Thứ ba 26/11/2024 14:09

Giáo dục con trẻ bằng tình yêu thương

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
“Giáo dục bằng tình yêu thương, khích lệ, khen thưởng, kỷ luật tích cực, đồng hành cùng con chính là những giải pháp hữu hiệu nhất cho sự phát triển của trẻ”.

Đây là quan điểm được bà Nguyễn Phương Linh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quản lý và phát triển bền vững (MSD) chia sẻ tại Hội thảo Giới thiệu Chiến dịch Lan tỏa yêu thương – Giáo dục không bạo lực ngày 19-10.

Hội thảo do Trung tâm Nghiên cứu Quản lý và phát triển bền vững (MSD), Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) và Hội Bảo vệ Quyền trẻ em Việt Nam phối hợp tổ chức.

Theo bà Nguyễn Phương Linh, “chúng ta thường ngụy biện trong giáo dục, nhân danh tình yêu, sự quan tâm và mục đích “muốn tốt cho trẻ” để sử dụng bạo lực thể chất; nhân danh noi gương rồi so sánh con gây nên những tổn thương tinh thần”.

Thực tế cho thấy các hành vi vi phạm quyền trẻ em vẫn diễn ra hàng ngày, hàng giờ. Ở Việt Nam, mỗi năm có khoảng 2.000 trường hợp trẻ em bị bạo lực, xâm hại được thông tin, báo cáo. Đáng chú ý, vẫn còn các trường hợp cha mẹ, người chăm sóc trẻ và thầy cô giáo sử dụng các biện pháp trừng phạt thân thể như: Đánh bằng tay hoặc bằng roi/ gậy; tát, bạt tai, véo, giật tóc, bắt em trẻ duy trì các tư thế không thoải mái trong thời gian dài. Một số trường hợp trừng phạt bằng tinh thần như: Mắng chửi, mỉa mai, miệt thị, so sánh trẻ với con vật, đồ vật, với trẻ khác…

Bà Nguyễn Hải Anh – Quản lý Chương trình gia đình Việt MSD chia sẻ, mới đây chương trình đã thực hiện khảo sát ngắn với một số trẻ em ở huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng). Trong các buổi thảo luận, các em chia sẻ, các em quan tâm lo lắng, băn khoăn nhất chính là bị cha mẹ quát mắng, đánh trong nhà rồi mới đến các vấn đề xảy ra nhà trường. Theo đó, khi trả lời câu hỏi “em nào đã bị bố mẹ quát mắng, đánh”, tất cả các em học sinh ở nhóm học sinh nam đều giơ tay. Trong khi đó trả lời câu hỏi “Bố mẹ đã từng quát mắng, đánh con hay không” thì tất cả phụ huynh tham dự khảo sát không có ai giơ tay, tất cả đều im lặng. “Có thể thấy, qua lăng kính của các em, gia đình – môi trường đúng là phải là nơi an toàn nhất đối với các em lại đưa đến cho các em rất nhiều trải nghiệm không tích cực”, bà Nguyễn Hải Anh cho biết.

giao duc con tre bang tinh yeu thuong
Các ý kiến phát biểu tại Hội thảo đều thống nhất rằng: "Trừng phạt thể chất và tinh thần không những xâm phạm quyền trẻ em mà còn mang lại kết quả tích cực về giáo dục"

Các ý kiến đại biểu cũng cho rằng: “Tất cả các biện pháp trừng phạt thân thể, trừng phạt tinh thần nêu trên đều vi phạm quyền được bảo vệ của trẻ em, gây tổn thương cả về thể chất và tinh thần của trẻ. Rất tiếc, những hành vi đó vẫn còn diễn ra do phụ huynh, người chăm sóc trẻ, giáo viên chưa ý thức được đó là các hành vi vi phạm pháp luật, xâm phạm quyền của trẻ em. Đồng thời cũng chưa nhận thức được rằng trừng phạt thể chất và tinh thần không mang lại kết quả tích cực về giáo dục như họ mong đợi”,

Xuất phát từ thực tế này, Chiến dịch sẽ tập trung vào việc trả lời các câu hỏi. Đó là: Liệu những lời mắng chửi, dọa nạt có được coi là bạo lực trẻ em hay không? Việc so sánh trẻ có phải là là phân biệt với trẻ em hay không? Có thể giáo dục trẻ thành những công dân tốt mà không phải sử dụng những biện pháp trừng phạt về thể chất và tinh thần trẻ em hay không?

“Với những thông điệp: “Ngừng đánh con”, “ngừng quát mắng con”, “cùng con tìm giải pháp”, “con là duy nhất, sao phải lo lắng” – chúng tôi mong muốn các bậc phụ huynh, người chăm sóc trẻ và cả các thầy giáo có thể thử thách bản thân thực hiện các thông điệp – giải pháp này trong việc giáo dục con trẻ. Tạo nên sự gắn kết và lan tỏa yêu thương, thúc đẩy các thông điệp giáo dục gia đình và nhà trường không bạo lực”, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quản lý và phát triển bền vững (MSD) Nguyễn Phương Linh nói.

Thanh Hải
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động