Thứ tư 22/05/2024 01:04

Giá xăng dầu có tạo đà cho vận tải vận tải hành khách công cộng?

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Sau nhiều ngày “đạt đỉnh”, hiện tại, giá xăng vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt khiến nhiều người nghĩ đến việc tìm các phương tiện công cộng di chuyển nhằm giảm chi phí đi lại.
Giá xăng tăng “vô tình” đã tạo cơ hội cho phương tiện vận tải công cộng
Giá xăng dầu tăng “vô tình” đã tạo cơ hội cho phương tiện vận tải công cộng

Người dân sẽ có sự lựa chọn phương tiện nào?

Ở câu chuyện giá xăng tăng mạnh, trên góc nhìn chuyên gia, ông Nghiêm Quốc Thắng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách công cộng Hà Nội cho rằng, đây là tiền đề giúp người dân đưa ra định hướng và lựa chọn phương tiện vận tải hành khách công cộng thay vì sử dụng phương tiện giao thông cá nhân.

“Vận tải công cộng trên địa bàn Hà Nội chúng ta đang phát triển, ngoài mạng lưới xe buýt phủ rộng khắp, chúng ta đã có đường sắt trên cao hoạt động, đây là điều người dân Thủ đô rất phấn khởi. Tuy nhiên, không may là dịch Covid-19 phức tạp, một số nước có chiến tranh… điều này khiến giá xăng dầu tăng cao và chúng ta cũng không thoát khỏi những ảnh hưởng từ vòng xoáy đó.

Với vận tải thì điều này gây áp lực và khó khăn lớn. Trong bối cảnh này, người dân sẽ phải tìm và tự tính toán, hướng đến việc di chuyển bằng loại hình, phương tiện phù hợp và rẻ nhất. Với xe buýt, đây là cú hích bởi người dân sẽ có sự lựa chọn tối ưu, lựa chọn đi xe buýt nhiều hơn bởi những tiện ích xe buýt mang lại. Điều tích cực là xe buýt đã “vươn tay” đến các huyện ngoại thành Hà Nội, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại. Với giá xăng, dầu tăng cao như hiện nay, thì đi xe buýt là một trong những lựa chọn tốt, vừa an toàn, tiết kiệm, phòng chống ô nhiễm môi trường”, ông Thắng nhấn mạnh.

Nhiều chuyên gia giao thông đô thị cũng nhận định, việc người dân lựa chọn và chuyển sang sử dụng phương tiện giao thông công cộng là xe buýt có nhiều ưu điểm. Trước hết là tiết kiệm được chi tiêu, tạo ra thói quen sử dụng phương tiện công cộng trong xã hội, tiết kiệm xăng dầu cho cả nước, góp phần giảm áp lực ùn tắc giao thông.

Các chuyên gia cho rằng, khi giá xăng có biến động tăng, người dân nên chọn giải pháp dùng phương tiện công cộng. Bạn Trần Lan Phương, sinh viên năm 2 trường ĐH Quốc Gia Hà Nội chia sẻ, nhiều ngày gần đây bạn vẫn đang học online tại nhà nên việc di chuyển bằng xe máy tương đối ít, chỉ dùng để đi mua thức ăn hoặc gặp bạn bè. Tuy nhiên, bạn sẽ đi xe buýt sau khi quay lại học trực tiếp tại trường.

“Đối với sinh viên như em thì phí sinh hoạt không cao, chỉ đủ để trang trải nên việc bỏ ra hàng trăm ngàn đồng đổ xăng mỗi tháng là khá phí vì em có thể đi xe buýt đi học. Những ngày gần đây, một số cây xăng ở gần khu vực em sinh sống để biển hết xăng khiến việc đổ xăng của em cũng trở nên khó khăn. Do đó, em đã quyết định chọn xe buýt di chuyển để đi học cho tiết kiệm, chỉ dùng xe máy khi thật cần thiết”, Phương chia sẻ.

Kích thích sử dụng nhiên liệu sạch

Chuyên gia giao thông TS Nguyễn Hữu Đức cho biết, việc tăng giá xăng “vô tình” đã tạo cơ hội cho phương tiện vận tải công cộng đắc thời, mà không cần phải tốn thời gian và chi phí cho việc tuyên truyền. “Thử làm một con tính: Một người đi làm bằng ôtô cá nhân, hàng ngày đi 10km đến chỗ làm, tiêu thụ 1 lít xăng, tương đương 26.200 đồng. Trong khi đó, giá xe bus hiện nay, kể cả BRT cũng chỉ 7.000 đồng cho từng đó quãng đường. Giá tàu điện trên cao khoảng 12.000 đồng/ lượt. Như vậy đã giảm được 1/2 chi phí. Việc dùng phương tiện công cộng sẽ tiết kiệm được khoảng 1-1,5 triệu đồng mỗi tháng” TS Nguyễn Hữu Đức phân tích.

Chuyên gia này nhấn mạnh, khi người dân tự giác đi xe buýt sẽ giúp giảm bớt tình trạng ùn tắc giao thông, giảm ô nhiễm môi trường vốn là căn bệnh trầm kha của các TP lớn. “Nếu tập quán đi lại bằng phương tiện công cộng được hình thành, không chỉ cá nhân từng người, mà lợi ích cho toàn xã hội. Quan trọng nhất là tiết kiệm nhiên liệu - tiết kiệm ngoại tệ cho quốc gia”, TS Nguyễn Hữu Đức cho hay.

Xe đạp, xe máy điện, xe ôtô điện sẽ được ưu tiên sử dụng khi giá xăng tăng cao. Thậm chí ngay trong lĩnh vực xăng dầu, việc sự dụng nhiên liệu phối trộn với Ethanon sẽ là giải pháp thay thế. Hiện nay, Ethanol không bị đánh thuế môi trường (trong khi xăng bị đánh tới 4000 đồng/ lít). Nếu có chính sách nâng dần tỉ lệ Ethanon từ 5% hiện nay (xăng E5) lên mức 7% (E7) hoặc 10% (E10) như nhiều nước đã làm thì giá xăng trộn Ethanon sẽ giảm xuống sâu hơn so với A95 ở mức đủ kích thích để dùng xăng E.

Đó cũng là giải pháp để giảm tác động vào môi trường từ xăng phù hợp với Cam kết của Việt Nam tại Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) về chuyển đổi năng lượng xanh, năng lượng sạch; kế hoạch giảm phát thải khí metan; giảm phát thải gây hiệu ứng nhà kính; giảm phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch, khuyến khích phương tiện giao thông sử dụng điện.

Trong lúc chờ các chính sách mới cũng như giá dầu thế giới giảm, thì giá xăng tăng cũng khiến người tiêu dùng phải linh hoạt, thích nghi và thay đổi về đời sống để phù hợp: Nó là câu chuyện tiết kiệm, bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khoẻ…, đó không phải là những yếu tố tích cực hay sao?

Theo báo cáo của Sở GTVT Hà Nội, tốc độ gia tăng phương tiện giao thông trong thời gian qua trên địa bàn rất lớn, khoảng 10%/năm. Trong khi đó, kết cấu hạ tầng đường bộ chỉ tăng 3 đến 4%/năm và quỹ đất dành cho giao thông tăng chưa đến 1%/năm. Đến năm 2025, với tốc độ gia tăng phương tiện như hiện nay, dự báo Hà Nội sẽ có khoảng 1,3 triệu ôtô và 7,3 triệu xe máy; năm 2030 sẽ có khoảng 1,7 triệu ôtô và 7,7 triệu xe máy, phương tiện cơ giới cá nhân khi này sẽ vượt năng lực đáp ứng của hệ thống đường đô thị từ 7,5 lần đến 10,6 lần.
Triệu Tâm
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động