Hà Nội: Công tác tập trung người lang thang xin tiền vẫn gặp nhiều khó khăn
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênTriển khai Quyết định số 2252/QĐ-UBND ngày 17/4/2023 của UBND TP Hà Nội, thời gian qua đã có 3.457 người lang thang xin tiền trên địa bàn Hà Nội được tiếp nhận quản lý, nuôi dưỡng, chăm sóc, thực hiện tốt chính sách bảo trợ xã hội của Thủ đô. Ảnh: Minh Anh |
Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội, triển khai Quyết định số 2252/QĐ-UBND ngày 17/4/2023 của UBND TP Hà Nội về việc thực hiện công tác tập trung người lang thang trên địa bàn TP Hà Nội, thời gian qua, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội đã phát huy vai trò chủ trì, phối hợp với Công an TP Hà Nội, các Sở: Y tế, Văn hóa và Thể thao, Du lịch hướng dẫn thực hiện công tác tập trung người lang thang trên địa bàn TP Hà Nội. Đồng thời, phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã và các đơn vị liên quan thực hiện công tác giải quyết người lang thang trên địa bàn TP. Đã có 3.457 người lang thang xin tiền trên địa bàn Hà Nội được tiếp nhận quản lý, nuôi dưỡng, chăm sóc, thực hiện tốt chính sách bảo trợ xã hội của Thủ đô.
Ông Nguyễn Hồng Dân - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội cho biết, bên cạnh một số kết quả, hiện công tác tập trung người lang thang xin tiền vẫn gặp nhiều khó khăn, do có đến 80% người lang thang xin tiền thuộc diện bị các đối tượng bảo kê, chăn dắt. Các đối tượng này sẵn sàng chống đối lực lượng chức năng, lợi dụng đối tượng người già, trẻ em, người khuyết tật để thu lợi cho bản thân. “Chính vì vậy, rất cần lực lượng Công an cùng các lực lượng chức năng, sát cánh cùng các đội trật tự xã hội lưu động của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội theo dõi, truy cứu trách nhiệm hình sự với các đối tượng bảo kê” – ông Nguyễn Hồng Dân đề nghị.
Trước tình trạng trên, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội đề cập đến vai trò của UBND xã, phường, thị trấn trong quy trình kiểm tra, tập trung, tiếp nhận, giải quyết người lang thang, bao gồm: Kiểm tra, phát hiện, đưa người lang thang đến địa điểm lưu trú tạm thời; thông báo, lập biên bản, bàn giao đối tượng cho cơ sở trợ giúp xã hội, Trung tâm cấp cứu 115 hoặc các cơ sở y tế. Cụ thể: Người có hành vi xin ăn, xin tiền và người lang thang khác do cơ sở trợ giúp xã hội thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp nhận; Người tâm thần lang thang và người lang thang ốm yếu, sức khỏe suy kiệt do Trung tâm cấp cứu 115 hoặc các cơ sở y tế công lập thuộc Sở Y tế Hà Nội chịu trách nhiệm tiếp nhận.
Đồng thời, để thống nhất phối hợp xử lý vấn đề, đề nghị UBND xã, phường, thị trấn liên quan phải cử đầu mối trực tiếp tiếp nhận thông tin, xử lý, rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm trong công tác tập trung người lang thang xin tiền.
Theo ông Nguyễn Hồng Dân, cần tăng cường công tác tuyên truyền để mỗi người dân làm công tác từ thiện đúng lúc, đúng nơi, thay vì đem tiền, hiện vật cho người lang thang xin tiền. Bởi với những đối tượng này, Nhà nước đã có chính sách tập trung đưa vào trung tâm bảo trợ xã hội nuôi dưỡng, chăm sóc, hoặc tìm cho họ mái ấm gia đình. Từ thiện không đúng cách, vô tình sẽ khuyến khích hành vi trục lợi, vốn chỉ lợi cho những kẻ "chăn dắt, bảo kê", bản thân người khó khăn thực sự lại không được hưởng.
Mới đây, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội đã phối hợp Sở Y tế, Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Du lịch Hà Nội tổ chức Hội nghị triển khai công tác tập trung người lang thang trên địa bàn TP Hà Nội. Tại Hội nghị, các đại biểu cũng đã nêu lên những khó khăn từ thực tiễn triển khai Quyết định số 2252/QĐ-UBND ngày 17/4/2023 của UBND TP Hà Nội về việc thực hiện công tác tập trung người lang thang trên địa bàn TP Hà Nội sau 4 tháng triển khai thực hiện, phân tích các điểm mới liên quan đến công tác tập trung người lang thang xin tiền.
Trưởng phòng Cảnh sát Quản lý hành chính, Công an Hà Nội Nguyễn Thành Lâm cho biết, triển khai Quyết định số 2252/QĐ-UBND ngày 17/4/2023, hiện nay, Công an Hà Nội đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo công an phường, xã trên các địa bàn làm nghiêm công tác xử lý tình trạng bảo kê đối với đối tượng lang thang xin tiền gây hấn với lực lượng chức năng. Công an Hà Nội sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác phối hợp với các lực lượng chức năng của các Sở, ban, ngành để thực hiện tốt nhiệm vụ.
Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Đình Hưng, việc ban hành Quyết định số 2252/QĐ-UBND và Hướng dẫn 2320/HD-LS: LĐTBXH-CA-YT-VH&TT-DL về việc thực hiện công tác tập trung người lang thang trên địa bàn TP Hà Nội đã góp phần xác định rõ trách nhiệm, phân công nhiệm vụ, thực hiện tốt quy trình tập trung người lang thang xin tiền giữa các sở, ngành. Tuy nhiên, rất cần gỡ khó về những quy định tài chính chưa phù hợp thực tiễn, bởi thực tế công tác điều trị bệnh nhân là người lang thang xin tiền bị ốm yếu, suy kiệt nhiều khi chi phí rất cao, các bệnh viện gặp khó trong công tác thanh toán.
Quyết định 2252/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội quy định đối tượng người lang thang được tập trung, bảo trợ, bao gồm: - Người có hành vi xin ăn, xin tiền (bao gồm người đi cùng); người dẫn theo trẻ em, người khuyết tật, người cao tuổi để bán hàng rong, đeo bám, chèo kéo người đi đường (bao gồm trẻ em, người khuyết tật và người cao tuổi đi cùng); người cao tuổi, trẻ em bị đi lạc gia đình; người lang thang sinh sống nơi công cộng trong dịp Tết Nguyên đán hoặc thời tiết rét đậm dưới 10 độ C được đưa đến các cơ sở trợ giúp xã hội của TP để chăm sóc, nuôi dưỡng, chờ đưa về nơi cư trú hoặc nuôi dưỡng lâu dài đối với người chưa xác định được nơi cư trú. - Người tâm thần lang thang được đưa đến các bệnh viện tâm thần. - Người lang thang ốm yếu suy kiệt được đưa đến các cơ sở y tế công lập trực thuộc Sở Y tế để điều trị ổn định. |
Hà Nội: Tập trung nuôi dưỡng người lang thang trên địa bàn thành phố | |
Bảo đảm người lang thang, cơ nhỡ không ai bị đói, không có chỗ ở |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại