Chủ nhật 24/11/2024 18:43

Hà Nội: Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong các mô hình trồng cây ăn quả

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, thời gian tới, TP Hà Nội sẽ mở rộng các mô hình trồng cây ăn quả theo quy trình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đạt tiêu chuẩn chất lượng như VietGAP, GlobalGAP, theo hướng hữu cơ và gắn sản xuất với bao tiêu sản phẩm…
Sản phẩm Nhãn chín muộn tại huyện Hoài Đức và Quốc Oai. Ảnh: T. Tâm
Sản phẩm Nhãn chín muộn tại huyện Hoài Đức và Quốc Oai. Ảnh: T. Tâm

Theo số liệu của Sở NN&PTNT Hà Nội, Hà Nội hiện có hơn 22.000 ha cây ăn quả các loại, trong đó có nhiều mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao, nhiều mô hình được đầu tư lớn, bài bản, ứng dụng khoa học kỹ thuật cho thu nhập 500 - 700 triệu đồng/ha/năm, cao gấp 6-7 lần trồng lúa.

Ngoài ra, tính đến thời điểm tháng 12/2023, Hà Nội đã có 2 vùng trồng bưởi đạt tiêu chuẩn chất lượng hữu cơ, đáp ứng được tiêu chuẩn xuất khẩu với nhiều tiềm năng. Hà Nội cũng đã xây dựng được 14 vùng sản xuất cây ăn quả giá trị cao, tập trung tại các huyện: Đan Phượng, Chương Mỹ, Phúc Thọ, Quốc Oai… với các 4 loại cây chủ lực là bưởi, cam, chuối, nhãn.

Theo các chuyên gia, hiện nay, mối lo nhất đối với sản xuất cây ăn quả đủ tiêu chuẩn xuất khẩu là bảo đảm an toàn thực phẩm. Việc liên kết trong sản xuất, tiêu thụ đã hình thành nhưng hiệu quả chưa cao. Để tháo gỡ khó khăn cho các vùng trồng cây ăn quả, hướng tới không chỉ có nhãn mà một số đặc sản khác của Hà Nội, thời gian tới Hà Nội cần đẩy nhanh ứng dụng công nghệ cao trong phát triển sản xuất. Đặc biệt, thu hút doanh nghiệp tham gia khâu tiêu thụ, đưa cây ăn quả phát triển toàn diện theo hướng sản xuất hàng hóa hiện đại.

Về mặt cơ quan quản lý, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, phát huy những kết quả đã đạt được, tiếp tục nhân rộng các mô hình trồng cây ăn quả theo quy trình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thời gian tới, TP Hà Nội sẽ mở rộng các mô hình trồng cây ăn quả theo quy trình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đạt tiêu chuẩn chất lượng như VietGAP, GlobalGAP, theo hướng hữu cơ và gắn sản xuất với bao tiêu sản phẩm.

Đồng thời, mở rộng diện tích đạt 23.206 ha, tập trung phát triển cây trồng đặc sản địa phương có giá trị kinh tế cao như nhãn chín muộn, bưởi diễn, cam canh, táo, ổi... Đẩy mạnh áp dụng cơ giới hóa và ứng dụng công nghệ cao, tổ chức sản xuất quy mô lớn.

“TP Hà Nội phấn đấu từ nay đến năm 2030 có 50%-70% diện tích cây ăn quả được chứng nhận chất lượng. Khuyến khích các vùng cây ăn quả sản xuất theo hướng tập trung để đáp ứng tiêu chuẩn của nước nhập khẩu nhằm đưa mặt hàng trái cây của Hà Nội sang các nước như Mỹ, châu Âu...” – ông Tạ Văn Tường cho hay.

Theo ông Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường, để thực hiện việc xuất khẩu, ngành nông nghiệp Hà Nội tiếp tục cập nhật thông tin đầy đủ lên cơ sở dữ liệu quốc gia về mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói. Tiến hành tập huấn cho người dân, bố trí đầy đủ nguồn lực phục vụ thiết lập và quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói đáp ứng các yêu cầu quy định.

Hiện Hà Nội có 285 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Trong đó có 185 mô hình thuộc lĩnh vực trồng trọt, 45 mô hình ở lĩnh vực chăn nuôi, 54 mô hình thuộc lĩnh vực thủy sản và 1 mô hình kết hợp trồng trọt lẫn chăn nuôi. Những mô hình nông nghiệp công nghệ cao tập trung nhiều ở các huyện như: Mê Linh, Gia Lâm, Thường Tín, Đông Anh…

Điển hình, có một số mô hình ứng dụng công nghệ cao, với máy móc thiết bị hiện đại đã bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế cao, khẳng định được vị thế trên thị trường tại Thủ đô cũng như các tỉnh, TP khác.

Ông Tạ Văn Tường nhấn mạnh, với những kết quả đã đạt được, để phát triển nông nghiệp công nghệ cao, việc đổi mới khoa học công nghệ luôn được xem là một trong những giải pháp quan trọng để thúc đẩy nền nông nghiệp phát triển. Bên cạnh đó, ứng dụng công nghệ cao đã mang lại những hiệu quả ưu việt hơn các mô hình khác như: Công nghệ nhà kính, công nghệ tự động hóa, công nghệ cảm biến… Qua đó vừa giúp tiết giảm chi phí vừa mang lại hiệu suất lao động, tăng sản lượng và bảo vệ môi trường cũng như hạn chế sâu bệnh, ảnh hưởng của thời tiết.

Tại Hà Nội, việc ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp đã được hướng đến cụ thể hóa các mục tiêu của 2 Chương trình công tác lớn của Thành ủy Hà Nội khóa XVII. Cụ thể là Chương trình số 04-CTr/TU về "Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân", và Chương trình số 07-CTr/TU về "Đẩy mạnh phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trên địa bàn TP Hà Nội" trong giai đoạn 2021 - 2025".
Hà Nội có thêm trang trại sản xuất nông nghiệp công nghệ cao
Đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao, theo hướng sinh thái, hiện đại
Minh Phong
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động