Giá xăng dầu ngày 15/5: Giá dầu thế giới ghi nhận 1 tuần tăng giảm trái chiều
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên Giá dầu thế giới ghi nhận 1 tuần tăng giảm trái chiều |
Giá xăng dầu thế giới
Cả hai mặt hàng dầu thô Brent và WTI đã bắt đầu tuần ở mức giảm xấp xỉ 6% cùng với sự sụt giảm của chứng khoán do các đợt phong tỏa kéo dài nhằm kiềm chế sự lây lan của SARS-CoV-2 ở Trung Quốc, nhà nhập khẩu dầu hàng đầu thế giới làm dấy lên lo lắng về triển vọng nhu cầu.
Andrew Lipow, Chủ tịch của Lipow Oil Associated ở Houston nhận xét, việc phong tỏa ở Trung Quốc đang tác động tiêu cực đến thị trường dầu mỏ, vốn đang bán tháo cùng với chứng khoán.
Giá dầu thô Brent và WTI đã tiếp đà lao dốc ngày thứ hai liên tiếp do triển vọng nhu cầu thấp và sự mạnh hơn của “bạc xanh” khiến dầu thô đắt hơn cho người mua sử dụng các loại tiền tệ khác. Tính cả hai ngày, giá dầu đã trượt dốc tới 10%. Cụ thể, giá dầu thô WTI đã lao dốc xuống dưới 100 USD/thùng - mức thấp nhất trong vòng hai tuần qua, giá dầu Brent chỉ còn 102,5 USD/thùng.
Trong phiên giao dịch ngày thứ hai của tuần, giá dầu đã có thời điểm “bỏ túi” hơn 1 USD nhưng sau đó nhanh chóng trở lại đà lao dốc.
John Kilduff, một đối tác tại Again Capital LLC đã phải thừa nhận rằng, đây là những thời điểm dễ biến động. Theo Kilduff, việc Liên minh châu Âu (EU) tiếp tục phân vân về cấm vận hay không cấm vận dầu thô của Nga sẽ làm thay đổi các phép tính theo cả hai chiều.
Theo Bjørnar Tonhaugen, trưởng bộ phận nghiên cứu thị trường dầu mỏ của Rystad Energy, "lệnh cấm vận dầu mỏ của EU sẽ kích hoạt một cơn địa chấn trên thị trường dầu thô châu Âu và toàn cầu”.
Để thông qua một lệnh cấm vận dầu Nga, EU cần sự đồng thuận của 27 nước thành viên nhưng cho đến nay, Hungary vẫn kiên quyết phản đối lệnh cấm vận bởi thực tế rằng, một số nền kinh tế châu Âu có thể gặp khó khăn nếu nhập khẩu dầu của Nga bị cắt giảm thêm.
Ngân hàng Tái thiết và Phát triển châu Âu (EBRD) cảnh báo, nếu Nga trả đũa bằng cách cắt nguồn cung cấp khí đốt, các nền kinh tế mới nổi ở châu Âu, Trung Á và Bắc Phi có thể trượt trở lại mức trước đại dịch.
Nga đã cắt nguồn cung cấp khí đốt cho Bulgaria và Ba Lan trong khi nhiều nước châu Âu khác đang chạy đua để lấp đầy trữ lượng khí đốt đang cạn kiệt trước mùa đông.
Sau hai ngày mất hơn 10 USD, giá dầu đã lấy lại được đà tăng, leo dốc tới gần 5% trong phiên giao dịch ngày 11/5 sau khi dòng khí đốt của Nga sang châu Âu giảm do Ukraine ngừng tuyến đường vận chuyển khí đốt của Nga đến châu Âu và Nga trừng phạt một số công ty khí đốt châu Âu có trụ sở tại các quốc gia đã áp đặt lệnh trừng phạt lên Nga vì chiến dịch quân sự mà Moscow mở tại Kiev. Những diễn biến này đã làm gia tăng sự bất ổn trên thị trường năng lượng thế giới.
Oilprice đưa tin, giá dầu đã leo dốc do lo ngại EU áp lệnh cấm dầu Nga bất chấp những báo cáo của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) và Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) nhấn mạnh sự suy giảm về nhu cầu dầu.
Trong báo cáo hằng tháng đưa ra ngày 12/5, IEA cho biết, tăng trưởng kinh tế chậm dự kiến sẽ hạn chế đáng kể sự phục hồi nhu cầu trong thời gian còn lại của năm nay và kéo dài đến năm 2023. Thêm vào đó, các lệnh phong tỏa kéo dài ở Trung Quốc cũng khiến thị trường tiêu thụ dầu lớn thứ hai thế giới này giảm tốc đáng kể.
Trong khi đó, OPEC đã cắt giảm dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu thế giới trong năm 2022 tháng thứ hai liên tiếp do tác động của việc Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, lạm phát gia tăng và sự trỗi dậy của biến thể Omicron ở Trung Quốc.
Chính vì những lo ngại này mà kết thúc tuần, giá dầu thô Brent đã dừng ở mức 111,5 USD/thùng, giá dầu thô WTI của Mỹ ở mức 110,5 USD/thùng- mức đóng cửa cao nhất của WTI kể từ 25/3.
Giá xăng trong nước hôm nay
Tại thị trường Việt Nam, sáng ngày 15/5 giá xăng dầu trên thị trường không cao hơn mức giá:
Xăng E5RON92: không cao hơn 28.959 đồng/lít
Xăng RON 95: không cao hơn 29.988 đồng/lít
Dầu diesel: không cao hơn 26.650 đồng/lít
Dầu hỏa: không cao hơn 25.168 đồng/lít
Dầu mazut: không cao hơn 21.560 đồng/kg.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại