Góc nhìn pháp lý đối với hành vi sửa bill chuyển tiền từ thiện gây bức xúc dư luận
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênTrên mạng xã hội công khai dịch vụ làm giả hóa đơn chuyển tiền. |
Sửa bill “đánh bóng” tên tuổi là hành vi xấu
Việc Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam (MTTQ Việt Nam) đang đăng tải hàng chục nghìn trang sao kê tiền ủng hộ đồng bào bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 được dư luận đặc biệt hoan nghênh vì tính minh bạch, giúp ai cũng có thể theo dõi được toàn bộ số tiền ủng hộ trong thời gian qua. Tuy nhiên, đây cũng là lúc nhiều người phát hiện trò sửa hình ảnh giá trị bill của một số cá nhân để "làm mầu", muốn “đánh bóng” tên tuổi của mình trên mạng xã hội.
Đặc biệt, còn có hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản như trường hợp “tiền đấu giá 10 triệu đồng ủng hộ lũ lụt nhưng thực tế chỉ chuyển 100.000 đồng”. Sau khi kiểm tra danh sách ủng hộ đến MTTQ Việt Nam, ông Nguyễn Duy Hiếu (quận Hoàng Mai, Hà Nội) rất tức giận trước những hành động của một số người ăn chặn tiền từ thiện cho đồng bào chịu cảnh lũ lụt phía Bắc.
“Sau khi MTTQ Việt Nam công khai bản sao kê với danh sách ủng hộ lên tới 12.000 trang, chúng tôi vào mạng kiểm tra việc chuyển tiền của bạn N.K.L.. Tôi vào kiểm tra sao kê nội dung trùng khớp với phần chụp màn hình chuyển khoản bạn đã gửi, khớp thời gian chuyển lúc 20 giờ 25' 05'' ngày 10/9 thấy có 100.000 đồng, chứ không phải tổng là 10 triệu đồng như ban đầu" - ông Nguyễn Duy Hiếu chia sẻ.
Theo ông Nguyễn Duy Hiếu, sau khi phát hiện sự việc, chị N.K.L. đã có bài đăng trên nhóm với nội dung xin lỗi trước hành vi sai trái của mình và xin sửa sai bằng cách chuyển lại 10 triệu đồng đến MTTQ Việt Nam. Rất nhiều người cho rằng, hành vi gian lận, ăn chặn tiền ủng hộ đồng bào lũ lụt là hành vi xấu, đáng lên án.
Trường hợp khác là chị P.N.P. (còn được biết đến là L.P.) - một cựu vận động viên thể thao đã chuyển khoản món tiền (bị che) kèm nội dung "Đóng góp và khắc phục hậu quả bão số 3 - Yagi". Người này sau đó chụp màn hình giao dịch chuyển tiền, dùng các ký tự che đi các con số cụ thể, chỉ để lộ ra một phần rất nhỏ trên đỉnh đầu. Những người theo dõi tài khoản facebook của P.N.P. đếm có tới 8 vị trí bị che, tương ứng với 8 con số (do mỗi biểu tượng đều để lộ một phần chi tiết thể hiện có ký tự số tại vị trí bị che); đồng nghĩa số tiền đã chuyển được hiểu là hàng chục triệu đồng.
Sau khi có sao kê từ MTTQ Việt Nam, cộng đồng nhanh chóng truy ra giao dịch với thông tin trùng khớp, tuy nhiên số tiền thực tế là 500.000 đồng. Cộng đồng mạng bức xúc, tố cô gái này đã cố tình "làm màu, phông bạt", có hành vi lợi dụng việc ủng hộ đồng bào để "đánh bóng tên tuổi".
Một cá nhân nhận chuyển khoản cho nhóm là 10 triệu đồng nhưng thực tế chỉ chuyển có 100.000 đồng tới Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. |
Số tiền chuyển khoản thực tế bị "khui" khi Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam công khai sao kê số tiền của từng cá nhân, tổ chức ủng hộ thời gian qua. |
Chế tài xử phạt?
Dư luận đặt câu hỏi: việc gian dối, sửa bill đó có bị xử phạt không, nếu có thì mức độ xử lý như thế nào? Luật sư Đinh Thị Nguyên, Giám đốc Công ty Luật TNHH Đại Đông Á, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, đối với những người tự chỉnh sửa số tiền của chính mình (chuyển khoản ủng hộ số tiền nhỏ nhưng chỉnh sửa hình ảnh để khoe mẽ số tiền lớn) thì hoàn toàn đáng bị lên án về mặt đạo đức. Mặc dù hành vi này có thể gây hiểu nhầm của công chúng đối với cơ quan tiếp nhận là Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, tuy nhiên, hành vi này chưa đủ dấu hiệu để kết luận là hành vi vi phạm pháp luật hình sự. Tuy nhiên, đối với những người tiếp nhận tiền quyên góp của các cá nhân khác, nhưng tự ý chiếm giữ và cố tình chỉnh sửa lại chứng từ chuyển tiền để lừa dối người quyên góp thì hoàn toàn có đầy đủ cơ sở để xem xét trách nhiệm hình sự.
Theo đó, hành vi gian dối là ngụy tạo bằng chứng chuyển tiền để làm người khác tin tưởng và việc toàn bộ số tiền đã thực sự chuyển đi, nhưng thực tế là đã bị giữ lại. Với việc ngụy tạo bằng chứng và cung cấp bằng chứng giả đó cho người quyền góp, người thực hiện hành vi đã hoàn thành hành vi chiếm đoạt của mình và hành vi phạm tội được coi là đã hoàn thành. Do đó, hành vi trên có thể bị xử lý trách nhiệm hình sự về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại Điều 175, Bộ Luật Hình sự năm 2015. Người phạm tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” có thể bị phạt tù cao nhất lên đến 20 năm.
Tuy nhiên, để có đầy đủ cơ sở để truy cứu trách nhiệm hình sự và xử lý hình sự, cơ quan điều tra cần điều tra và xác minh nhiều thông tin khác. Thậm chí, nếu chứng minh được người thực hiện hành vi đã có dự mưu từ trước, cố tình sắp đặt để lừa dối người khác nhằm quyền góp tiền thì cũng có khả năng xem xét theo quy định về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo Điều 174, Bộ luật Hình sự năm 2015 với mức phạt cao nhất là tù chung thân.
Trường hợp, kết quả xác minh của cơ quan chức năng cho thấy hành vi sửa bill chuyển tiền từ thiện đăng lên mạng xã hội gây khó khăn cho đơn vị tiếp nhận, ảnh hưởng đến hoạt đống thống kê, phân phát tiền từ thiện, gây ra dư luận xấu thì người thực hiện hành vi làm bill giả, đưa tin sai sự thật lên không gian mạng sẽ bị xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ” theo quy định tại Điều 331, Bộ Luật Hình sự năm 2015.
Còn trường hợp hành vi làm giả bill chuyển tiền rồi đăng công khai lên mạng xã hội mà chưa gây hậu quả xấu, chưa ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội thì người đưa thông tin sai sự thật về việc chuyển tiền từ thiện này sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 101, Nghị định số 15/2020/NĐ-CP với mức phạt từ 10 - 20 triệu đồng với tổ chức và phạt từ 5 - 10 triệu đồng với cá nhân.
“Việc MTTQ Việt Nam công khai sao kê, thông tin tài khoản chuyển tiền và chi tiết số tiền từ thiện của các tổ chức cá nhân là cần thiết, thể hiện công khai minh bạch và phù hợp với quy định tại Nghị định số 93/2021/NĐ-CP của Chính Phủ về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng đóng góp các khoản đóng góp tự nguyện… Ngoài việc kêu gọi tiếp nhận từ thiện thì cơ quan chức năng cũng cần tuyên truyền phổ biến các quy định của pháp luật về hoạt động thiện nguyện mà trực tiếp là Nghị định số 93/2021/NĐ-CP. Các tổ chức, cá nhân đứng ra tổ chức hoạt động từ thiện và tham gia đóng góp thiện nguyện đều phải tuân thủ pháp luật và đạo đức xã hội” - luật sư Đinh Thị Nguyên cho biết.
Điểm a khoản 1 Điều 101, Nghị định số 15/2020/NĐ-CP quy định, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để thực hiện một trong các hành vi sau: cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân... |
Chuyển tiền từ thiện hộ nhưng chuyển thiếu sẽ bị xử lý như thế nào? |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại