Thứ ba 30/04/2024 14:07

Gần 80 ý kiến về 4 nhóm vấn đề đang được Hà Nội gỡ khó cho doanh nghiệp

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Tại Hội nghị đối thoại tháo gỡ khó khăn thúc đẩy sản xuất, kinh doanh đối với các doanh nghiệp đầu tư hoạt động tại các khu cụm công nghiệp trên địa bàn TP Hà Nội tổ chức ngày 5/4, TP đã tiếp nhận gần 80 ý kiến về 4 nhóm vấn đề, liên quan bốn nhóm vấn đề chính gồm thủ tục đất đai, thủ tục hành chính, vướng mắc trong giải phóng mặt bằng và các chính sách hỗ trợ sản xuất kinh doanh cho các khu, cụm công công nghiệp.
Gần 80 ý kiến về 4 nhóm vấn đề đang được Hà Nội gỡ khó cho doanh nghiệp

Ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Đầu tư Phát triển Hạ tầng Đô thị UDIC. Ảnh: Ng.Linh

Sớm tháo gỡ, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng

Về vấn đề liên quan đến công tác quy hoạch, cơ chế chính sách phát triển khu, cụm công nghiệp, ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó tổng Giám đốc Tổng công ty Đầu tư Phát triển Hạ tầng Đô thị UDIC cho biết, hiện nay doanh nghiệp đang đầu tư Dự án cụm công nghiệp CN3, huyện Sóc Sơn, diện tích 78,15 ha, cơ bản giải phóng mặt bằng và có quyết định giao đất đợt 1 với diện tích hơn 56 ha. Tuy nhiên, dự án vẫn đang gặp vướng mắc về giải phóng mặt bằng phần diện tích còn lại do vướng vào khu vực nghĩa trang.

Ông Nguyễn Hoàng Hải đề xuất TP gia hạn thời gian thực hiện Dự án và huyện Sóc Sơn quy hoạch nghĩa trang tập trung, tháo gỡ vướng mắc này.

Cũng tại Hội nghị, nhiều ý kiến cũng đề nghị TP sớm tháo gỡ, đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện các thủ tục để khởi động lại công tác giải phóng mặt bằng sớm. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng phối hợp với các đơn vị để hoàn thành thủ tục thành lập khu công nghệ cao; đồng thời đề nghị TP tiếp tục chỉ đạo cho đơn vị quận huyện tiến hành quy hoạch 1/2.000 nhanh hơn, để doanh nghiệp triển khai các hoạt động khác của dự án.

Về việc đẩy nhanh tiến độ xây dựng các cụm công nghiệp, quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, vẫn còn rất chậm so với kế hoạch và yêu cầu, do các quy định, thủ tục, giấy phép còn chồng chéo. Các đơn vị cố gắng hết sức tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư, rút ngắn 50% thời gian giải quyết thủ tục hành chính, đôn đốc nhà đầu tư hoàn thiện các thủ tục khởi công cụm công nghiệp theo tiến độ đã đăng ký. Sở cũng đã có văn bản gửi các bộ, ngành định hướng tháo gỡ nhưng chưa có câu trả lời thấu đáo.

Tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cũng đã giải đáp ý kiến kiến nghị của doanh nghiệp. Theo đó, TP đã giao đất từng đợt đối với những cụm công nghiệp gặp khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện khởi công xây dựng hạ tầng, rút ngắn thời gian đầu tư dự án, sớm đưa vào khai thác. Tới đây, TP chú trọng trong việc quy hoạch, đầu tư, xây dựng, đất đai... tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, đẩy nhanh tiến độ đầu tư các khu, cụm công nghiệp theo quy hoạch và các chỉ tiêu, kế hoạch đã ban hành, phát huy hiệu quả cao nhất tiềm năng, lợi thế trong phát triển sản xuất công nghiệp, tạo nền tảng kinh tế - kỹ thuật cho các ngành lĩnh vực khác phát triển đạt mục tiêu chung.

Kiên quyết không để xảy ra tình trạng thiếu điện

Ngoài những vấn đề trên, liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp tại các khu, cụm công nghiệp, ông Uchida Takumi, đại diện lãnh đạo Công ty Terumo Việt Nam (khu công nghiệp Quang Minh, huyện Mê Linh) đưa ra kiến nghị cụ thể với Tổng Công ty Điện lực Hà Nội (EVN Hà Nội), cần đảm bảo ổn định điện năng cho công ty sản xuất, điều này giúp cho các nhà máy tăng cường khả năng chịu tải của hệ thống điện, giảm nguy cơ sự cố và đảm bảo ổn định trong việc sản xuất. Bên cạnh đó, có thêm các chương trình hỗ trợ và chính sách ưu đãi, EVN có thể hỗ trợ các doanh nghiệp với các chính sách ưu đãi về giá điện hoặc các gói hỗ trợ tài chính để đầu tư vào các biện pháp tiết kiệm năng lượng và tối ưu hóa sản xuất.

Gần 80 ý kiến về 4 nhóm vấn đề đang được Hà Nội gỡ khó cho doanh nghiệp
Trên tinh thần đồng hành cùng doanh nghiệp, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đề nghị các sở, ban, ngành, địa phương tập trung tháo gỡ các vướng mắc về quy hoạch tổng thể, mạng lưới các cụm công nghiệp cũ, điều chỉnh về quy hoạch nhằm hỗ trợ doanh nghiệp sử dụng đất đạt hiệu quả cao nhất. Ảnh: Ng.Linh

Ngoài ra, cần có kế hoạch, lịch trình cụ thể trước khi ngắt điện diện rộng tại các khu, cụm công nghiệp chế biến, sản xuất. EVN có trách nhiệm cung cấp thông tin và dữ liệu về tình trạng và dự báo về nguồn cung cấp điện cho các doanh nghiệp. Điều này giúp các doanh nghiệp có thể lập kế hoạch sản xuất và quản lý nguồn lực một cách hiệu quả.

Trả lời kiến nghị của doanh nghiệp, ông Nguyễn Anh Tuấn, Tổng Giám đốc EVN Hà Nội cho biết: “Sau sự cố lưới xảy ra 6 lần mất điện liên tục trong đợt hè năm 2023, năm nay chúng tôi đã chuẩn bị các phương án ứng phó. Chúng tôi cũng đề nghị các doanh nghiệp chủ động dịch chuyển thời gian hoạt động khỏi các giờ cao điểm để đảm bảo an toàn hệ thống điện.”

Liên quan đến vấn đề trên, Chủ tịch UBNDTP Hà Nội chỉ đạo ngành điện Hà Nội không để xảy ra tình trạng thiếu điện bởi sẽ ảnh hưởng rất lớn đến doanh nghiệp. Khi ngành điện lực bảo trì, bảo dưỡng phải cắt điện thì phải báo trước và có lịch cụ thể. Đặc biệt, Chủ tịch UBNDTP Hà Nội cho biết thêm, năm 2024, nhiều doanh nghiệp "tranh nhau bán điện, xin được bán điện cho Nhà nước". Do đó, EVN Hà Nội cần phải báo cáo Bộ Công Thương về phương pháp điều hành.

Tập trung tháo gỡ các vướng mắc về quy hoạch tổng thể

Tại Hội nghị, ý kiến của các doanh nghiệp đã được lãnh đạo TP, đại diện các sở, ban, ngành, địa phương trả lời trực tiếp, cụ thể. Trên tinh thần đồng hành cùng doanh nghiệp, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đề nghị các sở, ban, ngành, địa phương tập trung tháo gỡ các vướng mắc về quy hoạch tổng thể, mạng lưới các cụm công nghiệp cũ, điều chỉnh về quy hoạch nhằm hỗ trợ doanh nghiệp sử dụng đất đạt hiệu quả cao nhất.

Bên cạnh đó, các cấp, ngành cùng UBND TP hướng tới một cửa liên thông, minh bạch để các nhà đầu tư hiểu rõ quy trình hoàn tất thủ tục.

Sở Công Thương, Ban quản lý các khu công nghiệp và chế xuất trong thời gian tới tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các huyện, thị xã để hoàn thiện phương án phát triển khu, cụm công nghiệp trên địa bàn TP. Đồng thời, rà soát các quy định của TP để tham mưu, xây dựng quy trình rút gọn các thủ tục hành chính lựa chọn nhà đầu tư, triển khai dự án, huy động các nguồn lực xã hội; tiếp tục nâng cao chất lượng giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến đất đai, xây dựng, quy hoạch, tài nguyên môi trường, thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội…

Phát biểu bế mạc, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh hoan nghênh các nhà đầu tư đã, đang và sẽ đầu tư vào Hà Nội, cũng như đầu tư vào Việt Nam. Thay mặt lãnh đạo TP, Chủ tịch UBND TP Trần Sỹ Thanh gửi lời cảm ơn tới các doanh nhân, doanh nghiệp khi đóng góp cho sự phát triển kinh tế của thủ đô. Đồng thời, khẳng định TP sẽ lắng nghe và có trách nhiệm tháo gỡ tất cả các khó khăn, vướng mắc mà doanh nghiệp đặt ra trong Hội nghị.

“Gỡ khó” cho doanh nghiệp ngành IT
Hà Nội: “Gỡ” khó cho nguồn nguyên liệu sản xuất của các làng nghề
Hà Nội tập trung chăm lo để “mọi người, mọi nhà đều có Tết”
Nguyễn Vũ
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động