Chuyển tiền từ thiện hộ nhưng chuyển thiếu sẽ bị xử lý như thế nào?
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênHình ảnh bill chuyển khoản và lời cảm ơn được chị N.K.L đăng tải trong nhóm. |
Trong đó, câu chuyện của chị N.B (TP Hồ Chí Minh) thu hút nhiều sự chú ý của cộng đồng mạng. Theo đó, chị B cho biết bản thân làm nghề bán hàng, chị tham gia vào nhóm mạng xã hội mua bán quần áo trẻ em của các bà mẹ. Nhóm này với hơn 50.000 thành viên, trong đó, chị N.K.L là thành viên hoạt động rất tích cực.
Trước tình cảnh lũ lụt ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân ở phía Bắc, chị L có ý tưởng đấu một giá đôi giày trẻ em và số tiền này sẽ được gửi đến Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để chung tay giúp đỡ đồng bào.
Theo chị L, đôi giày có giá trị khoảng 2-3 triệu đồng. Có một gia đình đã trả giá 6 triệu đồng cho đôi giày này. Một người ủng hộ 2 triệu đồng, 1 người ủng hộ 500 nghìn đồng, tổng cộng được 8,5 triệu đồng.
Sau đó, chị N.K.L tuyên bố sẽ ủng hộ thêm 1,5 triệu đồng để được tròn 10 triệu đồng và số tiền sẽ được chị L chuyển khoản đến Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Ngày 10/9, chị L có bài đăng trong nhóm, cảm ơn mọi người và công khai hình ảnh ủng hộ số tiền 10 triệu đồng. Tuy nhiên, sau khi Mặt trận Tổ quốc Việt Nam công khai bản sao kê, chị B vào kiểm tra việc chuyển tiền của chị L thì phát hiện số tiền chị L ủng hộ chỉ có 100 nghìn đồng. Điều này khiến chị không khỏi sốc trước hành động ăn chặn tiền từ thiện của chị L.
Chị B đã trao đổi trực tiếp với chị L và chị L đã nhận sai, đồng thời có bài đăng trên nhóm với nội dung xin lỗi trước hành vi sai trái của mình. Chị này cũng đã chuyển đúng số tiền 10 triệu đồng đến Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, với những trường hợp công khai thông tin chuyển khoản số tiền lớn nhưng trong thực tế số tiền chuyển khoản thể hiện qua sao kê lại nhỏ hơn thì cũng cần phải làm rõ hình ảnh bill chuyển tiền lấy từ đâu ra, có phải hành vi làm giả, có phải sửa photoshop hay không và mục đích là để làm gì?
"Nếu người chuyển số tiền đó là chuyển hộ, không phải là tiền của mình, cố tình chuyển thiếu để chiếm đoạt thì hành vi là lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, nếu lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt từ 4.000.000 đồng trở lên thì sẽ bị xử lý hình sự.
Nếu người nào đại diện cho nhóm, cho cơ quan đoàn thể đi chuyển tiền ủng hộ đồng bào gặp thiên tai nhưng đã lợi dụng sự tin tưởng của mọi người để bớt xén, chiếm đoạt một phần hoặc toàn bộ số tiền đó, sau đó làm giả bill chuyển tiền để che giấu hành vi vi phạm pháp luật thì sẽ bị xử lý về tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản'' theo quy định tại Điều 175 Bộ luật Hình sự.
Tất cả các trường hợp có thông tin sai lệch giữa nội dung sao kê và thông tin được đăng tải công khai trước đó thì đều cần phải kiểm tra làm rõ sai lệch như vậy là vô ý hay cố ý, có hành vi đưa thông tin sai sự thật, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản hay không để xem xét xử lý theo quy định của pháp luật”, tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường chia sẻ.
Bộ Công an cảnh báo thủ đoạn tạo lập Fanpage để lừa đảo, chiếm đoạt tiền từ thiện | |
Kêu gọi ủng hộ trẻ sơ sinh xấu số rồi chiếm đoạt tiền, tiêu xài |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại