Hà Nội: Bảo đảm đủ nhu cầu hàng hóa dịp Tết Nguyên đán 2024
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênNgười dân mua sắm tại siêu thị. Ảnh: L.G |
Kết nối, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm làng nghề
Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, Hà Nội là địa phương tiêu thụ nông sản, thực phẩm lớn nhất của cả nước, nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng của người dân Thủ đô. Lượng hàng hóa còn thiếu được kết nối, khai thác từ các tỉnh, thành phố bạn và nhập khẩu từ nước ngoài. Ước tính tổng giá trị nông sản phục vụ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 trên địa bàn thành phố đạt khoảng 40.900 tỷ đồng (tăng 10% so với dịp Tết năm 2023).
Để bảo đảm hàng hóa cho thị trường dịp Tết, Hà Nội đã ký kết hợp tác với 43 tỉnh, thành phố phát triển hơn 946 chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ, quảng bá sản phẩm nông sản và đặc sản vùng miền của các tỉnh, thành phố với sự tham gia của 1.130 đầu mối, đáp ứng thường xuyên nhu cầu lương thực, thực phẩm an toàn.
Trong đó, sản phẩm gạo từ một số tỉnh phía Bắc và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long; rau, củ, quả từ Hòa Bình, Vĩnh Phúc, Lâm Đồng…; trái cây từ Hưng Yên, Hải Dương, các tỉnh phía Nam; thủy, hải sản từ Quảng Ninh, Hải Phòng, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An...
"Sở đã chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sơ sản xuất các mặt hàng phục vụ Tết có kế hoạch sản xuất, bảo đản nguồn cung, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trên địa bàn Thành phố; các đơn vị phân phối, cung ứng hàng hóa thiết yếu có kế hoạch khai thác nguồn hàng hợp lý, tổ chức các điểm bán hàng, bảo đảm đầy đủ hàng hóa, giá cả ổn định phục vụ nhân dân; tổ chức triển khai các chương trình khuyến mại để kích cầu tiêu dùng", Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho hay.
Sở Công Thương Hà Nội cũng đề nghị các doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh thương mại trên địa bàn chủ động kết nối, khai thác hàng hoá nông sản, thực phẩm, các mặt hàng đặc sản truyền thống của các tỉnh, đa dạng hóa mặt hàng (ưu tiên đối với hàng Việt Nam) phục vụ nhu cầu thị trường Hà Nội trong dịp cuối năm, dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2024, không để đứt hàng, khan hàng khiến giá cả bị đẩy lên cao.
Cũng trong dịp Tết Nguyên đán 2024, Sở Công Thương Hà Nội phối hợp với các sở, ngành, các quận, huyện mở nhiều điểm quảng bá, giới thiệu sản phẩm, qua đó kết nối, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm làng nghề.
Đại diện lãnh đạo xã Tiền Phong (huyện Thường Tín, Hà Nội) cho hay, hiện làng Trát Cầu có hơn 1.200 hộ và hơn 50 doanh nghiệp sản xuất chăn ga, gối đệm, mỗi doanh nghiệp thường xuyên sử dụng khoảng 20 lao động. Ngoài doanh nghiệp, hàng trăm hộ làm nghề chăn ga, gối đệm đã đầu tư máy móc hiện đại, như máy trần, máy thêu, dây chuyền sản xuất mút tấm, mút cây, ruột đệm… Doanh thu của các hộ đạt từ vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng mỗi năm.
Nhiều địa phương ngoại thành Hà Nội, nông dân trồng rau vụ đông đang tích cực chăm sóc, thu hoạch; đồng thời gieo trồng các loại rau ngắn ngày gối vụ để cung cấp nguồn rau xanh cho thị trường dịp Tết
Theo Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Văn Đức (huyện Gia Lâm) Nguyễn Văn Minh, với diện tích khoảng 250ha trồng các loại rau, mỗi ngày hợp tác xã cung cấp ra thị trường khoảng 100 tấn rau các loại. Ngoài ra, vào những ngày cận Tết, hợp tác xã còn liên kết sản xuất với các vùng rau lân cận để tăng sản lượng lên gấp 2 lần so với hiện nay.
Ông Đào Quang Vinh, Giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ thực phẩm Vinh Anh (huyện Thường Tín) cho biết, để chuẩn bị nguồn cung thịt lợn cuối năm, doanh nghiệp đã liên kết với các trang trại chăn nuôi lợn, gà, vịt trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh lân cận, nhằm ổn định nguồn cung thực phẩm cho thị trường khoảng 300-400 tấn thịt trong và sau Tết Nguyên đán 2024.
Theo dõi, bám sát tình hình cung - cầu, giá cả, thị trường hàng hóa
Nhằm đáp ứng nhu cầu về nguồn cung hàng hóa dịp cuối năm và Tết Nguyên đán 2024, ngoài ngành Công Thương, ngành Nông nghiệp Hà Nội cũng tập trung chỉ đạo các đơn vị triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển sản xuất theo kế hoạch năm và chú trọng phòng, chống dịch bệnh động vật. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cũng phối hợp chặt chẽ với Sở Công Thương Hà Nội trong việc theo dõi, bám sát tình hình cung - cầu, giá cả, thị trường hàng hóa trên địa bàn để kịp thời ứng phó trong trường hợp thị trường có biến động.
Cùng với đó, tăng cường giám sát, truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông, lâm sản và thủy sản của các tỉnh, thành phố đưa về Hà Nội tiêu thụ, tập trung vào các sản phẩm tiêu thụ lớn, có mối nguy cao, vào các dịp cao điểm; đồng thời lấy mẫu kiểm nghiệm các chỉ tiêu an toàn, vệ sinh thực phẩm theo quy định khi cần thiết, nếu phát hiện vi phạm sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật…
Sở Công Thương Hà Nội sẽ triển khai tổ chức các chương trình, hoạt động, sự kiện kích cầu mua sắm phục vụ nhân dân trên địa bàn thành phố dịp cuối năm và Tết Nguyên đán như: Tổ chức các điểm bán hàng, các chuyến bán hàng phục vụ Tết tại các huyện, các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu vực nông thôn để phục vụ nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán; tổ chức các chợ hoa Xuân phục vụ Tết.
Theo kế hoạch, sẽ có hơn 30 sự kiện, hội chợ, tuần hàng giới thiệu sản phẩm,… phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân tại các quận, huyện, thị xã, các khu công nghiệp.
Đồng thời, Sở Công Thương Hà Nội sẽ đẩy mạnh các hoạt động liên kết vùng, quảng bá, kết nối tiêu thụ trái cây, nông sản, sản phẩm OCOP trên địa bàn Thành phố và các tỉnh, thành phố để tạo nguồn cung hàng hóa ổn định phục vụ đầy đủ nhu cầu người dân dịp cuối năm và Tết.
Bên cạnh đó, còn có 34 sàn thương mại điện tử, các kênh bán hàng đa phương tiện của hệ thống phân phối truyền thống trên địa bàn. Có thể thấy, với hệ thống cung ứng hàng hóa rộng khắp trên địa bàn thành phố dịp Tết sẽ đáp ứng được đa dạng nhu cầu của người tiêu dùng.
Quyền giám đốc Sở Công Thương Trần Thị Phương Lan cho biết, Sở sẽ phối hợp với các đơn vị có liên quan trong công tác thanh tra, kiểm tra các lĩnh vực về giá, chất lượng hàng hóa, bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn Thành phố. Việc tăng cường thực hiện các giải pháp quản lý, điều hành, bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhân dân trong các tháng cuối năm 2023 và Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024 không chỉ góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kích cầu tiêu dùng, đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ xã hội, thực hiện hiệu quả các biện pháp bảo đảm an sinh xã hội, giữ vững an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội, ổn định đời sống nhân dân trên địa bàn Thành phố. |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại