Thứ hai 25/11/2024 06:22

Giáo dục đại học: Càng tự chủ bao nhiêu càng cần tự thanh, kiểm tra bấy nhiêu

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Lần đầu tiên Bộ GD&ĐT đã tổ chức Hội nghị Công tác thanh tra nội bộ các cơ sở giáo dục ĐH, không phân biệt trường công - trường tư, trường thuộc Bộ GD&ĐT và không thuộc. Theo đó, công tác thanh tra nội bộ trong các trường ĐH cần được nhận thức đúng vai trò. Và giáo dục ĐH càng tăng cường tự chủ, càng đi đôi với tăng cường thanh, kiểm tra.

Nâng cao nhận thức về vai trò của công tác thanh tra nội bộ

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh: Trong bối cảnh tự chủ ĐH với nhiều điểm mới, các cơ sở giáo dục ĐH giao quyền tự chủ toàn diện, do vậy việc có một bộ máy chuyên trách trong cơ sở giáo dục ĐH để làm công tác thanh tra nội bộ là vô cùng cần thiết.

“Càng tự chủ bao nhiêu thì càng cần tự thanh tra, kiểm tra, nắm bắt, để thực hiện đúng quy định của Đảng, Nhà nước, của Đảng ủy nhà trường, Hội đồng trường… Thực tế cho thấy, ở đâu tổ chức tốt hoạt động thanh tra nội bộ, thì ở đó giảm thiểu được nhiều rủi ro, hạn chế, khuyết điểm trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo và hoạt động chuyên môn”, Thứ trưởng nói.

Công tác thanh tra, kiểm tra có được thực hiện đúng, trúng, phát huy hiệu quả hay không, phụ thuộc đầu tiên vào vai trò của người đứng đầu cơ sở giáo dục ĐH. Nếu cán bộ thanh tra đề xuất các hoạt động thanh - kiểm tra nhưng lãnh đạo không ra quyết định thì công tác này không triển khai được. Việc ban hành kết luận thanh tra và tổ chức kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra… cũng phải do người đứng đầu cơ sở giáo dục ĐH ra quyết định, cho phép thực hiện.

Với những lí do đó, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng đề nghị lãnh đạo các trường nâng cao nhận thức, xác định rõ ý nghĩa, vai trò, mục đích của công tác thanh tra; tạo được động lực và điều kiện để hoạt động thanh tra trong cơ sở giáo dục ĐH phát huy hiệu quả, chất lượng. Các kết luận thanh tra, kiểm tra do lãnh đạo nhà trường ban hành cần “thấu tình đạt lý”. Song song với đó, cần chỉ đạo kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện kết luận thanh tra đảm bảo đạt được đúng mục đích, ý nghĩa.

“Người chỉ đạo công tác thanh tra và người làm công tác thanh tra phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, có tâm trong sáng, trình độ chuyên môn nghiệp vụ tốt. Những biểu hiện nể nang, né tránh trong công tác thanh tra cần phải được xử lý nghiêm để hoạt động thanh tra đạt hiệu quả tốt nhất”, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh.

Báo cáo thực hiện công tác thanh tra nội bộ của 123 trường ĐH (39 trường trực thuộc Bộ, 84 trường trực thuộc các Bộ, ngành, địa phương và ngoài công lập) cho thấy công tác thanh tra nội bộ thời gian qua đã được quan tâm. Các đơn vị thuộc Bộ GD&ĐT đều ban hành Kế hoạch công tác thanh tra theo năm học, thực hiện nghiêm túc việc báo cáo số liệu về xây dựng kế hoạch khi được yêu cầu.

Các ĐH và nhiều trường ĐH đã quan tâm xây dựng bộ máy, đội ngũ thanh tra theo đúng cơ cấu, mô hình của đơn vị. Cấp ĐH có Ban Thanh tra, cấp đơn vị thành viên (cấp trường) có phòng Thanh tra - pháp chế, một số đơn vị lập bộ phận hoặc cử cán bộ phụ trách công tác thanh tra.

Tuy nhiên, trong bối cảnh triển khai Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH, quy mô và quyền hạn của các cơ sở giáo dục ĐH có sự thay đổi, được tự chủ nhiều hơn. Cơ cấu các Ban thanh tra, số lượng biên chế viên chức cho hoạt động thanh tra như hiện nay, theo đánh giá của Thanh tra Bộ GD&ĐT là khó đáp ứng được yêu cầu thực tế triển khai nhiệm vụ thanh tra.

Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT Nguyễn Đức Cường cho biết, việc thành lập phòng thanh tra trong các cơ sở giáo dục ĐH chưa thống nhất, còn bất cập. Có nơi có phòng thanh tra, có nơi thanh tra gắn với pháp chế hoặc các nhiệm vụ chuyên môn khác. Điều này làm mất đi tính độc lập, thiếu khách quan trong hoạt động thanh tra.

Số lượng và chất lượng cán bộ làm công tác thanh tra nội bộ, theo Chánh Thanh tra Nguyễn Đức Cường, cũng chưa tương xứng, chưa đáp ứng được các nhiệm vụ của đơn vị. Một số trường nhiều năm còn chưa tổ chức thanh tra, kiểm tra, hoặc tổ chức kiểm tra mà không có thông báo kết luận; Công tác giải quyết khiếu nại, giải quyết tố cáo có cơ sở còn chưa đảm bảo trình tự, thủ tục quy định, dẫn đến khiếu kiện vượt cấp, kéo dài…

giao duc dai hoc cang tu chu bao nhieu cang can tu thanh kiem tra bay nhieu
Cơ sở giáo dục ĐH càng tăng cường tự chủ, càng phải tăng cường thanh, kiểm tra. Ảnh: T.F

Những yêu cầu mới của hoạt động thanh tra nội bộ

Ông Nguyễn Huy Bằng, nguyên Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT đã chỉ ra những yêu cầu mới của hoạt động thanh tra nội bộ khi thực hiện Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH. Theo đó những điểm mới của Luật đòi hỏi công tác thanh tra nội bộ phải được tăng cường. Hoạt động này cần chuyển mạnh từ cơ chế kiểm soát, tiền kiểm sang cơ chế giám sát, hậu kiểm của Nhà nước; tạo điều kiện để các cơ sở giáo dục ĐH thực hiện tự chủ đi đôi với trách nhiệm giải trình.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng đề nghị Thanh tra Bộ ghi nhận đầy đủ và nghiên cứu ý kiến của các trường ĐH để được ra những kiến nghị phù hợp. Trong đó, đặc biệt chú trọng đến nội dung xây dựng bộ máy và cán bộ làm công tác thanh tra, đảm bảo đúng, đủ, chất lượng; tránh việc sắp xếp, ghép cơ học các phòng chuyên môn với nhiệm vụ thanh tra khiến giảm sức mạnh của hoạt động này.

“Từng cơ sở giáo dục ĐH thực hiện tốt công tác thanh tra nội bộ, góp phần nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động của nhà trường, thì cả hệ thống sẽ tốt, giáo dục ĐH sẽ phát triển”, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh.

T.Fan
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động