Giá vàng được chuyên gia dự báo tích cực trong tuần tới
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênẢnh minh họa. |
Vàng SJC bị bán tháo, giảm gần 1 triệu trong tuần
Giá vàng thế giới chốt phiên giao dịch tuần được niêm yết trên Kitco ở ngưỡng 1.992,2 USD/ounce. Tuần qua giá vàng thường xuyên kiểm tra rào cản tâm lý 2.000 USD/ounce nhưng không thể vượt qua một cách dứt khoát. Chốt tuần, giá vàng quốc tế giảm khoảng 13 USD/ounce trong tuần, tương đương giảm khoảng 0,6%, chấm dứt chuỗi 3 tuần tăng liên tiếp.
Giá vàng miếng trong nước tuần qua cũng giảm gần 1 triệu đồng một lượng, tương đương mức giảm 1,4%, khiến nhà đầu tư rơi vào cảnh thua lỗ nặng nề.
Trong khi đó, vàng nhẫn lại tăng giá nhẹ so với hôm qua. Giá vàng nhẫn loại 1 - 5 chỉ tại SJC tăng 100.000 đồng lên 58,85 - 59,85 triệu đồng một lượng. Nhẫn tròn trơn 9999 Hưng Thịnh Vượng của DOJI giao dịch tại 58,9 - 59,85 triệu đồng. Nhẫn tròn trơn Vàng rồng thăng long 59,18 - 60,13 triệu đồng.
Theo Thông tư 12/2023/TT-NHNN có hiệu lực từ ngày 27/11/2023 sửa đổi Thông tư 06/2013/TT-NHNN hướng dẫn hoạt động mua, bán vàng miếng thị trường trong nước. Theo đó, từ ngày 27/11, thông qua việc bổ sung Cục Quản lý dự trữ ngoại hối tham gia vào quy trình giao dịch mua, bán vàng miếng. Ngân hàng Nhà nước sẽ siết chặt hơn hoạt động mua bán vàng miếng từ các tổ chức, tín dụng đã được cấp phép, nhằm hạn chế tình trạng đầu cơ vàng, giải quyết những tình trạng còn bất cập, tình trạng giá vàng trong nước chênh với giá vàng thế giới.
Trước thông tin trên, 3 ngày cuối tuần, nhiều nhà đầu tư bán tống bán tháo do hiểu sai vấn đề sau ngày 27/11 người sở hữu vàng SJC sẽ không được mua lại. Tuy nhiên, bản chất của quy định này là nhằm hạn chế tình trạng đầu cơ vàng, giải quyết những tình trạng còn bất cập, tình trạng giá vàng trong nước chênh với giá vàng thế giới.
“Do đó, từ ngày 27/11, người dân vẫn thực hiện hoạt động mua bán vàng miếng của tổ chức, cá nhân tại các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp được Ngân hàng Nhà nước cấp giấy phép kinh doanh mua bán vàng miếng như hiện hành” - chuyên gia vàng Trần Duy Phương nói.
Triển vọng còn tươi sáng
Tuần này, đa số nhà phân tích Phố Wall đều cho rằng giá vàng không sụt giảm, trong khi đó các nhà đầu tư bán lẻ duy trì triển vọng lạc quan.
Việc các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới phát đi tín hiệu gần như đã hoàn tất chiến dịch tăng lãi suất có thể là động lực quan trọng để thúc đẩy giá vàng trong thời gian tới. Quyết định giữ nguyên lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) trong phạm vi 5,25 - 5,5%. Ngoài ra, Ủy ban Chính sách Tiền tệ (MPC) của Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) đã quyết định giữ nguyên mức lãi suất 5,25%.
Đây là lần thứ hai BoE quyết định duy trì mức lãi suất nói trên sau cuộc họp về chính sách tiền tệ mà ngân hàng này tiến hành hồi tháng 9. Những thông tin trên cùng với căng thẳng địa chính trị sẽ hỗ trợ vàng như một kênh tích lũy tài sản.
Báo cáo Xu hướng Nhu cầu Vàng của Hội đồng Vàng Thế giới quý III/2023 vừa công bố cho thấy, các ngân hàng trung ương tiếp tục duy trì tốc độ mua vàng ở mức kỷ lục, đưa nhu cầu vàng toàn cầu trong quý III (không bao gồm thị trường OTC) chạm mức 1.147 tấn, vượt 8% so với trung bình trong 5 năm.
Trong báo cáo mới phát hành, Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV cho biết, nếu xung đột Israel và Hamas gia tăng căng thẳng và lan rộng ra khắp khu vực Trung Đông thì giá vàng SJC bình quân chạm mức 68,5 triệu đồng vào tháng 12/2023.
Còn nếu tình hình leo thang cao hơn thì giá bình quân của vàng SJC sẽ là 69,1 triệu đồng/lượng.
Căng thẳng địa chính trị tiếp tục ảnh hưởng đến giá vàng SJC trong năm 2024. BIDV cũng dự báo, giá vàng SJC bình quân sẽ dao động từ 68,3 - 69,7 triệu đồng/lượng trong tháng 3/2024.
Hiện tại, so với giá vàng thế giới, giá vàng miếng của SJC vẫn đang cao hơn giá vàng quốc tế là 11,43 triệu đồng/lượng. Theo các chuyên gia kinh tế trong nước, tuy đã được điều chỉnh giảm nhưng hiện tại, mức chênh lệch mua - bán vàng trong nước đang ở ngưỡng rất cao. Điều này có thể đẩy người mua đối diện nguy cơ thua lỗ khi đầu tư ngắn hạn.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại