Thứ năm 25/04/2024 14:55

Gần 80% khách hàng phơi nhiễm khói thuốc tại nhà hàng

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Theo nghiên cứu năm 2020 của Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá , Bộ Y tế, tỷ lệ hút thuốc thụ động tại nhà hàng, khách sạn còn tương đối cao, với gần 80% khách hàng hút thuốc thụ động tại nhà hàng, 65% hút thuốc thụ động tại các khách sạn.

Cùng đó, nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, đa số khách hàng, kể cả những người hút thuốc đều không thấy thoải mái, dễ chịu khi ở trong một nhà hàng, quán cà phê đầy mùi khói thuốc. Vì vậy, các nhà hàng, quán cà phê không khói thuốc sẽ là những điểm đến ưu tiên đối với các khách hàng, đồng thời tạo ấn tượng tốt với khách hàng về một phong cách dịch vụ văn minh.

Hiện Việt Nam có hơn 15 triệu người trưởng thành hút thuốc, số người không hút thuốc là 75 triệu người, gấp 5 lần số người hút thuốc. Những người không hút thuốc sẽ không muốn đến những địa điểm công cộng ô nhiễm khói thuốc lá. Vì vậy, xây dựng môi trường không khói thuốc lá là một biện pháp hữu hiệu để thực hiện quyền của người không hút thuốc được hít thở bầu không khí trong lành không có khói thuốc lá.

"Những người không hút thuốc sẽ không muốn đến những nơi ô nhiễm khói thuốc lá, vì vậy tôi tin rằng các khách sạn, nhà hàng không khói thuốc sẽ là những điểm đến ưu tiên đối với khách hàng. Chúng tôi cũng mong rằng thông qua chiến dịch truyền thông này, các chủ nhà hàng, khách sạn, nhận thức rõ hơn nữa quy định của pháp luật về các địa điểm cấm hút thuốc và sẽ tham gia tích cực trong việc xây dựng môi trường không khói thuốc, mang lại những lợi ích cho chính họ, đồng thời bảo vệ sức khỏe cho mọi người", PGS-TS. Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh - Bộ Y tế, Giám đốc Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá cho biết.

Việc xây dựng môi trường không khói thuốc lá tại nhà hàng, quán cà phê sẽ giúp nhân viên nhà hàng, quán cà phê và khách hàng giảm nguy cơ mắc bệnh do tiếp xúc thụ động với khói thuốc lá, giảm các chi phí y tế trực tiếp và gián tiếp cho việc khám và chữa các bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá; Góp phần bảo vệ cảnh quan của nhà hàng, quán cà phê, tạo môi trường trong lành, thu hút nhiều khách hàng; Giảm nguy cơ cháy nổ trong nhà hàng, quán cà phê nếu thực hiện tốt quy định cấm hút thuốc lá; Xây dựng môi trường không khói thuốc lá tại nhà hàng, quán cà phê là một biện pháp hữu hiệu để thực hiện quyền của người không hút thuốc được hít thở bầu không khí trong lành không có khói thuốc lá.

Nhiều khách hàng không thoải mái khi ở trong một nhà hàng, quán cà phê đầy mùi khói thuốc
Hành vi hút thuốc lá nơi công cộng sẽ khiến người xung quanh bị phơi nhiễm khói thuốc (ảnh tư liệu)

Thực tế là hiện nay việc vi phạm các quy định của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá tại các nhà hàng, quán cà phê còn diễn ra phổ biến. Điều đáng lo ngại là trên thị trường xuất hiện một số sản phẩm mới như thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng gây ảnh hưởng xấu đến thanh thiếu niên. Vì thế, công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá cần nhiều sự nỗ lực không chỉ của riêng ngành y tế, mà còn cả sự chung tay của các cấp, ngành, nhất là sự chung tay của các nhà hàng, quán cà phê.

Nhằm đẩy mạnh việc thực thi quy định cấm hút thuốc lá tại các địa điểm công cộng trong nhà, Quỹ phòng chống tác hại thuốc lá, Bộ Y tế và Tổ chức Y tế Cộng đồng toàn cầu (Vital Strategies) triển khai chiến dịch truyền thông với chủ đề “Hãy lên tiếng bảo vệ sức khỏe của bạn và những người thân yêu” .

Theo đó, chiến dịch truyền thông được bắt đầu từ ngày 10-8 với với 2 thông điệp về không hút thuốc lá trong nhà hàng và quán cà phê được phát trên các kênh truyền hình VTV1, VTV2, VTV3 của Đài truyền hình Việt Nam. Đây là hoạt động nằm trong chương trình truyền thông năm 2021 do Quỹ phòng chống tác hại thuốc lá - Bộ Y tế thực hiện với sự hỗ trợ kỹ thuật của Tổ chức Vital Strategies nhằm góp phần đẩy mạnh thực hiện Luật phòng chống tác hại của thuốc lá .

Thông qua việc phát sóng 2 thông điệp truyền hình về việc không hút thuốc trong nhà hàng, quán cà phê, chiến dịch truyền thông mong muốn thông tin rộng rãi tới cộng đồng tác hại của thuốc lá đối với người hút và những người xung quanh, nâng cao nhận thức và kêu gọi mọi người tuân thủ nghiêm quy định của pháp luật về các địa điểm cấm hút thuốc.

Nghị định số 117/2020/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, có hiệu lực từ ngày 15-11-2020, đã tăng mức xử phạt với hành vi hút thuốc lá tại các địa điểm bị cấm lên gấp gần 2 lần. Cụ thể: cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi hút thuốc lá tại địa điểm có quy định cấm. Trường hợp hút thuốc lá trên tàu bay thực hiện theo quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng.

Nghị định 117 cũng quy định thẩm quyền xử phạt vi phạm quy định về địa điểm cấm hút thuốc lá thuộc nhiều cơ quan, lực lượng căn cứ theo địa bàn, lĩnh vực phụ trách như: Chủ tịch UBND các địa phương; Thanh tra các ngành: Y tế, Thông tin và Truyền thông, Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Giáo dục và Đào tạo...; Công an nhân dân; Quản lý thị trường; Bộ đội biên phòng…

Điều 11, Luật PCTHTL quy định về các địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn:

1. Địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn trong nhà và trong phạm vi khuôn viên bao gồm:

Cơ sở y tế; Cơ sở giáo dục, trừ các cơ sở quy định tại điểm b khoản 2 Điều này; Cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng, vui chơi, giải trí dành riêng cho trẻ em; Cơ sở hoặc khu vực có nguy cơ cháy, nổ cao.

2. Địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn trong nhà bao gồm:

Nơi làm việc; Trường cao đẳng, đại học, học viện; Địa điểm công cộng, trừ các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này và khoản 1 Điều 12 của Luật này.

3. Phương tiện giao thông công cộng bị cấm hút thuốc lá hoàn toàn bao gồm ô tô, tàu bay, tàu điện.

Điều 12, Luật PCTHTL quy định về các địa điểm cấm hút thuốc lá trong nhà nhưng được phép có nơi dành riêng cho người hút thuốc lá, bao gồm: khu vực cách ly của sân bay; Quán bar, karaoke, vũ trường, khách sạn và cơ sở lưu trú du lịch; Phương tiện giao thông công cộng là tàu thủy, tàu hỏa

Thuốc lá giết chết hơn 8 triệu người trên toàn cầu mỗi năm. Hơn 7 triệu ca tử vong này là do sử dụng thuốc lá trực tiếp và khoảng 1,2 triệu là do những người không hút thuốc tiếp xúc với khói thuốc thụ động. Tại Việt Nam, Tổ chức Y tế thế giới ước tính mỗi năm có gần 6.000 người chết vì các bệnh liên quan đến hút thuốc lá thụ động.

Khói thuốc lá chứa hơn 7.000 hóa chất, trong đó có 69 chất gây ung thư. Khói thuốc có thể tồn tại ở khắp mọi nơi và đặc biệt không có ngưỡng an toàn khi phơi nhiễm với khói thuốc lá thụ động, gây ảnh hưởng đến cộng đồng mà nạn nhân chủ yếu đa phần là phụ nữ và trẻ em.

Phong Châu
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động