Thứ sáu 29/03/2024 17:49

Hà Nội đề xuất nhân rộng mô hình “Tổ hòa giải 5 tốt”

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
“Từ những kết quả đạt được trong việc xây dựng, thực hiện mô hình “Tổ hòa giải 5 tốt”, Hà Nội kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu triển khai nhân rộng mô hình “Tổ hòa giải 5 tốt” trên phạm vi toàn quốc”, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn phát biểu tại Hội nghị trực tuyến công tác dân vận trong hoạt động hòa giải diễn ra ngày 13-7-2020.

Ngày 13-7-2020, Ban Dân vận Trung ương đã tổ chức Hội nghị trực tuyến với các tỉnh, Thành ủy về “Công tác dân vận trong hoạt động hòa giải ở cơ sở”.

Hội nghị có sự tham dự của bà Trương Thị Mai - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương; ông Trần Thanh Mẫn - Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; ông Nguyễn Hòa Bình - Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự đảng, Chánh án TAND tối cao; ông Lê Thành Long - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp.

Tại điểm cầu Hà Nội có sự tham dự của bà Ngô Thị Thanh Hằng - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Trưởng ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Thành ủy Hà Nội; ông Lê Hồng Sơn - Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND TP, bà Nguyễn Thị Tuyến - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Dân vận Thành ủy Hà Nội…

Gắn kết công tác hòa giải cơ sở giữa người dân và chính quyền

Tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn đã trình bày tham luận về mô hình “Tổ hòa giải 5 tốt” của TP Hà Nội. Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn, kể từ khi Luật Hòa giải ở cơ sở có hiệu lực thi hành, tổ chức và hoạt động của các tổ hòa giải ở cơ sở trên địa bàn TP Hà Nội đã có nhiều chuyển biến tích cực. Đặc biệt là mô hình “Tổ hòa giải 5 tốt” đã phát huy hiệu quả tích cực trong công tác hòa giải ở cơ sở của TP.

ha noi de xuat nhan rong mo hinh to hoa giai 5 tot
Các đại biểu dự hội nghị trực tuyến công tác Dân vận trong hoạt động hòa giải tại điểm cầu
Hà Nội. (Ảnh: Thanh Hải)

Theo đó “Tổ hòa giải 5 tốt” là tổ hòa giải đáp ứng được 5 tiêu chí. Tiêu chí 1: Phát hiện vụ việc kịp thời, tổ chức hòa giải tốt, đạt tỷ lệ hòa giải thành 85% trở lên. Tiêu chí 2: Phối hợp tốt giữa Ban công tác Mặt trận, các chi hội đoàn thể ở cơ sở, các tổ hòa giải và tổ chức, cá nhân khác trong hoạt động hòa giải ở cơ sở.

Tiêu chí 3: Được cung cấp tài liệu liên quan đến hoạt động hòa giải; tham gia đầy đủ các lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật, bồi dưỡng, tập huấn hòa giải viên tốt. Tiêu chí 4: Được hỗ trợ kinh phí thực hiện công tác hòa giải đúng, kịp thời theo quy định của pháp luật.

Tiêu chí 5: Định kỳ giao ban 6 tháng, hàng năm trao đổi kinh nghiệm hòa giải, báo cáo tình hình tổ chức, hoạt động hòa giải; ghi chép, quản lý sổ theo dõi hoạt động hòa giải ở cơ sở theo đúng quy định.

Việc đưa ra 5 tiêu chí trên đã gắn kết công tác hòa giải ở cơ sở giữa người dân và chính quyền. Tiêu chí 1 và tiêu chí 2 là các tiêu chí thể hiện tinh thần, trách nhiệm, kỹ năng của hòa giải viên trong công tác hòa giải. Tiêu chí 3, 4, 5 là các tiêu chí gắn trách nhiệm của chính quyền trong công tác hòa giải cũng như trách nhiệm của hòa giải viên trong việc ghi chép, quản lý sổ theo dõi hoạt động hòa giải ở cơ sở.

Để triển khai thực hiện mô hình “Tổ hòa giải 5 tốt”, UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo gắn mô hình “Tổ hòa giải 5 tốt” với tiêu chí đánh giá xã, phường, thị trấn. Theo đó, đối với xã, phường, thị trấn thực hiện tốt công tác hòa giải thì ngoài tiêu chí chung thì phải có trên 50% tổ hòa giải đạt “Tổ hòa giải 5 tốt”.

Qua triển khai mô hình hòa giải “Tổ hòa giải 5 tốt” trong hai năm 2018, năm 2019 cho thấy việc công nhận “Tổ hòa giải 5 tốt” triển khai trên địa bàn TP đã đạt kết quả tích cực. Năm 2019, TP đã có 2.447/5.429 tổ hòa giải đạt “Tổ hòa giải 5 tốt” (đạt tỷ lệ 47,6%). Công tác hòa giải đạt được nhiều kết quả tích cực cả về số lượng và chất lượng. Tỷ lệ hòa giải thành trên địa bàn TP trong năm 2018, 2019 tăng cao. Năm 2018: đạt 86,3%; năm 2019: đạt 85,6% tăng cao hơn giai đoạn 2014-2017, tỷ lệ hòa giải chỉ đạt: 81,86%.

Số vụ việc phát sinh hàng năm giảm: Năm 2019 phát sinh: 5.063 vụ việc tiếp nhận hòa giải, giảm 1579 vụ việc so với năm 2018 (6.642 vụ), giảm 3.848 vụ so giai đoạn 2014-2017 với số vụ việc hòa giải phát sinh hàng năm: 8.911 vụ/năm.

Đội ngũ hòa giải viên được củng cố, kiện toàn. Năm 2019 có 5.427 tổ hòa giải và 34.390 hòa giải viên. Kinh phí triển khai công tác hòa giải ở cơ sở được quan tâm và tăng cường. Năm 2018, kinh phí hòa giải ở cơ sở cấp xã được quan tâm (với khoảng 5,3 tỷ đồng), năm 2019 kinh phí hòa giải ở cơ sở cấp xã được quan tâm (với khoảng 6.2 tỷ đồng, trong khi 3 năm từ năm 2014 đến năm 2016, tổng kinh phí hỗ trợ hòa giải cấp xã là 10 tỷ đồng (khoảng 3,3 tỷ đồng/1 năm).

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn, việc triển khai mô hình “Tổ hòa giải 5 tốt” và gắn kết mô hình “Tổ hòa giải 5 tốt” với tiêu chí đánh giá xã, phường, thị trấn trên địa bàn TP, cũng như sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Thành ủy, UBND TP trong công tác hòa giải giúp cho công tác hòa giải đi vào nền nếp, bài bản.

Quá trình thực hiện công tác hòa giải đã có sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP, các tổ chức chính trị-xã hội và nhân dân, gắn kết được người dân và chính quyền trong công tác hòa giải ở cơ sở. Khuyến khích chính quyền nhất là chính quyền cơ sở ở xã, phường, thị trấn, quan tâm hơn đến công tác hòa giải về kinh phí, hoạt động đối với công tác hòa giải ở cơ sở. Qua đó, góp phần nâng cao tỷ lệ hòa giải thành, giảm mâu thuẫn trong cộng đồng dân cư; giải quyết các điểm nóng, ổn định an ninh, chính trị trên địa bàn Thủ đô.

Đội ngũ hòa giải viên phát huy được năng lực, trách nhiệm, được tăng cường tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật; vị trí, vai trò của các tổ hòa giải, hòa giải viên trong đời sống xã hội ngày càng được khẳng định và được đón nhận trong cộng đồng dân cư. Việc lựa chọn các hòa giải viên được chú ý hơn về năng lực, uy tín đã phát huy được nhiều thuận lợi trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, đảm bảo hiệu quả. Công tác khen thưởng đối với đội ngũ hòa giải viên, tổ hòa giải ở cơ sở ngày càng được quan tâm.

Từ những kết quả đạt được trong việc xây dựng, thực hiện mô hình “Tổ hòa giải 5 tốt” nêu trên, TP Hà Nội kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu triển khai nhân rộng mô hình “Tổ hòa giải 5 tốt” trên phạm vi toàn quốc.

Hà Nội cũng kiến nghị ban hành tiêu chí đánh giá công tác hòa giải ở cơ sở, có hình thức vinh danh, biểu dương đối với hòa giải viên tiêu biểu có thời gian công tác lâu năm, có nhiều thành tích đóng góp cho công tác hòa giải ở cơ sở.

Thanh Hải
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động