Thứ sáu 08/11/2024 03:32

Gần 50% nạn nhân của tội phạm mua bán người đã được hưởng các chế độ hỗ trợ

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
“Luật Phòng, chống mua bán người quy định, nạn nhân bị mua bán được hưởng các chế độ hỗ trợ. Tuy nhiên, trên thực tế việc triển khai hỗ trợ nạn nhân vẫn còn nhiều vướng mắc, bất cập, chưa đạt hiệu quả như mong muốn”…

Đây là thông tin đáng chú ý tại Hội thảo “Rà soát, đánh giá chính sách, pháp luật về tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về”. Hội thảo do Bộ Lao động- Thương binh & Xã hội phối hợp với Tổ chức Di cư quốc tế IOM tổ chức sáng 11-9 tại Hà Nội.

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh & Xã hội Nguyễn Thị Hà cho biết, tình trạng mua bán người tại Việt Nam đang có chiều hướng gia tăng. Các đối tượng tội phạm hình thành nhiều đường dây, băng nhóm liên tỉnh, xuyên quốc gia với tính chất, thủ đoạn tinh vi để lừa bán các nạn nhân.

Lợi dụng sự quản lý lỏng lẽo của gia đình, nhà trường, thông qua các trang mạng xã hội như Zalo, Facebook, Viber…, các đối tượng thường tiếp cận, giả vờ làm người yêu rồi lôi kéo phụ nữ và trẻ em gái đi du lịch, đi làm thuê có thu nhập cao hay đi xuất khẩu lao động với chi phí thấp…. sau đó lừa bán nạn nhân.

gan 50 nan nhan cua toi pham mua ban nguoi da duoc huong cac che do ho tro

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà: "Tình trạng mua bán người tại Việt Nam đang có chiều hướng gia tăng"

Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà, nạn nhân bị mua bán chủ yếu là phụ nữ, trẻ em (chiếm trên 90%) và đa số thuộc các dân tộc ít người (chiếm trên 80%). Họ thường tập trung ở những vùng nông thôn, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa.

Đa phần trong số họ có hoàn cảnh kinh tế khó khăn (chiếm hơn 80%), chỉ làm ruộng hoặc không có việc làm (chiếm hơn 70%), trình độ học vấn thấp (không biết chữ chiếm gần 40%), thiếu hiểu biết về xã hội và kỹ năng sống, tâm lý nhẹ dạ cả tin.

Nạn nhân bị bán ra nước ngoài chiếm trên 80%, trong đó chủ yếu là sang Trung Quốc (chiếm trên 75%). Nạn nhân là phụ nữ bị bán ra nước ngoài đa số bị ép kết hôn làm vợ và bóc lột tình dục (chiếm gần 80%).

Thông tin về chính sách, pháp luật tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội Lê Đức Hiền cho biết: “Nạn nhân nói chung được hưởng 4 chế độ hỗ trợ: Hỗ trợ các nhu cầu thiết yếu và chi phí đi lại, hỗ trợ y tế, hỗ trợ tâm lý, trợ giúp pháp lý.

Trường hợp nạn nhân là công dân Việt Nam hoặc người không quốc tịch thường trú ở Việt Nam có thể hưởng thêm 2 chế độ: Hỗ trợ học văn hóa, học nghề; trợ cấp khó khăn ban đầu, hỗ trợ vay vốn”.

Báo cáo của Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm của Chính phủ, từ năm 2012 đến nay, các lực lượng chức năng đã tổ chức giải cứu, tiếp nhận khoảng 7.500 người. Trong đó, gần 50% nạn nhân được xác minh và hưởng các chế độ hỗ trợ theo quy định của pháp luật.

Theo đánh giá của các đại biểu, thời gian qua, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã luôn quan tâm, chỉ đạo sâu sát công tác phòng, chống mua bán người nói chung và tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về nói riêng.

Từ khi Luật Phòng, chống mua bán người có hiệu lực từ ngày 1-1-2012 đến nay, Chính phủ và các Bộ, ngành có liên quan đã ban hành hệ thống các văn bản, chính sách cơ bản đồng bộ, có tính khả thi, tạo khung pháp lý thuận lợi hơn để thực hiện công tác tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về hòa nhập công đồng.

Các quy định pháp luật hiện hành đã xác lập cơ chế khá toàn diện để hỗ trợ nạn nhân bị mua bán, trong đó đã tính đến đặc điểm và những nhu cầu riêng của từng nhóm đối tượng nạn nhân. Tuy nhiên, xét về tổng thể, cơ chế pháp luật hỗ trợ nạn nân bị mua bán hiện nay vẫn còn một số bất cập dẫn đến việc tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về chưa đạt kết quả như mong muốn.

Chẳng hạn, pháp luật hiện hành mới chỉ quy định nạn nhân bị mua bán được hỗ trợ về tâm lý và y tế trong thời gian cư trú tại cơ sở bảo trợ xã hội và cơ sở hỗ trợ nạn nhân. Vì vậy, những nạn nhân không vào cư trú tại các cơ sở đã nêu thì không được hỗ trợ tâm lý và y tế, mặc dù nhiều người trong số họ cũng có nhu cầu được hỗ trợ những dịch vụ này. Bên cạnh đó, mức chi chế độ hỗ trợ trực tiếp cho nạn nhân theo quy định hiện hành còn hạn chế. Đặc biệt một số mức chi thấp, không đủ hoặc gây khó khăn cho thực hiện ở cơ sở.

“Công tác tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân ban đầu cho nạn nhân còn nhiều khó khăn, nhất là khi các nước trao trả hàng loạt (có ngày trao trả trên 40 người), nhưng các đơn bị bộ đội biên phòng hầu hết không có nhà tạm lánh. Sau khi tiếp nhận nạn nhân từ nước ngoài trở về, phải có một thời gian lưu giữ nạn nhân để điều tra, xác minh, xác nhận nạn nhân, khám chữa bệnh, trợ giúp pháp lý… Trong khi đó vấn đề nhà ở, thuốc chữa bệnh và các trang thiết bị phục vụ cho hoạt động hỗ trợ ban đầu cho nạn nhân chưa được đầu tư, chưa có quy định” -Trung tá Vũ Thế Phấn, Cục Phòng chống ma túy và tội phạm, Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng nêu thực tế.

Từ thực trạng kể trên, tại Hội nhiều nhiều giải pháp đã các đại biểu đề xuất nhằm hoàn thiện chính sách pháp luật về tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về như: Bổ sung một quy định vào Điều 28 Luật Phòng, chống mua bán người về giấy tờ, tài liệu chứng nhận nạn nhân; sửa đổi Nghị định quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội năm 2005 theo hướng miễn trừ trách nhiệm hành chính cho nạn nhân bị mua bán trong một số trường hợp như bán dâm, xuất nhập cảnh trái phép; Sửa đổi Luật Trợ giúp pháp lý theo hướng bổ sung đối tượng “nạn nhân bị mua bán là một trong những đối tượng được hưởng trợ giúp pháp lý miễn phí…

Theo ông Paul Priest, Trưởng Bộ phận Chương trình IOM tại Việt Nam, Chính phủ Việt Nam đã đạt nhiều kết quả quan trọng trong công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về trên nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên vẫn cần có sự rà soát, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật để đảm bảo tốt nhất quyền, lợi ích chính đáng của nạn nhân bị mua bán.

“Trung bình mỗi năm Việt Nam có khoảng 1.000 nạn nhân của mua bán người. Trên thực tế con số này có thể còn cao hơn nhiều. Nhà nước của mỗi quốc gia có vai trò chính để thay đổi thực trạng này thông qua việc xây dựng, ban hành các chính sách”, ông Paul Priest nhấn mạnh.

Theo Bộ LĐ-TB&XH, số nạn nhân được xác minh, tiếp cận các chế độ hỗ trợ mới chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với tổng số nạn nhân đã trở về. Nguyên nhân, nhiều nạn nhân (đặc biệt là từ Trung Quốc) trở về qua đường mòn biên giới lẫn với số cư trú trái phép hoặc tự trở về không qua thủ tục xác minh, tiếp nhận, không đủ căn cứ để xác minh là nạn nhân nên không được nhận các chế độ hỗ trợ…
Thanh Hải
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động