Giá xăng giảm: Cởi bỏ nhiều áp lực cho doanh nghiệp vận tải
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênXăng dầu giảm giá, DN sẽ giảm áp lực phải tăng giá để thu hút khách hàng và tăng cạnh tranh sản phẩm làm ra |
DN giảm nhiều áp lực
Ngay sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý giảm thêm 1.000 đồng/lít thuế bảo vệ môi trường với xăng, 500-700 đồng/lít với dầu, giá xăng dầu giảm mạnh khoảng 3.000 đồng/lít từ 0 giờ ngày 11/7. Điều này đã góp phần giúp các DN vận tải đỡ gánh nặng phần nào về chi phí hoạt động và tạo điều kiện phục hồi kinh doanh sau đại dịch Covid-19.
Ông Bùi Danh Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng, giá xăng giảm với các động thái điều hành giảm thuế của Chính phủ là hết sức phấn khởi, bởi giúp DN nói chung và ngành vận tải nói riêng giảm chi phí sản xuất, vận hành. Ông Lê Đình Dũng, GĐ điều hành Cty TNHH Vận tải Hà Sơn Hải Vân cũng chia sẻ, DN có gần 100 xe chạy tuyến Hà Nội - Lào Cai cho hay, đây là tín hiệu vui cho không chỉ các DN vận tải mà ngay cả những cá nhân chạy xe dịch vụ và cả những người lao động khác. Điều này cho thấy, Chính phủ đã có những chia sẻ, kịp thời tháo gỡ khó khăn cùng các DN.
Ông Khúc Hữu Thanh Hải, Phó Chủ tịch Hiệp hội vận tải ôtô Hải Phòng chia sẻ, trong lúc vận tải đang khó khăn nhất mà Nhà nước đưa ra các chính sách về giảm thuế, giảm phí… là giải pháp thiết thực nhất giúp các DN tái hoạt động trở lại. “Giảm đến 3.000 đồng/lít là mức giảm lớn nhất kể từ khi giá xăng bắt đầu tăng liên tiếp trong 2 năm qua, tạo điều kiện cho DN hoạt động tốt hơn trong bối cảnh vẫn đang nỗ lực phục hồi kinh doanh sau đại dịch Covid-19,” ông Hải cho hay.
Ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội cho rằng, hiện nay giá xăng dầu bấp bênh khiến các DN kinh doanh vận tải rất khó xoay xở để điều chỉnh giá cước chạy theo, gây gia tăng chi phí. Giá xăng giảm sẽ giúp kìm hãm gia tăng lạm phát, DN cũng có điều kiện ổn định hoạt động và tới đây sẽ có những điều chỉnh giá cước hợp lý với tình hình thực tế của các chi phí cấu thành giá.
Theo chuyên gia Vũ Vinh Phú, cùng với giá thế giới giảm, việc điều hành giảm thuế bảo vệ môi trường để giảm giá xăng dầu trong nước thể hiện sự nỗ lực lớn từ Chính phủ. Tuy vậy, những diễn biến về nguồn cung xăng dầu, xung đột Nga - Ukraine vẫn căng thẳng... Giá dầu thế giới rất khó dự báo, có thể giảm trong kỳ điều hành này, nhưng sẽ quay trở lại tăng vào thời gian tới. Do vậy, các bộ, ngành cần tiếp tục tính toán, cân nhắc và đề xuất các giải pháp để giảm thuế trên xăng dầu, từ đó giảm giá xăng dầu. Ngoài ra, giá xăng giảm, nhưng chưa chắc giá cả tiêu dùng trên thị trường đã giảm ở mức tương ứng. Nhiều mặt hàng thiết yếu vẫn có thế sẽ neo ở mức cao, ông Vũ Vinh Phú chia sẻ.
Xăng dầu giảm DN vận tải vẫn lo lắng
Theo các chuyên gia kinh tế, chi tiêu cho xăng dầu hiện chiếm 1,5% tổng tiêu dùng cuối cùng của hộ gia đình. Còn với các loại hình vận tải thì chi phí xăng dầu thường chiếm từ 30 - 40%. Xăng dầu giảm giá, hộ gia đình sẽ có thêm phần chi tiêu, còn với các DN sẽ giảm áp lực phải tăng giá để thu hút khách hàng và tăng cạnh tranh sản phẩm làm ra. Điều này sẽ hỗ trợ các DN nền kinh tế phục hồi nhanh, hiệu quả sau dịch.
Dù phấn khởi nhưng đại diện Cty TNHH Vận tải Hà Sơn Hải Vân cũng bày tỏ lo lắng khi chính sách giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu xuống 1.000 đồng/lít chỉ kéo dài đến hết ngày 31/12/2022. Trong khi, nhiên liệu trong nước chủ yếu là nhập khẩu và phải chịu ảnh hưởng lớn từ giá xăng dầu thế giới. “Nếu không sớm bình ổn được giá xăng dầu, sau thời điểm 31/12/2022 khi chính sách hỗ trợ cho các DN kết thúc, quay về mức ban đầu, DN lại tiếp tục rơi vào cảnh khó khăn như một vòng luẩn quẩn”, ông Dũng nói.
Ông Dũng kiến nghị, diễn biến giá xăng dầu thế giới vẫn hết sức khó dự đoán, trong khi đó, ở trong nước, dư địa giảm giá vẫn còn. Chính phủ, các bộ ngành có thể tiếp tục đề xuất mạnh việc giảm thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt để giá xăng giảm xuống nữa, giúp giá cả thị trường, chi phí giảm, DN tăng sức cạnh tranh. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý cũng xem xét việc cho phép DN xây dựng phương án giá cước không chỉ dựa trên mức tăng của nhiên liệu mà còn dựa trên mức tăng giá của các nguyên vật liệu, phụ tùng do tác động của tăng giá xăng, dầu. Vì đây cũng là một phần chi phí không nhỏ trong tổng chi phí hoạt động kinh doanh của DN.
Trước diễn biến giá xăng dầu thế giới vẫn khó dự đoán, các DN cũng bày tỏ mong muốn Chính phủ, các bộ ngành có thể xem xét đề xuất việc giảm thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt để giá xăng có thể điều chỉnh giảm xuống nữa, tạo trợ lực giúp DN tăng sức cạnh tranh.
Ông Nguyễn Thành Hưng, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính, cho biết, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chính phủ cũng như Quốc hội, Bộ Tài chính tiếp tục theo dõi và đang lên phương án để thời gian tới sẽ có phương án trình giảm thuế tiêu thụ đặc biệt cũng như thuế giá trị gia tăng nếu giá dầu vẫn ở mức cao. |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại