Hà Nội đồng hành cùng doanh nghiệp vượt khó
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênHà Nội tiếp tục triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn về vốn cho DN Ảnh: Vietcombank |
Một số khó khăn hiện tại
Mặc dù toàn ngành ngân hàng đã thực hiện nhiều giải pháp với tinh thần đồng hành, chia sẻ khó khăn với người dân, DN, quyết liệt thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhằm tăng khả năng tiếp cận tín dụng, từ đầu năm 2023 đến nay, ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã liên tục điều chỉnh giảm 4 lần các mức lãi suất điều hành với mức giảm 0,5-2,0%/năm, trong bối cảnh lãi suất thế giới tiếp tục tăng và neo ở mức cao. Song theo bà Hà Thu Giang Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) cho biết: Việc cung ứng và tiếp cận tín dụng của các DN trên cả nước cũng như địa bàn Hà Nội hiện vẫn còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.
Là DN có doanh thu khoảng 2000 tỷ đồng, tỷ suất lợi nhuận vốn hàng năm đạt từ 10 – 15%, đóng góp ngân sách gần 200 tỷ đồng, bà Nguyễn Thị Huyền Thương, Tổng giám đốc (GĐ) Tập đoàn Nagakawa cho biết: Thời gian qua, ngân hàng đã tạo điều kiện để công ty (Cty) tiếp cận nguồn vốn phục vụ sản xuất kinh doanh như vẫn duy trì, không cắt giảm nguồn vốn, hỗ trợ DN cắt giảm lãi suất theo đúng định hướng chủ trương của Nhà nước.
Tuy nhiên, thời gian vừa rồi Tập đoàn cũng gặp một số vướng mắc, khó khăn như việc quản lý hoạt động cho vay bằng room tín dụng có thời điểm gây khó cho DN. Lãi suất thực tế dù đã giảm nhưng vẫn chưa đáp ứng nhu cầu của DN, các ngân hàng cần tiếp tục xem xét, ban hành chính sách giảm, ưu đãi thêm lãi suất và sớm triển khai thực hiện để giúp đỡ DN.
Cùng ý kiến, ông Nguyễn Việt Hùng, GĐ Cty cổ phần cơ khí Đông Anh cho rằng: Hạn chế room tín dụng đã gây khó khăn cho DN điều tiết dòng tiền. Cũng đề nghị ngân hàng đừng để xảy ra gây khó cho DN và DN đề nghị kéo dài hơn thời gian hỗ trợ gói lãi suất 2%.
Đồng thời phía ngân hàng cần xây dựng các quy định về hồ sơ, thủ tục rõ ràng hơn, vì DN ngại truy thu và hậu kiểm. Đại diện các DN cũng kiến nghị ngành ngân hàng tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng, tiếp tục tiết giảm chi phí để giảm lãi suất với cả khoản vay mới và dư nợ hiện hữu; chủ động xây dựng các chương trình, sản phẩm tín dụng với lãi suất hợp lý, đáp ứng linh hoạt nhu cầu của nhiều đối tượng, phân khúc khách hàng; đơn giản hóa quy trình, thủ tục nội bộ để tạo thuận lợi cho khách hàng tăng khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho rằng: Hà Nội là địa bàn quan trọng về cả chính trị và kinh tế nên việc tháo gỡ vốn cho DN để phát triển, cung cấp nguồn tài chính cho phát triển kinh doanh của DN, qua đó đóng góp vào phát triển chung của Hà Nội là rất quan trọng. 370.000 DN trên địa bàn đã nhận được sự hỗ trợ từ ngành ngân hàng. Với DN, giảm lãi suất là quan trọng, nhưng đôi khi, là thái độ của ứng xử, cách thức phục vụ, thủ tục hành chính cần rút gọn, đơn giản hóa để hỗ trợ cũng quan trọng không kém. Hiện nay, cấp ủy, chính quyền cũng vào cuộc, chỉ đạo sâu sát hơn, tháo gỡ các khó khăn, đồng hành cùng DN.
Đại diện Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) cho biết: Đối tượng khách hàng của Agribank tại Hà Nội chủ yếu là khách hàng cá nhân, hộ kinh doanh cá thể, DN nhỏ và vừa với quy mô hoạt động không lớn. Thời gian qua hầu hết các DN vừa và nhỏ đều hoạt động cầm chừng, rất hạn chế mở rộng quy mô, hoạt động giảm hiệu quả. Dư nợ cho vay tại khu vực TP Hà Nội của Agribank đạt 134.000 tỷ đồng, chiếm hơn 9% tổng dư nợ của Agribank. Ông Nguyễn Thanh Tùng, Tổng GĐ Vietcombank bày tỏ cam kết sẽ giảm lãi suất cho vay, đồng hành cùng DN…
Giải pháp tháo gỡ khó khăn
Để góp phần đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh trên địa bàn TP Hà Nội, bên cạnh các giải pháp của các bộ, ngành, địa phương, trong thời gian tới ngành ngân hàng tiếp tục tích cực triển khai các giải pháp ngân hàng, tín dụng cho khu vực. Cụ thể: Thứ nhất, thực hiện các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng nhằm mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý, gắn việc đầu tư tín dụng ngân hàng để thực hiện các chương trình, dự án theo quy hoạch của TP. Ưu tiên cho các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng (đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu)...
Hai là, tiếp tục triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn thuộc các lĩnh vực, ngành nghề, trong đó có chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo quy định tại Thông tư 02/2023/TT-NHNN ngày 23/4/2023.
Thứ 3, tiếp tục đơn giản hóa các thủ tục trong giao dịch với khách hàng nhằm nâng cao khả năng tiếp cận vốn tín dụng và dịch vụ ngân hàng của DN và người dân trên địa bàn. Đồng thời phát triển mạng lưới và dịch vụ ngân hàng phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương.
Thứ 4, tiếp tục thực hiện chương trình hỗ trợ lãi suất 2% qua hệ thống ngân hàng thương mại. Chỉ đạo tổ chức tín dụng tích cực triển khai các nhiệm vụ của ngành ngân hàng tại các chương trình, chính sách tín dụng đặc thù đối với một số ngành, lĩnh vực theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ... Kiểm soát tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, chứng khoán, các dự án BOT, BT giao thông; kiểm soát chất lượng tín dụng và ngăn ngừa nợ xấu.
Thứ 5, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp tục tiết giảm chi phí, tăng cường chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin và các giải pháp khác để có điều kiện tiếp tục giảm lãi suất cho vay đối với cả khoản vay mới và dư nợ hiện hữu.
Thứ 6, đẩy mạnh chương trình kết nối ngân hàng - DN nhằm tăng cường thông tin, nắm bắt nhu cầu, kịp thời xử lý khó khăn, vướng mắc trong quan hệ tín dụng, tạo điều kiện thuận lợi trong tiếp cận vốn tín dụng của người dân, DN.
Với những giải pháp của ngành ngân hàng và sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao sẽ giúp người dân, DN trên địa bàn TP ổn định sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Tuy nhiên, dù đã tích cực triển khai nhiều giải pháp nhưng tín dụng của Agribank vẫn tăng trưởng thấp so với cùng kỳ năm trước. Vì thế, ngoài các giải pháp, chính sách từ ngành Ngân hàng, cần có sự phối hợp đồng bộ từ chính sách của các Bộ, ngành, địa phương nhằm góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ, thúc đẩy các động lực tăng trưởng; kích thích tổng cầu. |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại