Đừng im lặng một cách bị động!
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênHình ảnh người chồng cầm theo hung khí đến "nói chuyện" với vợ. Ảnh: Cắt từ Clip |
Chồng đóng cửa, đánh đập vợ
Mới đây, CA huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An cho biết, đơn vị đang vào cuộc điều tra, làm rõ vụ việc ông Lê Ngọc Thành (41 tuổi, trú tại xã Xuân Sơn, huyện Đô Lương) đánh vợ nhập viện. Nạn nhân trong vụ bạo hành gia đình là bà T.T.M (52 tuổi, vợ Thành). Sau khi nhận được thông tin, CQCA đã vào cuộc điều tra, xác minh làm rõ vụ việc.
Theo thông tin ban đầu, ông Thành và bà M đều đã trải qua một cuộc hôn nhân trước khi đến với nhau. Sau đó, cả hai vào tỉnh Bình Dương làm ăn. Sau một thời gian sống chung, hai người không hòa hợp dẫn đến thường xuyên xảy ra mâu thuẫn, cãi vã. Sau đó, bà M đã làm đơn ly hôn gửi tòa án, hẹn ngày 28/2/2024 đến giải quyết. Tuy nhiên, trước ngày ra tòa làm thủ tục ly hôn thì xảy ra sự việc.
Thời điểm xảy ra sự việc được xác định là khoảng 10h30 ngày 23/2, do xảy ra mâu thuẫn, ông Thành đã nhốt bà M vào phòng và đóng cửa. Một lúc sau, thấy trong phòng có tiếng động bất thường nên người nhà đã hô hoán mọi người xung quanh đến ứng cứu. Khi bố đẻ của ông Thành đến khuyên can thì người này mới chịu mở cửa.
Lúc này, mọi người phát hiện bà M có nhiều vết thương trên mặt. Nạn nhân được đưa vào Bệnh viện Đa khoa huyện Đô Lương thăm khám. Do vết thương nặng, bà M được chuyển tuyến lên bệnh viện tuyến tỉnh điều trị trong tình trạng chấn thương ở vùng mặt, sườn do tác tác động của vật cứng bằng kim loại. Hiện, CQCA đã làm việc với ông Thành và đang chờ kết quả giám định thương tật của bà M để xử lý theo quy định của pháp luật.
Chế tài xử lý đối với hành vi của người chồng
Dưới góc độ pháp lý, luật sư Đinh Thị Nguyên, Giám đốc Công ty Luật TNHH Đại Đông Á, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, trong vụ việc trên, ông Lê Ngọc Thành có hành vi hành hạ, ngược đãi, đánh đập, đe dọa, xâm hại đến sức khỏe, tính mạng đối với bà M. Ông Thành có thể sẽ bị xử lý hình sự với các tội danh “Ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình” hoặc “Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe cho người khác” theo quy định của Bộ luật Hình sự (BLHS).
Theo đó, hành vi bạo lực thành viên gia đình có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình” được quy định tại Điều 185, BLHS năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, khung hình phạt cao nhất của tội danh này là 5 năm tù.
Nếu người chồng cố ý gây thương tích đối với người vợ mà tỷ lệ thương tích trên 11% hoặc dưới 11% nếu thuộc một trong các điểm quy định tại khoản 1 Điều 134, BLHS năm 2015, sẽ bị truy cứu trách nhiệm về tội “Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe cho người khác” quy định tại Điều 134, BLHS năm 2015. Khung hình phạt cao nhất của tội này là tù chung thân.
Ngoài ra nếu hành vi vi phạm của người chồng gây chết người có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Giết người” được quy định tại Điều 123, BLHS năm 2015, với khung hình phạt cao nhất là tử hình.
Về trách nhiệm hành chính, nếu hành vi của người chồng chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì hành vi xâm phạm sức khỏe đối với người vợ sẽ bị xử phạt tiền từ 5.000.000 – 20.000.000 đồng được quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 52, Nghị định 144/2021/NĐ-CP của Chính phủ. Còn đối với hành vi hành hạ, ngược đãi người vợ, mức phạt tiền 10.000.000 -20.000.000 đồng được quy định tại khoản 1Điều 53, Nghị định 144/2021/NĐ-CP.
Ngoài ra, người vi phạm còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả như: buộc xin lỗi công khai nạn nhân hoặc buộc chi trả toàn bộ chi phí khám bệnh, chữa bệnh. Ngoài trách nhiệm hình sự hoặc hành chính thì người chồng còn phải chịu trách nhiệm dân sự như bồi thường thiệt hại cho nạn nhân.
Qua vụ việc trên, luật sư Đinh Thị Nguyên nhận định, thực tế những bạo lực gia đình vẫn tiếp diễn một phần là do sự im lặng của một số phụ nữ. Thậm chí, ngay chính những người vợ đôi khi cũng vẫn chấp nhận việc bị chồng "thượng cẳng chân, hạ cẳng tay" mà cắn răng chịu đựng. Cách tốt nhất để hạn chế và ngăn ngừa những hậu quả đau lòng từ những ông chồng mất nhân tính như trên, là những người vợ nên chủ động nhờ pháp luật can thiệp, bảo vệ mình, thay vì im lặng một cách bị động.
“Chúng ta đang có nhiều luật với các điều khoản, quy định nhằm ngăn cấm, định tội cho hành vi bạo lực gia đình như: Luật Phòng chống bạo lực gia đình; Luật Hôn nhân và gia đình; Luật Bình đẳng giới; Bộ luật Hình sự… Tuy nhiên, để các luật này đi được vào cuộc sống vẫn còn rất nhiều hạn chế.Bên cạnh việc tuyên truyền, nâng cao ý thức, chung ta cần xử phạt nghiêm minh bằng những chế tài thích đáng hơn nữa mới mong hạn chế được vấn nạn bạo lực gia đình”, luật sư Đinh Thị Nguyên đánh giá.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại