Thứ hai 20/05/2024 18:46

Dùng thớt như thế nào cho hợp vệ sinh?

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Nếu vệ sinh và dùng thớt sai cách, rất có thể chúng ta sẽ tự rước bệnh vào người...  

Thớt là vật dụng dùng để băm, thái, chặt thức ăn. Nếu không được vệ sinh và sử dụng đúng cách thì thớt sẽ là nơi nhiều vi khuẩn sinh sôi nảy nở, trong đó có E.coli, Salmonella và Campylobacter – những loại vi khuẩn gây bệnh đường ruột.

Những vi khuẩn này khi đã bám và phát triển trên thớt thì rất khó loại bỏ, đặc biệt là những thớt cũ có những rãnh sâu. Vi khuẩn sẽ từ thớt lây sang thức ăn và đi vào cơ thể người qua đường ăn uống, gây bệnh về tiêu hóa.

Theo các chuyên gia, nguy cơ mang bệnh từ thớt chủ yếu là do thói quen dùng chung một thớt cho cả thực phẩm sống lẫn thực phẩm chín mà nhiều gia đình đang mắc phải. Bên cạnh đó là do việc vệ sinh thớt qua loa khiến vi khuẩn vẫn còn trên thớt và chúng sẽ sinh sôi nhanh chóng. Tiếp nữa là do việc sử dụng thớt quá lâu dẫn đến việc vi khuẩn tập trung nhiều tại các rãnh, kẽ của thớt.

dung thot nhu the nao cho hop ve sinh
Vệ sinh thớt đúng cách để tránh rước bệnh vào người

Để thớt luôn an toàn, hãy sử dụng thớt băm, chặt, thái thức ăn sống và thức ăn chín riêng biệt. Tuyệt đối không dùng chung một thớt để băm, chặt, thái thức ăn sống và thức ăn chín.

Sau khi sử dụng, hãy rửa thớt bằng nước rửa chén bát, lấy rẻ rửa bát hoặc bàn chải sạch đánh hết thức ăn còn bám trên thớt. Sau khi rửa xong phải dựng thớt lên cho thật khô mới cất đi.

Để thớt khỏi bị ẩm, mốc, hãy dùng loại dầu khoáng an toàn cho thực phẩm hoặc sáp ong để chà lên mặt thớt. Cách này sẽ giúp thớt không bị hấp thu nước, đỡ bị ẩm và nấm mốc do lâu ngày không sử dụng đến. Trước khi sử dụng hãy rửa lại thớt để tránh bụi bẩn.

Bất kể thớt nhà bạn là thớt gỗ hay nhựa, thì bạn cũng không nên bỏ thớt vào máy rửa bát vì có thể gây cong vênh, nứt thớt do thời gian tiếp xúc quá lâu với nhiệt và nước nóng. Chúng ta nên chà thớt bằng nước rửa chén bát pha lẫn nước nóng, có thể ngâm thớt trong dung dịch giấm theo tỷ lệ 1 phần giấm và 4 phần nước trước khi làm sạch.

Nên thay thớt sau khi sử dụng được 6-8 tháng. Trước khi dùng thớt cho thức ăn chín nên tráng qua nước sôi.

Khi chọn mua thớt, nên chọn thớt gỗ để băm, chặt; thớt nhựa để thái thức ăn; thớt thủy tinh để thái trái cây, rau củ, những thức ăn mềm. Nên chọn sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng. Không nên chọn những chiếc thớt có bề mặt phủ lớp màu vì khó nhận biết vết nấm mốc trên thớt và lớp phủ đó rất dễ bám vào thức ăn khi băm, chặt, thái.

Nếu mua thớt gỗ, hãy ngâm thớt này với nước muối mặn theo tỉ lệ 200 g muối/1lít nước, trong 24 giờ, sau đó phơi khô thoáng, để thớt tránh bị nứt về sau.

Với thớt nhựa, khi thái thực phẩm không nên ấn dao quá mạnh để tránh tạo những vết hằn trên thớt. Nếu thớt bị ố vàng, hãy ngâm thớt trong giấm hoặc nước cốt tranh vài tiếng đồng hồ và rửa sạch lại.

Để thớt không trơn trượt khi thái, bạn hãy lót một chiếc khăn ẩm bên dưới thớt. Tránh sử dụng khăn quá dày vì khăn dày sẽ làm cho thớt bị bập bênh, khó băm, chặt, thái thức ăn, lại dễ gây thương tích.

An Nhiên
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động