó khăn cho các nhà đầu tư, Phó Chủ tịch thông tin: Từ ngày 21-9-2021 đến nay, Thành phố đã cấp phép điều chỉnh cho một số dự án lớn với vốn tăng thêm 340 triệu USD. Kết quả này thể hiện niềm tin của nhà đầu tư vào môi trường đầu tư kinh doanh của Hà Nội cũng như sự quan tâm của chính quyền Thành phố trong việc hỗ trợ, hướng dẫn giải quyết các thủ tục liên quan để tạo điều kiện cho nhà đầu tư sớm giải ngân, triển khai dự án, đón đầu xu hướng hồi phục kinh tế.
Cùng với đầu tư nước ngoài, nhà đầu tư và công ty trong nước cũng quan tâm mở rộng sản xuất kinh doanh, tạo nền tảng cho hệ sinh thái bền vững và hứa hẹn ngày càng sôi động. Theo đó, thu hút đầu tư trong nước 9 tháng đầu năm đạt 9.650 tỷ đồng, gồm có 12 dự án mới với tổng vốn 1.799 tỷ đồng và 59 dự án tăng vốn 7.852 tỷ đồng. Số doanh nghiệp thành lập mới trong 9 tháng đạt 17.328 doanh nghiệp với số vốn đăng ký 232,3 nghìn tỷ đồng; 8.310 doanh nghiệp hoạt động trở lại, tăng 77% so với cùng kỳ. Đến hết tháng 9/2021, trên địa bàn Thành phố có tổng cộng 318.789 doanh nghiệp.
Với tinh thần luôn sát cánh, đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn do đại dịch nhằm biến "nguy" thành "cơ", đồng chí Nguyễn Mạnh Quyền khẳng định: Thành ủy, HĐND, UBND và Ủy banMTTQ Việt Nam TP Hà Nội luôn coi công tác hỗ trợ doanh nghiệp là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt. Thành phố đã ban hành kế hoạch cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI); phê duyệt chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Hiện nay, đang hoàn thiện Kế hoạch phục hồi và phát triển kinh tế, tiếp tục hỗ trợ cho doanh nghiệp trên địa bàn, tập trung vào các nhóm giải pháp như: cải cách thủ tục hành chính; ban hành và triển khai các chính sách về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa và hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo; duy trì các hoạt động đối thoại, hội thảo, tập huấn để nắm bắt và kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn.
Theo Phó Chủ tịch Nguyễn Mạnh Quyền, công tác hỗ trợ doanh nghiệp trước khó khăn của đại dịch đã được triển khai kịp thời, đúng lúc, toàn diện và đa dạng hình thức. Thời gian tới, Thành phố tập trung các nguồn lực để triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm với mong muốn và quyết tâm nhanh chóng đưa các hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, sớm phục hồi và phát triển kinh tế theo song vẫn đảm bảo phòng, chống dịch theo phương châm "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả".
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại