Gỡ rối với các quy chuẩn PCCC gây khó doanh nghiệp?
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênSau khi Thủ tướng ra công điện, DN đang nóng lòng chờ sự thay đổi về các tiêu chuẩn PCCC để có thể vận hành nhà xưởng, công trình để sản xuất, kinh doanh. Ảnh: Khánh Huy |
Chóng mặt với 18 tháng 3 văn bản hướng dẫn
Vào cuối tháng 3/2023, các vấn đề liên quan đến PCCC tại các DN đã được đưa ra trong cuộc làm việc giữa các Hiệp hội DN và Bộ KH&ĐT. Tại cuộc làm việc, ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội Các nhà thầu xây dựng Việt Nam cho rằng, Việt Nam là quốc gia đang phát triển nhưng quy chuẩn liên quan đến PCCC tại QCVN 06:2022/BXD (Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về An toàn cháy cho nhà và công trình) lại cao hơn những quốc gia phát triển nhất thế giới.
Ví dụ như trước đây hệ thống ống gió điều hòa chỉ cần bọc amiăng, nhưng nay quy định QCVN 06:2022/BXD yêu cầu bọc bằng thạch cao chống cháy có chi phí đắt đỏ, khiến DN đầu tư đội chi phí lên gấp đôi, gấp ba; cùng với đó, thời gian thực hiện thủ tục về PCCC hiện nay đang bị kéo dài. Cùng với đó, gần như tất cả các thủ tục để đưa công trình vào sử dụng đều phải phụ thuộc vào việc hoàn thiện thủ tục liên quan đến PCCC. Trong khi đó, thời gian thực hiện cũng như chi phí thực hiện quy định về PCCC đang tăng cao, ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất - kinh doanh của DN.
Đại diện Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam cũng cho rằng, các vướng mắc liên quan đến quy định PCCC hiện nay không chỉ là vấn đề của DN công nghiệp hỗ trợ mà cũng là vấn đề của nhiều DN ngành nghề khác đang gặp phải, nhất là khi muốn thực hiện đầu tư mở rộng công trình nhà xưởng kinh doanh. Theo bà Phạm Thị Ngọc Thủy - GĐ điều hành Văn phòng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV), các văn bản quy phạm pháp luật quy định liên quan đến các tiêu chuẩn, quy chuẩn về PCCC liên tục có sự thay đổi, gây khó cho DN.
Ví dụ như quy định về sơn chống cháy, vật liệu chống cháy… nhưng DN cho biết trên thị trường Việt Nam hiện chưa có sơn chống cháy như vậy; vật liệu chống cháy nổ lại lấy theo tiêu chí của Anh nên chi phí rất đắt đỏ. Hay có những tòa nhà yêu cầu thang thoát hiểm cần có một thang trong và một thang ngoài. Tuy vậy, trên thực tế, tất cả chủ đầu tư đều làm theo quy định trước đó, giờ nếu đối chiếu với thông tư mới thì nhiều tòa nhà lại có tiềm ẩn rủi ro cao...
Hay theo phản ảnh của ngành vật liệu xây dựng, có quy định cần một tầng lánh nạn để sử dụng cho mục đích cộng đồng, nhưng lại không quy định mục đích cộng đồng là như thế nào, thành ra chủ tòa nhà và cư dân không biết phải làm gì với nó, dẫn tới những lãng phí không cần thiết.
Theo bà Phạm Thị Ngọc Thủy, hàng nghìn DN ở phía Nam đang nằm trong ranh giới vi phạm và có nguy cơ không được hoạt động do vướng những quy định cụ thể như vậy. Ví dụ như vào tháng 3/2023, một số DN có vốn đầu tư của Nhật Bản cũng phản ánh: Có những nhà máy, nhà kho được xây dựng mới, hoặc mở rộng; tuy nhiên, không đưa vào hoạt động, vì các DN không thể xin được giấy chứng nhận kiểm định phương tiện PCCC…
Nóng lòng chờ thay đổi về các tiêu chuẩn PCCC
Trước những khó khăn của cộng đồng DN, mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký công điện về việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác PCCC. Thủ tướng yêu cầu phân loại cụ thể theo nhóm các công trình, cơ sở có khó khăn, vướng mắc trong việc khắc phục sau kiểm tra, rà soát. Từ đó, chủ động, kịp thời giải đáp và hướng dẫn đầy đủ để khắc phục tổng thể các vi phạm, thiếu sót về PCCC. Việc này cần hoàn thành trước 30/4. Liên quan tới việc này, Cục Cảnh sát PCCC và CNCH cho hay, qua thời gian áp dụng thực tiễn cho thấy, một số quy định cũ không còn phù hợp. Do đó, các cơ quan đã xây dựng và áp dụng các quy định mới.
Mới nhất, nội dung QCVN 06:2022/BXD có nhiều điểm mang tính tháo gỡ các quy định khó thực hiện về PCCC mà DN còn vướng mắc, như: Giảm yêu cầu về giới hạn chịu lửa đối với màn ngăn cháy, vách kính, cửa kính; Giảm yêu cầu về bậc chịu lửa đối với nhà, đặc biệt là nhà sản xuất; Giảm quy định về giới hạn chịu lửa của tường ngoài không chịu lực; Giảm quy định yêu cầu về khoảng cách an toàn PCCC. Bổ sung quy định để cho phép một số trường hợp chỉ cần thiết kế 1 lối ra (cầu thang) thoát nạn hoặc bố trí cầu thang thoát nạn để hở; Giảm yêu cầu về trang bị hệ thống cấp nước chữa cháy ngoài nhà đối với các khu vực miền núi, nông thôn cũng như các công trình quy mô nhỏ.
Cục Cảnh sát PCCC cũng đã gặp và trao đổi trực tiếp với một số Đại sứ quán, hiệp hội DN (Hàn Quốc, Nhật Bản…) có khó khăn, vướng mắc. Đối với trường hợp dự án, công trình đã được cấp Giấy chứng nhận kiểm định sơn chống cháy theo Nghị định 79/2014 (trước 10/1/2021) thì tiếp tục sử dụng kết quả kiểm định đó để thực hiện nghiệm thu về PCCC cho dự án, công trình.
Đối với dự án, công trình lập hồ sơ thiết kế và thực hiện thẩm duyệt sau khi Nghị định 136/2020 có hiệu lực (từ ngày 10/1/2021) thì phải có hồ sơ thiết kế chịu lửa cho kết cấu chịu lực của công trình, là cơ sở để lựa chọn giải pháp bảo vệ chống cháy cho kết cấu theo quy chuẩn, tiêu chuẩn thiết kế hoặc tập hợp số liệu phục vụ thiết kế đã được xây dựng theo quy định.
Chủ đầu tư nộp hồ sơ thiết kế chịu lửa, định hướng giải pháp bảo vệ chống cháy cho kết cấu công trình, và các thành phần hồ sơ khác theo quy định của Nghị định 136/2020/NĐ-CP đến cơ quan Cảnh sát PCCC và CNCH có thẩm quyền để thực hiện thẩm duyệt thiết kế về PCCC theo quy định. Căn cứ kết quả kiểm định mẫu kết cấu đã được thử nghiệm, kiểm định (kiểm chứng), nhà thầu tổ chức thi công bọc bảo vệ chống cháy cho kết cấu chịu lực của công trình theo hồ sơ thiết kế và thực hiện nghiệm thu về PCCC theo quy định...
Trước một số băn khoăn của DN về các biện pháp bảo vệ chống cháy cho kết cấu công trình, có nhất thiết bắt buộc các kết cấu thép của nhà xưởng phải dùng sơn chống cháy hay không? Đại diện Cục Cảnh sát PCCC&CNCH cho biết, theo quy định quy chuẩn của Bộ Xây dựng và các tài liệu nghiên cứu về an toàn cháy cho kết cấu công trình xây dựng, đối với các giải pháp bảo vệ chống cháy cho kết cấu chịu lực, điển hình là kết cấu thép của dự án, công trình, hiện nay có nhiều giải pháp để chủ đầu tư, nhà thầu thi công lựa chọn. Do đó, không nhất thiết phải sử dụng sơn chống cháy cho các dự án, công trình. Tuy nhiên, trong thực tế, vì lý do thuận tiện thi công, bảo đảm thẩm mỹ, nhiều chủ đầu tư và nhà thầu đưa ra phương án sử dụng sơn chống cháy...
Nhiều trường hợp tại hồ sơ thiết kế đưa ra giải pháp sử dụng sơn chống cháy, tuy nhiên các giải pháp này được đưa ra trên cơ sở kinh nghiệm mà không dựa trên thiết kế chịu lửa của công trình (do không có thiết kế chịu lửa) và khả năng thực tế của các sản phẩm sơn chống cháy có trên thị trường (do không có tập hợp số liệu phục vụ thiết kế của sơn chống cháy), dẫn tới việc thực hiện bất khả thi. Bởi các loại sơn chống cháy được chọn để sử dụng cho dự án, công trình phải được thử nghiệm và chứng minh hiệu quả bọc bảo vệ theo quy trình tiêu chuẩn, phù hợp với thiết kế kết cấu công trình.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại