Giải pháp nào để không lặp lại tình trạng cá chết hàng loạt ở hồ Tây!?
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênXác cá nổi trắng ven hồ khiến người dân đi qua khó chịu vì cảnh tượng mất vệ sinh và mùi xác cá phân hủy rất ô nhiễm |
Vì sao cá chết hàng loạt ở hồ Tây?
Đã hơn 1 tháng sau thông tin cá chết bất thường tại hồ Tây, hiện vẫn còn xác cá nổi trắng mặt hồ. Mặc dù lượng cá chết không quá nhiều như giai đoạn đầu tháng 10 nhưng tại một số địa điểm của hồ Tây, xác cá vẫn phủ trắng từng phạm vi nhỏ.
Cụ thể, khu vực ven hồ trên tuyến đường Trích Sài, Nguyễn Đình Thi, Lạc Long Quân,... xuất hiện tình trạng cá chết dạt vào ven bờ và những khu vực cống nước xung quanh hồ. Cùng với lượng lớn cá đang phân hủy bốc mùi hôi thối, rất nhiều rác thải nhựa, rác sinh hoạt cũng trôi dạt vào bờ khiến môi trường bị ô nhiễm nặng.
Theo ghi nhận, cá chết đa phần là cá trôi, cá mè, cá chép… thậm chí, có cá từ 3 - 5 kg chết nổi lên mặt nước bị gió thổi dạt vào bờ. Hình ảnh cá nổi dài hàng trăm mét, bốc mùi hôi tanh khiến người dân đi đường vô cùng khó chịu.
Anh Hoàng Thiêm, trú tại phường Vĩnh phúc, quận Ba Đình, có thói quen chạy bộ mỗi sáng quanh hồ Tây cho biết, đây là hiện tượng bất thường, trước đây cũng có cá chết nhưng chỉ cá nhỏ và cá rô phi, không có những loại cá to chết như thế này. Tôi không dám đi tập thể dục vì mùi hôi thối bốc lên nồng nặc.
Trước đó, vào các năm 2016 và 2018, tại hồ Tây cũng từng xảy ra đợt cá chết rất nhiều. Được biết, tại thời điểm cá chết với khối lượng lớn chưa từng xảy ra tại hồ Tây vào tháng 10/2016, chỉ số ô-xy đo được tại tầng nước mặt bằng 0, lượng amoni tăng gấp 24 lần so với quy định.
Nguyên nhân ban đầu được xác định, cá chết là do thời tiết thay đổi bất thường. Sau đợt nắng nóng gay gắt kéo dài, bất ngờ có mưa dông khiến cá trong hồ có thể ngạt khí chết. Cùng với đó, thời tiết thay đổi dẫn tới thiếu ô-xy trong nước, hàm lượng DO (lượng ô-xy hòa tan trong nước cần thiết cho sự hô hấp của thủy sinh) thấp.
Đáng chú ý, một trong những nguyên nhân khiến cá chết nhiều là do ý thức người dân kém, vẫn xả thẳng rác thải trái phép vào hồ. Ngoài ra, việc cho phép nuôi, thả cá kinh doanh làm ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường hồ cũng là một trong những nguyên nhân khiến cá chết. Ngay sau đó, UBND TP Hà Nội đã có các giải pháp bơm thêm ô xy vào nước hồ, mời các chuyên gia phân tích về chất lượng nước hồ Tây.
Liên quan đến sự việc cá tiếp tục chết tại hồ Tây vào năm nay, ông Nguyễn Đình Khuyến, Chủ tịch UBND quận Tây Hồ, cho biết đơn vị đã nắm được thông tin và báo ngay cho Cty Thoát nước Hà Nội xử lý, khắc phục.
Trước tình hình trên, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đưa ra khuyến cáo, người dân không nên vớt, sử dụng cá chết làm thực phẩm. Đồng thời, Sở Xây dựng Hà Nội cũng đã yêu cầu Cty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội theo dõi, kiểm tra, thực hiện công tác duy trì vệ sinh, thu gom vận chuyển xác cá về bãi để xử lý theo đúng quy định.
Ngay sau khi xảy ra hiện tượng này, Sở Xây dựng đã chỉ đạo Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật TP, Cty Thoát nước Hà Nội theo dõi, kiểm tra, thực hiện công tác duy trì vệ sinh, thu gom vận chuyển về bãi xử lý theo quy định.
Tìm ra nguyên nhân nhưng cần giải pháp thiết thực
Trước hiện tượng nhiều loài cá chết nổi tại hồ Tây, Sở Xây dựng Hà Nội đã có báo cáo chính thức gửi UBND TP Hà Nội, lý giải nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện tượng trên.
Theo báo cáo, sau khi cùng Sở TN&MT, Sở NN&PTNT, Cty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội, UBND quận Tây Hồ kiểm tra thực tế, quan trắc chất lượng nước hồ Tây tại một số khu vực.., đoàn kiểm tra liên ngành xác định một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng cá chết.
Báo cáo của liên ngành cho biết, qua theo dõi về công tác duy trì, vận hành mực nước hồ Tây phục vụ thoát nước, hàng năm vào khoảng các tháng 9, 10 khi thời tiết giao mùa thường xảy ra hiện tượng cá chết lác đác trên các hồ nội thành.
Về chất lượng nước hồ, theo số liệu kết quả quan trắc tại điểm quan trắc tự động Trích Sài do Sở TN&MT quản lý, thông số oxy hòa tan (DO) có thay đổi liên tục. Cụ thể, có dấu hiệu giảm bắt đầu từ ngày 25/9 (DO là 3,6 mg/l); ngày 26/9 là 0,46mg/l, ngày 28/9 giảm xuống còn 0...
Tuy nhiên, giá trị thông số đến ngày 29/9 đạt 4,54 mg/l, ngày 6/10 đạt 6,19 mg/l... (theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt QCVN, giá trị giới hạn cột B1 đối với thông số oxy hòa tan là - 4mg/l). Các thông số: BOD, COD, TSS, Amoni đều vượt quy chuẩn cho phép...
Báo cáo kết quả quan trắc thụ động sau khi tiến hành khảo sát xung quanh hồ Tây, lấy mẫu phân tích chất lượng môi trường nước hồ Tây tại 7 vị trí khác nhau mới đây cũng cho thấy, nồng độ oxy hòa tan của 7/7 mẫu đều nằm trên ngưỡng giới hạn tối thiểu cho phép (- 4 mg/l) khi có nồng độ dao động 6,95 - 7,64 mg/l.
Bên cạnh đó, 7/7 mẫu đều có 4/16 thông số BOD (thước đo lượng oxy cần thiết để loại bỏ các chất thải hữu cơ ra khỏi nước trong quá trình phân hủy bởi vi khuẩn hiếu khí), COD (nhu cầu oxy hóa học), Amoni (chất khí không màu có mùi khai) xấp xỉ hoặc vượt giới hạn cho phép của quy chuẩn. Riêng vị trí cửa cống thông hồ Trúc Bạch có thêm thông số tổng Coliforms vượt quy chuẩn so sánh 2 lần (15.000/7.500).
Theo nhận xét sơ bộ của liên ngành, hiện tượng cá chết do nhiều nguyên nhân. Ý kiến của Sở TN&MT nêu về hiện tượng thiếu không khí, hàm lượng oxy giảm; ý kiến của Sở NN&PTNT nêu về khối lượng cá trong hồ nhiều, chất lượng nước ô nhiễm, có khí độc (do bùn, tảo,... gây ra), cá bị bệnh... Hiện tượng cá chết tại hồ Tây cần có khảo sát thêm, lấy mẫu để đánh giá cụ thể hơn.
Về giải pháp khắc phục, hiện Sở TN&MT đang tiến hành khảo sát lấy mẫu phân tích chất lượng nước và sẽ tiếp tục theo dõi, đánh giá chất lượng nước hồ Tây. Sở NN&PTNT nghiên cứu đề xuất phương án giảm mật độ cá trong hồ và đánh giá tình trạng cá chết bệnh khi xảy ra tình trạng cá chết hàng loạt đối với các hồ do TP quản lý.
Sở Xây dựng tiếp tục phối hợp các sở TN&MT, NN&PTNT theo dõi chất lượng nước các hồ của TP và báo cáo UBND TP khi có diễn biến bất thường.
Hà Nội: Khẩn trương điều tra tình trạng gần 1 tấn cá chết tại Hồ Tây |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại