Giải bài toán ùn tắc nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên Hàng hóa của Việt Nam xuất sang Trung Quốc theo đường bộ chủ yếu thuộc nông sản. |
Mở chính ngạch, đầu tư sản xuất
Hàng hóa của Việt Nam xuất sang Trung Quốc theo đường bộ chủ yếu thuộc nông sản. Việc siết tiểu ngạch, mở chính ngạch xuất khẩu nhằm đưa việc trao đổi, mua bán hàng hóa hằng ngày của cư dân biên giới về đúng bản chất, đúng thông lệ quốc tế, tuân thủ yêu cầu chất lượng, truy xuất nguồn gốc nước sở tại và tránh tái diễn tình trạng ùn ứ nông sản tại cửa khẩu như trước.
Nhưng việc “bịt” tiểu ngạch cũng cần có tính toán chặt bởi nói đến vấn đề cửa khẩu là liên quan đến cả chuỗi sản xuất, chế biến cả nông nghiệp lẫn công nghiệp trong nước rồi thương mại, giao thông… Nghĩa là cả hệ thống, dây chuyền bên trong phải chuyển động theo. Ví dụ như nông nghiệp, phải tổ chức lại sản xuất để đáp ứng yêu cầu xuất khẩu chính ngạch là có mã số vùng trồng, mã số cơ sở chế biến, thậm chí là chế biến sâu. Các địa phương, bộ ngành có liên quan và doanh nghiệp tham gia vào; toàn bộ hệ thống phải chuyển động và vận hành theo.
TS Võ Hùng Dũng - nguyên Giám đốc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Cần Thơ, nhận định: Những năm qua, xuất khẩu tiểu ngạch giúp cho những người làm ăn nhỏ lẻ và đặc biệt là sản xuất nông nghiệp có cơ hội thị trường. Nhưng xuất tiểu ngạch cũng để lại nhiều vấn đề, đặc biệt là sự "láo nháo", lúc nóng lúc lạnh theo tín hiệu cửa khẩu. Điều này làm cho nông dân cũng không ít phen nhận "trái đắng". Nên vấn đề "siết tiểu ngạch" tăng chính ngạch để lành mạnh hóa thị trường và nâng tầm sản xuất, chất lượng của Việt Nam theo chuẩn mực thế giới là việc nên làm.
Xuất khẩu tiểu ngạch có vai trò lịch sử. Từ năm 2022, Trung Quốc đã "siết" nhập khẩu tiểu ngạch bằng cách áp dụng các lệnh quản lý an toàn thực phẩm với hàng xuất tiểu ngạch vào nước này. Vì thế, hàng hóa trao đổi cư dân biên giới sẽ không còn nhiều cơ hội như trước nữa.
TS Trần Hữu Hiệp - chuyên gia kinh tế tại Đồng bằng sông Cửu Long nói: Siết tiểu ngạch tăng chính ngạch là xu hướng đúng. Quan trọng là lộ trình thực hiện như thế nào để mang lại hiệu quả cao nhất. Chúng ta cũng cần phải chọn ra được những mặt hàng chủ lực theo thứ tự ưu tiên để tăng cường đàm phán với phía bạn để mở cửa chính ngạch. Trong vấn đề này, ngoài vai trò của Bộ Công thương thì sự phối hợp của Bộ NN-PTNT cũng rất quan trọng.
Thực tế, trước giờ chúng ta "bị trói" vào việc xuất khẩu tiểu ngạch một phần vì thói quen sản xuất dễ dãi, một phần vì nhu cầu của đối tác nhập khẩu phía Trung Quốc, lẩn tránh thuế và thuế thấp để dễ bán hàng hơn. Đó là lý do vì sao một số mặt hàng nông sản dù được phép xuất khẩu chính ngạch thì phần lớn vẫn đi tiểu ngạch vào Trung Quốc.
Ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam phân tích: Nếu siết tiểu ngạch, kim ngạch xuất khẩu theo số liệu hải quan có thể sẽ tăng chứ không giảm. Tuy nhiên, vấn đề là hàng hóa Việt Nam sẽ tăng giá và giảm tính cạnh tranh. Mức thuế chính ngạch sẽ đi vào túi tiền của người tiêu thụ Trung Quốc hoặc ngược lại sẽ đè lên nhà sản xuất Việt Nam. Nên trong giai đoạn đầu có thể xuất khẩu bị ảnh hưởng ít nhiều. Ở chiều ngược lại, việc này sẽ thúc đẩy nền sản xuất trong nước tiến bộ hơn; giảm thiểu các rủi ro thị trường như thời gian qua.
Ngay chính cộng đồng doanh nghiệp phía Trung Quốc thừa nhận nhập khẩu hàng hóa qua đường biên mậu từ Việt Nam chỉ quan tâm đến giá cả và mức phí thông quan cho mỗi container hàng là "mấy chục vạn tệ". Họ hoàn toàn không biết gì về mức phí đó gồm những khoản nào, thuế gì? Chính vì vậy, giai đoạn đầu siết lại xuất khẩu tiểu ngạch chắc chắn sẽ có một số khó khăn.
Lộ trình siết tiểu ngạch tránh ùn tắc
Xét thấy vấn đề “siết tiểu ngạch” tăng chính ngạch để lành mạnh hóa thị trường, Bộ Công Thương đang xin ý kiến các cơ quan, tổ chức, người dân và doanh nghiệp sửa đổi, bổ sung Nghị định 14/2018 về hoạt động thương mại biên giới.
Theo đó, từ 1/1/2025, hàng xuất theo phương thức trao đổi cư dân biên giới (tiểu ngạch) sẽ bị giảm dần số lần, số tiền được miễn thuế. Hàng xuất khẩu tiểu ngạch, phải đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng, quy định về truy xuất nguồn gốc. Chỉ cư dân khu vực biên giới mới được phép xuất khẩu theo hình thức trao đổi cư dân và họ phải có mặt trực tiếp làm thủ tục xuất cảnh.
Từ 1/1/2026 các mặt hàng đã xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc chỉ được phép làm thủ tục tại cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính và các cửa khẩu phụ, lối mở đã đạt thỏa thuận song phương về cho phép xuất nhập khẩu, trao đổi hàng hóa.
Từ 1/1/2027, dừng toàn bộ hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa tại tất cả các cửa khẩu, lối mở biên giới chưa đạt được thoả thuận song phương về việc mở cửa khẩu, lối mở biên giới.
Từ 1/1/2028, tất cả các cửa khẩu, lối mở chỉ cho phép làm thủ tục xuất khẩu sang Trung Quốc những mặt hàng đã vào được Trung Quốc qua cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính.
Lộ trình siết xuất khẩu tiểu ngạch như thế nào là hợp lý cần phải được căn cứ vào kết quả đàm phán mở cửa thị trường của các bộ ngành liên quan. Bên cạnh đó là các kế hoạch thúc đẩy sản xuất trong nước theo hướng hiện đại...
Hà Nội: Đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp chế biến sản phẩm nông sản | |
“Doanh nghiệp sản xuất phải đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá sản phẩm” | |
Hà Nội: Khơi thông nguồn lực, hỗ trợ sản xuất cho nông dân |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại