Thứ ba 14/05/2024 03:09

Giá trị ý nghĩa từ cuộc thi “Gia đình đọc sách – Gắn kết yêu thương” đối với người khiếm thị

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Sau 1 tháng phát động, cuộc thi đã tạo được sức hút lớn trong cộng đồng người khiếm thị về giá trị của “văn hóa đọc” trong gia đình.

Hưởng ứng ngày Gia đình Việt Nam (28-6), Vụ Thư viện, Bộ VH-TT&DL phối hợp với Hội Người mù Việt Nam tổ chức cuộc thi “Gia đình đọc sách – Gắn kết yêu thương” đối với người khiếm thị.

Khởi động từ tháng 6-2020, cuộc thi đã thu hút người khiếm thị, các gia đình có người khiếm thị, hội viên Hội người mù Việt Nam và các chi hội người mù trong cả nước, tiêu biểu như: Hà Nội, Hà Tĩnh, Nghệ An, Bắc Ninh, Bình Định, Thừa Thiên-Huế, TP.HCM, Sóc Trăng…

Các thí sinh đã gửi bài và ảnh gia đình đọc sách với các chủ đề: “Sách - Khởi nguồn yêu thương”, “Sách - Chắp cánh ước mơ”, “Sách và phát triển trí tuệ”. Các bài dự thi đã khẳng định những giá trị tốt đẹp mà sách, văn hóa đọc mang lại cho sự phát triển của con người toàn diện, góp phần xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc, tạo nên sự gắn kết giữa các thành viên trong gia đình, đặc biệt là trong các gia đình của những người khiếm thị ở Việt Nam.

gia tri y nghia tu cuoc thi gia dinh doc sach gan ket yeu thuong doi voi nguoi khiem thi
Bức ảnh "Gia đình đọc sách" nổi bật tại cuộc thi

Trong đó, nổi bật là bài dự thi của thí sinh Nguyễn Văn Hoàng (Hội Người mù huyện Gia Lâm, TP Hà Nội). Trong bài dự thi, Hoàng chia sẻ góc nhìn của nhiều người về “người khiếm thị là vô dụng”, “người khiếm thị không cần đọc sách”. Liệu rằng điều ấy có đúng hay không? Câu trả lời là không! Người khiếm thị có thể thành công, thành công hơn bất kỳ ai, có thể hạnh phúc và hạnh phúc hơn bất kỳ ai. Và việc đọc sách, nghe sách nói là vô cùng cần thiết để tích lũy tri thức, để chứng tỏ bản thân và để hạnh phúc” . Hoàng cũng là những thí sinh gửi bài dự thi sớm nhất.

Là thí sinh Hà Nội nhận được 2 giải, em Vũ Thị Hải Anh, học sinh lớp 9, hiện đang ở tại KTX Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu, Hội viên Hội Người mù quận Hoàn Kiếmkhẳng định vai trò của văn hóa đọc trong gia đình. “Đọc sách chính là một cách giáo dục con toàn diện và đa dạng nhất. Mỗi cuốn sách hay đều là những chắt lọc từ cuộc sống của tác giả, thậm chí là kinh nghiệm của cả một cuộc đời, cả một thế hệ. Ta thử làm một phép tính đơn giản, một người vấp ngã rất nhiều lần và cần tới vài chục năm để chiêm nhiệm, giác ngộ và đúc kết ra những kinh nghiệm của bản thân. Trong khi, ta chỉ cần đọc cuốn sách do người đó viết là đã hiểu được phần nào những điều mà người đó trải qua, hơn nữa chỉ cần một khoảng thời gian rất ngắn”, Hải Anh viết.

Giá trị ý nghĩa của cuộc thi còn được Hải Anh nhắc đến là cơ hội để những người khiếm thị trẻ tuổi nói lên mong muốn, nguyện vọng của mình với những người trong gia đình, cộng đồng, xã hội. “Người khiếm thị tuy mất đi ánh nhìn nhưng không mất tầm nhìn”, Hải Anh khẳng định

Tại cuộc thi, BTC đã trao giải nhất cho thí sinh Nguyễn Mạnh Hùng (Hội Người mù quận Bình Thạnh, TP HCM); 2 giải Nhì thuộc về thí sinh Nguyễn Văn Hoàng (Hội Người mù huyện Gia Lâm, TP Hà Nội) và Nguyễn Thị Ngọc (Hội Người mù tỉnh Sóc Trăng). Ngoài ra, BTC còn trao 5 giải Ba, 12 giải khuyến khích và một số giải phụ khác.

Sau thành công của cuộc thi “Gia đình đọc sách – Gắn kết yêu thương”, Vụ Thư viện cũng đã cho ra mắt kênh “Cùng bạn đọc sách” nhằm truyền cảm hứng kết nối và lan tỏa tri thức cho mọi người, đặc biệt là cho người khiếm thị.

Mộc Miên
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động