Thứ hai 29/04/2024 23:50

Hà Nội: Chú trọng xử lý ô nhiễm môi trường, chỉnh trang đô thị

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Các ý kiến thảo luận tại Hội nghị lần thứ 14 Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội thống nhất, TP cần tập trung ưu tiên cần xử lý ngay đối với 2 vấn đề dân sinh bức xúc là xử lý ô nhiễm môi trường và cải tạo, chỉnh trang, tái thiết đô thị.
Hà Nội: Chú trọng xử lý ô nhiễm môi trường, chỉnh trang đô thị

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Minh Hải phát biểu tại hội nghị.

Sáng 24/11, tiếp tục chương trình Hội nghị lần thứ 14, Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội (khóa XVII) tiếp tục thảo luận, nghe giải trình của đại diện các cơ quan có thẩm quyền về ý kiến đóng góp vào 8 nội dung quan trọng.

Chủ trì hội nghị có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP Đinh Tiến Dũng; các Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến, Phó Bí thư Thành ủy - Chủ tịch UBND TP Trần Sỹ Thanh; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn; Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong.

Tham dự hội nghị có đại diện một số cơ quan Trung ương; các Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Thành ủy viên; thủ trưởng các sở, ban, ngành, tổ chức, cơ quan, đơn vị; bí thư các quận, huyện, thị ủy và đảng ủy trực thuộc Thành ủy Hà Nội...

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải đã thay mặt Tổ đại biểu, giải trình làm rõ thêm về: Báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của TP năm 2023 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; Kế hoạch tài chính ngân sách nhà nước 3 năm giai đoạn 2024 - 2026; Báo cáo và đánh giá tình hình thực hiện ngân sách năm 2023, dự toán ngân sách địa phương và phân bổ ngân sách cấp TP năm 2024; Kế hoạch đầu tư công năm 2024 của TP; Cập nhật, điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021 - 2025 cấp TP.

Theo đó, về tình hình thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, định hướng nhiệm vụ trọng tâm năm 2024 và những năm tiếp theo, các đại biểu đề nghị đánh giá kỹ bối cảnh khó khăn và kết quả đạt được để đánh giá một cách đúng mực, sát thực tế đối với những kết quả đã đạt được của TP trong thời gian qua.

Mặc dù có 4 chỉ tiêu chưa đạt kế hoạch, tuy nhiên, các đại biểu đều thống nhất nhận định, cả 4 chỉ tiêu trên không hoàn thành do nhiều yếu tố khách quan, trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức, để thấy được nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị từ TP đến cơ sở.

Bên cạnh những kết quả đạt được, một số ý kiến cho rằng nên phân tích sâu về hạn chế, đặc biệt là nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế từ chủ quan trong nội tại của hệ thống, trong đó, có nhiều vấn đề dân sinh bức xúc, kéo dài nhiều năm nhưng chưa được giải quyết triệt để.

Về phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới, nhiều ý kiến đại biểu cho rằng, cần tập trung vào dự báo và đánh giá xu hướng, cùng với các nhóm giải pháp như TP đã đề ra. TP cần sớm có lộ trình, kế hoạch cụ thể để triển khai các nội dung sau khi Trung ương thông qua (Quy hoạch Thủ đô, điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô và Luật Thủ đô sửa đổi). Đồng thời, có kế hoạch sẵn sàng chuẩn bị các nội dung để hướng tới Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ XVIII.

Tiếp tục duy trì và đẩy mạnh kỷ luật, kỷ cương hành chính và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm theo Chỉ thị số 24-CT/TU của Thành ủy. Đồng thời, tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ: mở rộng phạm vi, quy mô, tính chất của các lớp đào tạo; có thêm nhiều lớp đào tạo dành cho cán bộ, chuyên viên cấp cơ sở; tiếp tục đổi mới hình thức đào tạo.

Tiếp tục quyết liệt triển khai các chỉ tiêu, nhiệm vụ của năm 2024 và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP lần thứ XVII, cùng với 3 đột phá chiến lược theo Nghị quyết Đại hội, TP cần tập trung ưu tiên cần xử lý ngay đối với 2 vấn đề dân sinh bức xúc và ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị, đó là vấn đề xử lý ô nhiễm môi trường và cải tạo, chỉnh trang, tái thiết đô thị.

Quang cảnh hội nghị. 
Quang cảnh hội nghị.

Đồng thời, xác định việc di dời các trường đại học, cao đẳng, các bệnh viện ra khỏi nội đô là một trong những giải pháp quan trọng để mở rộng không gian phát triển Thủ đô trong những giai đoạn tới; các điểm đất sau di dời được sử dụng thành những thiết chế văn hóa dành cho nhân dân và một phần nào đó được giữ lại làm nơi trưng bày (như là triển lãm) về lịch sử, văn hóa.

Tiếp tục thực hiện rà soát quỹ đất khu vực Hòa Lạc và mở rộng hơn là rà soát quỹ đất khu vực các huyện phía Tây TP để nghiên cứu một khu vực nghiên cứu, đổi mới sáng tạo, một chuỗi đô thị đại học và là vùng tri thức không chỉ của Thủ đô mà của cả nước; tiếp tục hoàn thiện hạ tầng khu vực này, trước mắt là các tuyến đường hạ tầng kết nối khu vực Hòa Lạc và chuẩn bị tuyến đường sắt đô thị số 5, tuyến Văn Cao - Hòa Lạc.

Về giải pháp huy động nguồn lực để phát triển, quản lý thu ngân sách, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Minh Hải cho biết, về dự toán năm 2024 của TP, cao hơn 2% so với ước thực hiện năm 2023 và tăng 15,8% so với dự toán 2023. Trong đó, dự toán thu nội địa tăng 16,9% so với dự toán 2023 và thu tiền sử dụng đất tăng 112% so với dự toán năm 2023 và tăng 146,4% so ước thực hiện năm 2023. Các đại biểu cho rằng, với dự toán như trên, việc thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách trong năm tới là rất nhiều thách thức, do vậy, TP cần có những giải pháp cụ thể, khả thi để đảm bảo nguồn thu ngân sách và huy động nguồn lực cho phát triển.

Về quản lý chi ngân sách, đối với việc đẩy mạnh tự chủ đối với đơn vị sự nghiệp công lập (trong đó tập trung đối với một số lĩnh vực quan trọng như giáo dục, môi trường,...), các ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ TP cho rằng, cần sớm xây dựng và ban hành định mức kinh tế kỹ thuật và đơn giá trong các lĩnh vực để chuyển dần từ cấp phát NSNN sang cơ chế đặt hàng, đấu thầu để sớm thúc đẩy các đơn vị chuyển sang tự chủ và thu hút đầu tư.

Các đại biểu cũng thống nhất nhận định, tính đến thời điểm 15/11, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư toàn TP là 56,7% kế hoạch, để đạt được mục tiêu tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư toàn TP năm 2023, ước đạt 91,1%, cần sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của TP và sự nỗ lực, quyết tâm rất lớn của các địa phương, đơn vị.

Các đại biểu cũng cho rằng, một trong những giải pháp để nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn đầu tư công, công tác chuẩn bị đầu tư cần được chuẩn bị một cách kỹ lưỡng, chuẩn bị từ sớm, từ xa. Cùng với đó, tiếp tục rà soát, đánh giá lại Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 vì có rất nhiều dự án đã đưa vào danh mục nhưng lại chưa đủ điều kiện để bố trí vốn triển khai, hoặc xem xét lại thứ tự ưu tiên để bố trí vốn triển khai một số dự án dân sinh bức xúc, cấp bách hoặc một số dự án hoàn thiện kết nối hạ tầng khu vực, thu hút đầu tư…

Hà Nội triển khai 5 nhóm nội dung trọng tâm về chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị
Hà Nội chỉnh trang đô thị chuẩn bị đón khách Quốc tế trở lại
Rà soát lại các chỉ tiêu, nhiệm vụ để thực hiện hiệu quả Chương trình 03
Bài 1: Cơ chế, chính sách hỗ trợ còn hạn chế khiến doanh nghiệp không “mặn mà” đầu tư xây dựng chợ
Nhân rộng mô hình tuyến phố văn minh: Trái ngọt từ việc chỉnh trang đô thị
Thanh Hải - Thủy Tiên - Trần Long
kinhtedothi.vn
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động