Hà Nội bảo đảm nguồn cung, ổn định thị trường dịp cuối năm
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênPhó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Đình Hoa trao đổi thông tin với đoàn công tác của Bộ NN&PTNT chiều ngày 17/1. Ảnh: Trọng Tùng |
Phục vụ nhu cầu đa dạng của người dân
Vừa qua, Đoàn kiểm tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) làm việc với Sở NN&PTNT Hà Nội về nguồn cung bảo đảm an toàn thực phẩm trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2024. Tại Hội nghị, bà Nguyễn Thị Thu Hằng - Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Hà Nội cho biết, ước tính nhu cầu tiêu dùng đối với một số nhóm hàng nông lâm thủy sản thiết yếu của TP Hà Nội là: Gạo khoảng 96.700 tấn/tháng, thịt lợn khoảng 19.500 tấn/tháng, thịt bò khoảng 5.350 tấn/tháng, thịt gà khoảng 6.500 tấn/tháng, trứng gia cầm khoảng 130 triệu quả/tháng, thủy sản khoảng 19.250 tấn/tháng, thực phẩm chế biến nông lâm thủy sản khoảng 5.350 tấn/tháng, rau củ khoảng 107.500 tấn/tháng, trái cây khoảng 56.000 tấn/tháng.
Với nhu cầu tiêu thụ trên, khả năng tự sản xuất, cung ứng các sản phẩm nông lâm thủy sản của Hà Nội cơ bản đáp ứng đối với 2 nhóm sản phẩm thịt gia cầm, trứng gia cầm. Đối với các nông sản thực phẩm khác, khả năng tự đáp ứng đạt khoảng 20 - 70%. Lượng hàng hóa nông sản còn thiếu và các sản phẩm đặc sản vùng miền phục vụ nhu cầu đa dạng của người dân Thủ đô, khách du lịch được các kênh phân phối, DN, siêu thị, đơn vị Hà Nội khai thác từ các tỉnh, TP và một phần nhập khẩu.
Cũng theo bà Nguyễn Thị Thu Hằng, nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, ngành nông nghiệp Hà Nội đã thực hiện rà soát, thống kê lại các cơ sở thuộc thẩm quyền quản lý, qua đó đã lập danh sách trên 17.410 cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông lâm thủy sản. Đồng thời, Sở NN&PTNT cũng thường xuyên đôn đốc các quận, huyện, thị xã tích cực tuyên truyền, tập huấn và tổ chức ký cam kết được 173.575/183.095 cơ sở sản xuất ban đầu nhỏ lẻ đạt 94,8% và 100% cơ sở sơ chế, kinh doanh nông lâm thủy sản nhỏ lẻ (thuộc cấp quận, huyện quản lý).
Đáp ứng yêu cầu về chất lượng, an toàn thực phẩm
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, chế biến và Phát triển thị trường (Bộ NN&PTNT) Ngô Hồng Phong đánh giá cao việc Hà Nội đã chủ động xây dựng kế hoạch nhằm bảo đảm nguồn cung thực phẩm dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Ngoài nguồn sản xuất tự cung thì cũng phát triển đa dạng các nguồn cung khác.
“Đoàn công tác yên tâm vì Hà Nội có chương trình phối hợp, kết nối khai thác nguồn cung với 43 tỉnh, TP trên cả nước. Điều này không chỉ bảo đảm nguồn cung về mặt số lượng mà còn trên khía cạnh chất lượng…” - ông Phong chia sẻ.
Để bảo đảm an toàn thực phẩm dịp trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn, theo ông Phong, ngành nông nghiệp Hà Nội tiếp tục xây dựng các vùng nguyên liệu tập trung, đáp ứng yêu cầu về chất lượng, an toàn thực phẩm; tổ chức cấp mã số vùng trồng, vùng nuôi, ao nuôi bảo đảm truy xuất nguồn gốc; mã cơ sở đóng gói, nhãn mác hàng nông sản.
Tổ chức thanh tra chuyên ngành theo kế hoạch và đột xuất; xử lý kịp thời các hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm. Mặt khác, chủ động đánh giá, cung cấp kịp thời thông tin an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng, tránh để người dân thiếu thông tin dẫn đến hiểu lầm, hoang mang…
Phó GĐ Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Đình Hoa cũng cho biết, TP rất quan tâm đến vấn đề bảo đảm nguồn cung nông sản, thực phẩm cho người dân. Vì vậy, TP thường xuyên đôn đốc các sở ngành triển khai kịp thời, hiệu quả các nội dung chỉ đạo của Bộ NN&PTNT. Để bảo đảm nguồn cung thực phẩm dịp Tết Giáp Thìn, hiện nay Sở đang chỉ đạo các đơn vị trực thuộc theo dõi sát và thông tin thường xuyên tình hình sản xuất, nguồn cung, giá bán, diễn biến dịch bệnh, thời tiết; từ đó đánh giá năng lực cung ứng các mặt hàng thực phẩm thiết yếu khác để có phương án đảm bảo nguồn cung, ổn định thị trường dịp cuối năm và Tết Giáp Thìn 2024…
Box: thực hiện Chương trình phối hợp giai đoạn 2021 - 2025, Sở NN&PTNT Hà Nội và 43 tỉnh, TP trên cả nước đã xây dựng và phát triển được 997 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn. 100% các chuỗi cung cấp thực phẩm từ các tỉnh, TP vào Hà Nội đều được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm hoặc tương đương.
Hà Nội đẩy mạnh khai thác, phát triển thị trường nội địa | |
Thị trường đang chứng kiến một sự mất cân đối giữa nguồn cầu và nguồn cung căn hộ tại Hà Nội |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại