Giới làm phim lên tiếng về việc dừng chiếu, rút phép đối với phim có nghệ sĩ vi phạm đạo đức
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênĐạo diễn Nam Cito là người thực hiện phim "Gái già lắm chiêu V" |
Mới đây, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi). Cho ý kiến tại phiên họp, Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Lê Thu Hà (đoàn Lào Cai) đề xuất Luật Điện ảnh nên quy định dừng chiếu, hoặc rút phép đối với các tác phẩm điện ảnh có nghệ sĩ vi phạm đạo đức, an ninh chính trị,…
Cụ thể, ĐBQH Lê Thu Hà dẫn chứng Trung Quốc đang làm một chiến dịch rất mạnh mẽ để loại bỏ ngôi sao có lối sống lệch chuẩn và Việt Nam cũng có thể tham khảo vấn đề này. “Tôi nghĩ chúng ta cũng có thể tham khảo vấn đề này, bởi vì người hoạt động nghệ thuật cần phải hết sức giữ gìn hình ảnh của mình, nghệ sĩ cần đức trước khi cần tài”, bà Lê Thu Hà nhấn mạnh. Bà Hà cũng đề xuất Luật Điện ảnh nên quy định dừng chiếu, hoặc rút phép đối với các tác phẩm điện ảnh khi người nghệ sĩ vi phạm đạo đức, an ninh chính trị, hoặc phát ngôn nào đó.
Sau khi ý kiến đề xuất này được đưa ra đã nhận được sự ủng hộ của khá nhiều cư dân mạng. Có người còn cho rằng nên áp dụng với cả gameshow, chương trình truyền hình, để răn đe những nghệ sĩ giữ gìn hình ảnh, tránh việc ứng xử thiếu chuẩn mực, làm xấu bộ mặt nghệ sĩ cũng như phụ lòng tình cảm của khán giả.
Về điều này, đạo diễn Nam Cito cho rằng vấn đề đạo đức luôn là yếu tố quan trọng mỗi khi anh lựa chọn diễn viên cho dự án của mình. Ê-kíp của anh cũng luôn đưa ra những điều khoản ràng buộc với diễn viên về lối sống, hành động trong hợp đồng đối với diễn viên tham gia phim. Nam Cito cũng khẳng định việc giữ gìn hình ảnh là thể hiện sự tôn trọng đoàn làm phim, tôn trọng tác phẩm và tôn trọng khán giả.
Tuy nhiên, đạo diễn Nam Cito cho rằng, đề xuất dừng chiếu phim khi nghệ sĩ tham gia vi phạm đạo đức hay vi phạm pháp luật nằm ở mức độ nghiêm trọng của hành vi, tức là những hành vi vi phạm pháp luật thì cần có điều tra và kết luận từ cơ quan chức năng, còn nếu chỉ dừng lại ở những sự vụ nhỏ thì việc dừng chiếu một tác phẩm là công sức của rất nhiều người là quá nặng.
Đạo diễn Lương Đình Dũng cũng cho rằng điện ảnh là sản phẩm tổng hợp từ nhiều cá nhân nên nếu chỉ vì ai đó vi phạm mà tác phẩm bị dừng chiếu là điều sẽ gây rất nhiều thiệt hại cho cả đoàn làm phim. Vì vậy, theo đạo diễn Lương Đình Dũng, cần phải xem xét, cân nhắc kỹ lưỡng đề xuất này thay vì quy định chung chung.
Về quan điểm của đại biểu Lê Thu Hà, Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành với tư cách đại diện cơ quan soạn thảo Luật Điện ảnh cho biết phải nghiên cứu thận trọng. Nếu có tiếp thu ý kiến này thì sẽ xem xét đưa vào nghị định hướng dẫn thực thi Luật chứ không đưa vào Luật. Thậm chí đưa vào nghị định cũng không cần thiết bởi Bộ Quy tắc ứng xử cho nghệ sĩ đang được Bộ VH-TT&DL soạn thảo cũng đã có nhắc tới điều này.
Thực tế, muốn đưa một quy định nào vào Luật cần phải có những đánh giá tác động tích cực và tiêu cực đến xã hội, quy định đó có tương thích với hiến pháp, có vi phạm quyền con người hay không, quy định đó có tương thích với các điều luật liên quan hay không, phải xem xét kỹ các quy định của Luật khi đặt vào bối cảnh văn hóa của Việt Nam có phù hợp, hiệu quả không?
Việt Nam có không ít trường hợp nghệ sĩ vì gặp phải lùm xùm đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến bộ phim mà mình tham gia. Có thể phim không bị dừng chiếu nhưng đổi lại đã bị khán giả lên tiếng tẩy chay. Từ đó, nghệ sĩ tai tiếng mất đi nhiều cơ hội phát triển sự nghiệp, kiếm thêm thu nhập từ các hợp đồng quảng cáo,...
Bị khán giả quay lưng mới thực sự là hình phạt nặng nề nhất đối với một người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật. Vậy nên, bản thân các nghệ sĩ lúc nào cũng phải tự nâng cao ý thức giữ gìn hình ảnh của mình chứ không phải trông chờ bao giờ có quy định, điều luật, Bộ quy tắc ứng xử mới làm theo.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại