Thứ sáu 22/11/2024 14:30

Hà Nội đề xuất ban hành Nghị quyết mới về phát triển Thủ đô

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Dự thảo báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 6-1-2012 của Bộ Chính trị (khóa XI) về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2011-2020; phương hướng, nhiệm vụ phát triển đến 2030, tầm nhìn đến 2045, Thành ủy khẳng định Hà Nội đã đạt 6 kết quả nổi bật.
Hà Nội đề xuất ban hành Nghị quyết mới về phát triển Thủ đô

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến trình bày Tờ trình tại Hội nghị

Hôm nay, 23-2, tại Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội khóa XVII, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến đã trình bày Tờ trình về Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 6-1-2012 của Bộ Chính trị (khóa XI) về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2011-2020; phương hướng, nhiệm vụ phát triển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đặc biệt, Thành ủy Hà Nội đề xuất Bộ Chính trị ban hành nghị quyết mới tiếp nối nghị quyết này.

6 kết quả nổi bật

Theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, thực hiện nhiệm vụ được Bộ Chính trị giao về tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TƯ, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã ban hành kế hoạch, tổ chức xây dựng báo cáo và lấy ý kiến của nhiều cấp, nhiều ngành qua nhiều vòng để hoàn thiện đến dự thảo lần thứ 6. Trong Dự thảo báo cáo tổng kết, Thành ủy khẳng định, sau 10 năm thực hiện Nghị quyết với những nỗ lực và quyết tâm cao, Hà Nội đã đạt được 6 kết quả nổi bật.

Trong đó, kinh tế thị trường định hướng XHCN của Thủ đô tiếp tục được hoàn thiện và phát triển. Kinh tế duy trì tăng trưởng khá; giai đoạn 2011-2020 tăng 6,83%/năm, bằng 1,15 lần cả nước. Thu ngân sách liên tục tăng và vượt dự toán. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Mô hình tăng trưởng chuyển dần sang chiều sâu. Môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện; đẩy mạnh huy động và sử dụng các nguồn lực đầu tư xã hội cho phát triển. Kinh tế tư nhân phát triển mạnh. Xây dựng nông thôn mới đạt kết quả nổi bật.

Cùng đó, công tác lập quy hoạch, quản lý quy hoạch và phát triển đô thị được chú trọng, tạo chuyển biến tích cực. Diện mạo Thủ đô có nhiều thay đổi, ngày càng sáng, xanh, sạch đẹp, khang trang, văn minh, hiện đại hơn. Sự nghiệp phát triển văn hóa, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, y tế, công tác dân tộc, tôn giáo, chăm sóc và bảo vệ sức khỏe người dân đều đạt nhiều kết quả quan trọng. An sinh xã hội được đảm bảo, phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống người dân Thủ đô được cải thiện. Tỷ lệ hộ nghèo đã giảm từ 4,5% năm 2010 xuống còn 0,21% năm 2021 (theo chuẩn đa chiều).

Đồng thời, quốc phòng, an ninh tiếp tục được củng cố; ANCT-TTATXH được đảm bảo. Quan hệ đối ngoại, hội nhập quốc tế được mở rộng, góp phần nâng cao vai trò, vị thế, uy tín của Thủ đô cả ở trong nước và trên trường quốc tế. Công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị được quan tâm, tập trung triển khai quyết liệt, có hiệu quả; công tác củng cố cơ sở đảng yếu kém, giải quyết những vấn đề phức tạp về ANCT, an ninh nông thôn, TTATXH có nhiều cố gắng. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của cấp ủy, tổ chức Đảng các cấp, chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên từng bước được nâng lên.

Mặc dù vậy, Dự thảo Báo cáo cũng chỉ rõ 5 hạn chế, yếu kém và 5 nguyên nhân. Trong đó nêu rõ, sau 10 năm thực hiện Nghị quyết, tiềm năng, lợi thế của Thủ đô cũng như mọi nguồn lực huy động cho phát triển chưa được sử dụng hiệu quả để tạo ra đột phá lớn. Một số mục tiêu, chỉ tiêu quan trọng chưa hoàn thành, nhất là mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa; chưa tận dụng hiệu quả các cơ chế, chính sách đặc thù theo Nghị quyết, Kết luận của Bộ Chính trị, Nghị quyết của Quốc hội và Luật Thủ đô; chưa thể hiện rõ vai trò là trung tâm, động lực phát triển vùng và cả nước. Năng lực cạnh tranh, vị thế của Hà Nội trong khu vực và thế giới còn khiêm tốn.

Tạo hiệu ứng lan tỏa, liên kết vùng và cả nước

Trong phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Dự thảo Báo cáo nêu rõ 5 quan điểm chỉ đạo; qua đó xác định phát triển KT-XH của Thủ đô phải bám sát Chiến lược phát triển KT-XH cả nước, quy hoạch phát triển vùng, quy hoạch ngành quốc gia và tiến trình mở rộng hợp tác, đẩy mạnh hội nhập quốc tế; phát huy vai trò của Thủ đô thực sự là nơi hội tụ các nguồn lực, là động lực dẫn dắt, đi đầu trong phát triển KT-XH, tạo hiệu ứng lan tỏa, liên kết vùng và cả nước. Cùng đó, đổi mới mạnh mẽ tư duy và phương thức quản trị, vận hành thành phố thông minh, hiện đại phù hợp với xu thế phát triển kinh tế số và Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Dự thảo khẳng định, việc hoàn thiện Luật Thủ đô và các thể chế, cơ chế, chính sách có tính chất đặc thù, vượt trội, phù hợp vị trí, vai trò đặc biệt và tiềm năng, thế mạnh của Hà Nội để tạo động lực, nguồn lực phát triển Thủ đô.

Về mục tiêu, Dự thảo Báo cáo nêu 2 mốc thời gian đến năm 2030 và 2045 và có nội dung như trong Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020-2025) Đảng bộ TP. Đó là đến năm 2030, Hà Nội trở thành TP “Xanh - Văn hiến - Thông minh - Hiện đại”; phát triển năng động, hiệu quả, có sức cạnh tranh khu vực và quốc tế; hoàn thành công nghiệp hóa Thủ đô; GRDP trung bình giai đoạn 2026-2030 tăng 8-8,5%; GRDP/người đạt 12.000-13.000 USD và phấn đấu đến năm 2030 thực hiện đạt các chỉ tiêu kinh tế đã đề ra. Đến năm 2045, Hà Nội có chất lượng cuộc sống cao; kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, bền vững; là TP kết nối toàn cầu, có sức cạnh tranh quốc tế; GRDP/người đạt trên 36.000 USD.

Để thực hiện mục tiêu trên, Thành ủy Hà Nội xác định 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong Dự thảo Báo cáo. Trong đó, TP sẽ tập trung nâng cao chất lượng công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch; nhất là Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến 2030 và tầm nhìn đến 2050. Đồng thời, nghiên cứu tăng diện tích phát triển đô thị lên 40%; xây dựng mô hình TP (đô thị loại II) thuộc Thủ đô tại khu vực phía Bắc và phía Tây (vùng Đông Anh, Sóc Sơn, Mê Linh và vùng Hòa Lạc, Xuân Mai); xây dựng TP thông minh trên cơ sở phát triển khu vực 2 bên đường Nhật Tân - Nội Bài trở thành trung tâm hội nhập quốc tế của cả nước, khu vực và thế giới.

Song song đó, Hà Nội sẽ phát triển hệ thống giao thông đồng bộ; hoàn thành xây dựng các tuyến quốc lộ, đường cao tốc, đường xuyên tâm, đường tỉnh lộ, đường vành đai kết nối đô thị trung tâm với các đô thị vệ tinh, kết nối nội vùng và liên vùng; hiện đại hóa các tuyến đường trục giao thông chính; đẩy nhanh tiến độ các dự án đường sắt đô thị.

Đặc biệt, Hà Nội phấn đấu hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng đường Vành đai 4 và xây dựng đường Vành đai 5 trước năm 2026; mở rộng nâng cấp sân bay quốc tế Nội Bài và nghiên cứu, xây dựng thêm 1 sân bay quốc tế đáp ứng yêu cầu phát triển Thủ đô. TP cũng chú trọng hình thành một số cực tăng trưởng; từng bước tạo ra chùm đô thị, các đô thị vệ tinh, mô hình phát triển đô thị theo định hướng giao thông (TOD) làm đối trọng giảm tải đi đôi quản lý chặt chẽ việc phát triển nhà ở cao tầng và gia tăng dân số tại đô thị trung tâm. Phấn đấu đến năm 2025 có 3-5 huyện và đến năm 2030 có thêm 1-2 huyện phát triển thành quận.

Cũng tại Dự thảo Báo cáo, Thành ủy Hà Nội kiến nghị Bộ Chính trị xem xét ban hành Nghị quyết về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; xem xét, chỉ đạo Đảng đoàn Quốc hội lãnh đạo việc xây dựng, hoàn thiện thể chế phát triển Thủ đô; chỉ đạo tổng kết và đồng ý chủ trương sửa đổi, bổ sung cơ bản, toàn diện Luật Thủ đô nhằm tăng cường phân cấp, ủy quyền tạo sự chủ động cho Thủ đô Hà Nội.

Linh Nguyễn - Ảnh: Phạm Hùng
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động