Thứ ba 26/11/2024 21:29

Giáo dục nghề nghiệp: Thay đổi cho phù hợp với xu thế đào tạo nhân lực mới

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Nhìn vào tình hình tuyển sinh ĐH năm 2020 cho thấy, nhiều thí sinh có điểm cao nhưng vẫn trượt nguyện vọng mình mong muốn. Theo tư vấn của chuyên gia tuyển sinh, vẫn còn nhiều cơ hội mở ra ở phía trước như chờ đợi các trường tuyển bổ sung chỉ tiêu. Tuy nhiên, cũng có một cánh cửa khác mà các em có thể nghĩ đến, đó là lựa chọn trường nghề, nhất là giờ đây, nhu cầu học nghề, với những ngành kỹ thật cao còn vượt quá khả năng đào tạo của nhiều trường.

Nghề chất lượng cao không lo thiếu việc

Theo các trường nghề, thực tế cho thấy nhu cầu tuyển dụng người học CĐ, học nghề rất lớn, vượt quá khả năng đáp ứng của nhiều trường đào tạo chất lượng. Một số trường nghề hiện nay đang ký cam kết đảm bảo việc làm cho sinh viên khi tốt nghiệp. Thời gian học ngắn hơn ĐH, chi phí đầu tư ít hơn, đi làm sớm hơn… là những ưu thế thấy rõ khi học nghề. Ví dụ trường CĐ Quốc tế TP HCM cho hay, trường ký cam kết đảm bảo việc làm với một số ngành, tỉ lệ sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp là 100%, trong đó có nhiều sinh viên được tuyển dụng trước khi tốt nghiệp. Một số ngành có mức lương khởi điểm 8 - 9 triệu đồng, ngành xây dựng cao hơn. Riêng ngành công nghệ thông tin có mức lương khởi điểm gần 20 triệu đồng/tháng.

Trường CĐ Cơ điện Hà Nội (HCEM) năm 2020 có 1.500 chỉ tiêu chính quy, trong đó 1.200 chỉ tiêu hệ CĐ. Thầy Đồng Văn Ngọc, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Năm học này, HCEM tuyển sinh 2 nghề đào tạo song hành cùng Cty ô tô Vinfast (Cơ điện tử và Công nghệ ô tô). Ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào là tốt nghiệp THPT và HCEM tổ chức kiểm tra năng lực. Ngay từ khi mới thông báo, một số nghề đã có lượng học sinh nhập học hết chỉ tiêu (như nghề Công nghệ ô tô, Điện công nghiệp, Cơ điện tử).

Trong tổng số hơn 900 nghìn thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT năm 2020 có khoảng 250 nghìn thí sinh không đăng ký xét tuyển ĐH. Theo ông Đồng Văn Ngọc, điều này cho thấy những tín hiệu tốt trong tâm lý chọn nghề của học sinh. Đó cũng là tín hiệu tốt cho xã hội và thị trường việc làm của chúng ta khi có tới 70% việc làm là ở bậc học CĐ và dưới nữa chứ không phải là lao động có trình độ ĐH.

Đánh giá về chất lượng nguồn nhân lực hiện nay, TS Phạm Tất Thắng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội cho rằng, hiện Việt Nam đang ở thời kỳ cơ cấu dân số vàng, có một lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên khoảng 56 triệu. Lực lượng này là nguồn lao động được đánh giá dồi dào, thông minh, chịu khó, thích ứng nhanh với công nghệ hiện đại. Việc đào tạo lực lượng lao động những năm gần đây có tiến bộ đáng kể. Tuy nhiên, chất lượng đào tạo chưa được như mong muốn.

DN khi tuyển dụng còn nhiều băn khoăn về trình độ tay nghề kỹ năng lao động, ý thức lao động. Do đó, nguồn lực về mặt số lượng dồi dào nhưng nếu không tận dụng tốt lực lượng lao động này sẽ nhanh chóng bước qua giai đoạn dân số vàng và cơ hội không quay lại nữa. Trong bối cảnh Việt Nam vừa ký một loạt hiệp định thương mại tự do thế hệ mới thì đây là cơ hội vàng cho Việt Nam. Những hiệp định này vừa là cơ hội về cơ chế chính sách, vừa tận dụng được tốt nguồn nhân lực đang ở giai đoạn dân số vàng.

Chính vì thế, bản thân các trường nghề hiện nay cũng đang có thay đổi, khi bắt đầu chuyển hướng đào tạo theo nhu cầu, gắn với DN để đảm bảo đầu ra cho người học. Sự thay đổi này đang đúng hướng khi những năm gần đây, học sinh đã lựa chọn học nghề nhiều hơn.

giao duc nghe nghiep thay doi cho phu hop voi xu the dao tao nhan luc moi
Các trường đào tạo nghề hiện nay đang có nhiều thay đổi để đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động, nhiều trường cam kết đầu ra cho người học. Ảnh: T.Fan

Đào tạo theo thị trường

Tại chương trình giao lưu trực tuyến “Giải pháp phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia” vừa được tổ chức tại Hà Nội, TS Trương Anh Dũng, Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) cho biết, đang xây dựng thông tư quy định các ngành nghề bắt buộc phải sử dụng lao động có chứng chỉ bằng cấp qua hệ thống GDNN, hoặc chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia. Trên thị trường lao động hiện nay, có nhiều người lao động đang làm việc nhưng không hề có chứng chỉ ngành nghề.

Theo ông Dũng, trong 5 năm vừa qua, Tổng cục GDNN đã xây dựng được gần 300 bộ tiêu chuẩn về định mức kinh tế kỹ thuật và chuẩn về cơ sở vật chất, trang thiết bị cho cơ sở đào tạo. Những bộ tiêu chuẩn này có sự tham gia của DN, vì chính họ mới hiểu hơn ai hết những yêu cầu về vị trí việc làm, về tiêu chuẩn đào tạo như thế nào và đặt hàng. Xây dựng hệ thống quản lý đánh giá kỹ năng nghề, rà soát lại, bổ sung các danh mục ngành nghề mà hiện nay còn thiếu so với thị trường lao động.

Theo TS Phạm Tất Thắng, một vấn đề cấp thiết hiện nay của chúng ta là cần có quy hoạch dự báo nguồn nhân lực và gắn với đó là việc đào tạo, GDNN. Thực tế, trong GDNN và đào tạo bậc CĐ, ĐH, do chúng ta chưa có quy hoạch dự báo về nhu cầu nguồn lao động, cũng như quy hoạch đào tạo nghề đi cùng, dẫn đến nhà trường thường đào tạo theo khả năng nhà trường mà chưa gắn với nhu cầu thực tế của xã hội và thị trường.

Bộ LĐ-TB&XH cho biết, các trường nghề cũng đang chuyển động mạnh mẽ để tăng sức hấp dẫn với người học. Công tác hướng nghiệp những năm gần đây cũng đã khởi sắc và thiết thực hơn ngay từ cấp học phổ thông. Vì thế, học nghề cũng là một con đường sáng đối với các em.

T.Fan
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động