Thứ sáu 22/11/2024 13:25

Được chăm sóc kỹ nhưng trẻ vẫn… suy dinh dưỡng!

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
(PL&XH) - Hàng ngày, mỗi lúc hầm cháo cho con, chị Hiền, ở huyện Hoài Đức, Hà Nội, đều thả vào một cục xương ống của lợn. Khi cháo đã nhừ, chị chỉ thêm tí rau, củ nữa là cho con ăn.


Cứ như vậy, chị đinh ninh con đã đủ chất và sẽ cứng cáp. Thế nhưng, mãi đến khi con 12 tháng tuổi mà vẫn chưa đứng vững, lại thêm người gầy gò, còi cọc. Sốt ruột, chị đưa con đi khám thì bác sĩ cho biết cháu bé bị còi xương, suy dinh dưỡng do thiếu can-xi.

Không chỉ một mình chị Hiền có kiểu chăm con không đúng cách mà rất nhiều bà mẹ khác cũng nuôi con theo cách truyền thống như vậy. TS. Hoàng Kim Thanh, GĐ Trung tâm truyền thông giáo dục dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết: Nhiều bà mẹ còn suy nghĩ không đúng về cách chế biến món ăn cho trẻ. Ví dụ như nhiều bà mẹ ở Hà Nội và một số tỉnh lân cận hay có thói quen mua xương ống về ninh cháo cho con ăn cả ngày rồi yên tâm vì nghĩ ăn xương thì có nhiều can-xi giúp trẻ bổ xương; trong xương có tủy và nhiều dinh dưỡng giúp trẻ đủ chất. Tuy nhiên, nếu cho trẻ ăn như vậy thì sẽ thiếu nhiều thành phần dinh dưỡng và cả vi chất dinh dưỡng. Việc chỉ cho trẻ ăn nước ninh xương dễ dẫn đến bị còi xương, suy dinh dưỡng.


Trẻ cần được chăm sóc đúng cách để không bị thiếu vi chất dinh dưỡng.


Nguyên nhân được đưa ra vì trong nước, lượng can-xi thôi ra rất ít, nếu can-xi có thôi ra thì việc hấp thu cũng không tốt vì đó là can-xi vô cơ. Đối với trẻ nhỏ, can-xi dễ hấp thu nhất là loại hữu cơ có trong các nguồn thực phẩm tự nhiên như tôm, cá tươi, trứng... Tương tự, với tủy ở trong xương ống thì thành phần chủ yếu là chất béo. Nhưng đây không phải chất béo cần thiết để trẻ hấp thu được vì là chất béo no nên chỉ khiến trẻ dễ đầy bụng, rối loạn tiêu hóa, khó hấp thu.

“Có nhiều bà mẹ ninh nhừ các thức ăn đắt tiền để lấy nước cho con ăn vì nghĩ bao nhiêu chất dinh dưỡng ra nước hết. Song thực tế tất cả các thành phần dinh dưỡng, đạm, sắt, chất béo, vitamin A đều nằm trong phần cái.

Phần nước chỉ là hương liệu, chỉ có một số ít thành phần dinh dưỡng tan ra… Hầu hết các vi chất dinh dưỡng cần thiết đều lấy từ bên ngoài vào. Nhưng hiện nay, bữa ăn của trẻ chưa đảm bảo sự đa dạng cũng như chưa lựa chọn các sản phẩm bổ sung vi chất, đặc biệt là sắt” - PGS Lê Danh Tuyên, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết.

Hay như đối với nhiều trường hợp trẻ bị thiếu can-xi mặc dù các bà mẹ rất chú ý đến việc cân bằng cho con thông qua việc mua các chế phẩm bổ sung bằng đường uống nhưng theo các chuyên gia dinh dưỡng, không phải cứ cho trẻ uống can-xi là trẻ sẽ đủ và tránh được còi xương, loãng xương bởi vì can-xi có cơ chế hấp thụ riêng. Muốn sử dụng được can-xi trong cơ thể thì phải có vitamin D làm “chất xúc tác”.

Dù thực tế nhiều trẻ vẫn thiếu vitamin D do thiếu ánh nắng. Bởi vậy, muốn có đủ vitamin D để hấp thu can-xi thì trẻ cần được bổ sung bằng thức ăn hàng ngày qua các thực phẩm có nguồn gốc động vật như trứng, sữa; được tắm nắng sớm (15-30 phút/ngày) và theo đường uống bổ sung.

Các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo, việc tùy tiện uống, uống quá nhiều can-xi, vitamin D sẽ khiến trẻ thừa can-xi dễ dẫn đến mệt mỏi, chán ăn, sỏi thận, tăng huyết áp, xương cốt hóa sớm trẻ có thể bị thấp; thừa vitamin D có thể làm cho trẻ chán ăn, mệt mỏi, nôn, dày màng xương, có trường hợp có thể bị thiểu năng, kém trí tuệ. Quá liều có thể gây suy thận và tử vong rất nhanh. Vì thế, việc bổ sung vitamin D, can-xi cho trẻ cần theo sự hướng dẫn của bác sĩ.

Ngoài ra, để phòng việc thiếu vi chất dinh dưỡng ở trẻ cần sử dụng phối hợp 15-20 loại thức ăn từ 4 nhóm thực phẩm trong bữa ăn hằng ngày như tinh bột, đạm, chất béo, vitamin, chất khoáng.


Vân Hà

Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động