Thứ sáu 19/04/2024 17:32

Gia đình Việt đi du lịch mùa Tết

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Nếu như trong tâm tưởng của mọi người, Tết là quần tụ bên gia đình nội ngoại, là “ăn Tết” thì đến hiện tại, với nhiều gia đình, Tết có nghĩa là “chơi Tết”. Ngày Tết với họ không còn quanh quẩn bếp núc hoặc thăm thú họ hàng, mà là những chuyến du lịch khám phá mọi nơi…
Gia đình Việt đi du lịch mùa Tết
Nhiều gia đình không còn chọn cách "ăn Tết" mà họ đi du lịch "chơi Tết". Ảnh: Viết Hải

Xu hướng đi du lịch mùa Tết

Mùng 1 Tết, sau khi thắp hương tổ tiên và đến chúc Tết nội - ngoại, gia đình anh Lê Quốc Chính (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) đã về nhà để sắp sẵn hành lý cho chuyến du lịch bắt đầu từ mùng 2. Anh cho biết, anh đã sớm lên lịch chuyến du Xuân ở Sapa cho gia đình nhỏ của mình, chuyến đi sẽ kết thúc trước khi bọn trẻ quay lại trường học.

“Tết là dịp nghỉ dài ngày của cả bố mẹ và con cái. Quan điểm của tôi về Tết nhiều năm nay đã thay đổi, Tết là sum vầy, là đoàn tụ, nhưng hiểu theo nghĩa phải cố thủ ở nhà bếp núc, rồi quanh quẩn nội ngoại, chúc Tết họ hàng làng xóm… có lẽ đã không còn đúng. Ngày xưa do kinh tế còn khó khăn, phương tiện giao thông vận tải cũng như đường xá không thuận lợi thì mọi người ở nhà, chứ bây giờ thế giới mở thì việc ở nhà chăm lo Tết không còn là lý tưởng của tôi.” – anh Chính nói.

Anh cho biết, các năm trước cũng ngay từ mùng 2 Tết anh đã đưa cả gia đình đi du lịch, thăm thú khắp mọi nơi. Năm thì vào Đà Nẵng hưởng cái ấm áp ngày Tết, năm xuống Hạ Long ăn Tết cùng người dân vùng vịnh… Năm ngoái, anh làm tour du lịch Tây Bắc, dọc từ Yên Bái, Sơn La rồi ngược Hà Giang, chuyến đi 3, 4 ngày khiến cậu con trai mới vào tiểu học cũng có thêm những trải nghiệm đáng nhớ.

“Năm trước khi đến Hà Giang, đúng ngày có 1 gia đình người Dao làm lễ cấp sắc. May mắn chúng tôi được tham dự, với người lớn những lễ hội như thế còn là những lạ lẫm, thì đối với trẻ con đó là một trải nghiệm rất đáng nhớ. Cũng qua buổi lễ đó, tôi có cơ hội nói chuyện rất nhiều với con mà tôi tin nó sẽ lưu vào ký ức của con rất lâu. Bởi nó khác hẳn những bài học con đã học trên lớp. Đồng thời trên quãng đường dọc theo các vùng dân tộc thiểu số Tây Bắc, chúng tôi cũng biết thêm nhiều những phong tục tập quán lễ, Tết của người dân vùng cao” – anh Chính chia sẻ.

Gia đình Việt đi du lịch mùa Tết
Cậu con trai nhà anh Chính trong đợt du lịch Tết Nguyên đán 2022

Cũng nhân tiện đợt nghỉ dài ngày của hai vợ chồng cùng cậu con út, vợ chồng chị Trần Thu Hằng (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) đã lên kế hoạch chuyến du lịch châu Âu đợt Tết. Đi chơi là một lẽ, nhưng lý do chính là sang thăm và ăn Tết cùng cô con gái lớn đang du học ở Hà Lan. “Mọi năm khi con bé ở nhà thì cả nhà cũng không ăn Tết ở Hà Nội, việc dắt díu nhau đi khắp nơi ăn Tết đã thành “truyền thống” của gia đình tôi. Năm nay con bé đi du học, thay bằng việc để con bé về nhà ăn Tết thì gia đình chúng tôi đã bay sang ăn Tết với con. Nó cũng đủ ý nghĩa của sum vầy” – chị Hằng nói.

Và theo chị, nếu như ngày trước thế hệ chị việc ở nhà cơm nước bếp núc chiếm trọn mấy ngày Tết thì giờ đây, ngày Tết của gia đình chị là những chuyến đi cùng nhau để nghỉ ngơi và an dưỡng sau 1 năm vất vả. “Tùy theo quan niệm của từng người, nhưng hiểu về Tết thế nào cho nhẹ nhàng, cởi bỏ những trói buộc mâm cao cỗ đầy, quần tụ hàng xóm láng giềng với những chén rượu là điều tôi nghĩ nên làm.

Truyền thống thì nên lưu giữ, nhưng cũng điều chỉnh cho phù hợp với thời cuộc để con người ta thực sự cảm nhận được sự chuyển giao của năm mới và năm cũ cũng là điều đáng để thử. Hơn nữa, những chuyến đi sẽ khiến con người ta thay đổi rất nhiều về suy nghĩ, tư duy và cách sống… “ – chị Hằng quan điểm.

Giống như gia đình anh Chính, chị Hằng… nhiều gia đình cũng như lớp trẻ hiện nay không còn việc “ăn Tết”. Tết di chuyển hay dành những ngày Tết để du lịch, khám phá các miền đất lạ hay để nghỉ dưỡng là lựa chọn của nhiều người hiện nay.

Khách sạn “cháy” phòng, vé máy bay tăng giá

Chị Huyền, chủ một doanh nghiệp lữ hành cho biết, trong đợt Tết, các combo du lịch của công ty chị luôn ở trạng thái “cháy” khi mới được bán ra. “Các khách sạn trên Sapa đợt Tết âm lịch đã không còn phòng trống ngay từ khi chưa đến rằm tháng Chạp. Khách book muộn chỉ có cách chờ đợi sự may mắn khi có người đột xuất bỏ tour hoặc chờ đến mùng 5, 6 Tết may ra có phòng” – chị cho biết.

Đồng quan điểm với chị Huyền, anh Lê Hiệp, nhân viên một đại lý bán vé máy bay cho biết, đợt Tết các tuyến bay Đà Nẵng, Phú Quốc, Đà Lạt… đều có giá khá cao so với bình thường. Anh ví dụ, một cặp vé khứ hồi mua bay về Hà Nội trong ngày đầu của kỳ nghỉ Tết và quay trở lại TP Hồ Chí Minh vào ngày cuối cùng đang ở mức 6,5-7 triệu đồng nếu bay Vietnam Airlines. Đi Vietjet hay Bamboo Airways thì rẻ hơn, khoảng trên 5,5 triệu đồng.

Cũng theo anh Hiệp, thông tin anh nhận được từ hãng, ngay từ trước Tết khá xa, lượng khách đặt vé máy bay nội địa giai đoạn cao điểm Tết Nguyên đán của Vietnam Airlines Group (gồm 3 hãng Vietnam Airlines, Pacific Airlines và VASCO) đã tăng xấp xỉ 20% so với cùng kỳ năm 2019 (trước dịch COVID-19).

Nhu cầu lớn tập trung vào các đường bay từ TP Hồ Chí Minh đi Vinh, Thanh Hóa, Hải Phòng, Huế, Quy Nhơn, Buôn Ma Thuột, Pleiku, Đồng Hới… Đối với những đường bay nhu cầu lớn, tỉ lệ bán chỗ trên các chuyến bay đã xấp xỉ 97-98%, cơ bản những chuyến bay đã đầy.

“Đợt Tết mọi người book vé đi chơi, đi thăm thú họ hàng nhiều nên tìm vé máy bay như thường ngày là rất khó. Nhiều khách hàng quen của tôi cũng liên tục hỏi về vé máy bay, nhưng thực sự tôi cũng bó tay, chỉ khuyên mọi người nếu muốn vé rẻ chỉ có đi trước hoặc chờ một thời gian nữa… “ – anh Hiệp nói.

Đánh thức du lịch xứ Thanh bằng bốn mùa lễ hội Đánh thức du lịch xứ Thanh bằng bốn mùa lễ hội
Mùa hoa dã quỳ thu hút khách du lịch ở Hà Nội Mùa hoa dã quỳ thu hút khách du lịch ở Hà Nội
Minh Dương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động