Thứ năm 21/11/2024 22:33

Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi): Xây dựng cơ chế, chính sách “đặc thù vượt trội” phải có tính đột phá mới

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Góp ý về Dự thảo Quy hoạch Thủ đô Hà Nội, Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), PGS.TS Bùi Tất Thắng, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) nêu quan điểm, các giải pháp chủ yếu xây dựng cơ chế, chính sách “đặc thù vượt trội” cho Thủ đô Hà Nội phải thực sự có tính đột phá mới, có cái nhìn tổng thể, dài hạn và nhất quán.
Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi): Xây dựng cơ chế, chính sách “đặc thù vượt trội” phải có tính đột phá mới
PGS.TS Bùi Tất Thắng, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) phát biểu tham luận tại hội thảo khoa học “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn trong xây dựng và thực hiện Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050”. Ảnh: Vũ Lê

Chính sách “vượt trội” cho phát triển Thủ đô

Tại hội thảo khoa học “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn trong xây dựng và thực hiện Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050”, PGS.TS Bùi Tất Thắng, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, Hà Nội đang tiến hành đồng thời 3 nhiệm vụ quan trọng, định hướng phát triển Thủ đô: Lập quy hoạch Thủ đô, Điều chỉnh quy hoạch chung và xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi).

Việc tiến hành cả 3 công việc cùng một lúc là cơ hội để Hà Nội thể hiện khát vọng xây dựng, phát triển Thủ đô là thành phố “Văn hiến - Văn minh - Hiện tại”, hướng tới là thành phố kết nối toàn cầu, có trình độ phát triển ngang tầm Thủ đô các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới.

Trước yêu cầu phát triển, hội nhập, Hà Nội đã đặt ra mục tiêu, tầm nhìn và các hướng giải pháp về cơ chế, chính sách “đặc thù vượt trội” để phát triển Thủ đô.

Đó là, xây dựng quy hoạch Thủ đô Hà Nội theo Luật Quy hoạch 2017, trong đó tích hợp tất cả các quy hoạch ngành trên địa bàn Thủ đô và quy hoạch các huyện trước đây; điều chỉnh quy hoạch xây dựng và xây dựng Luật Thủ đô mới, thay cho Luật Thủ đô hiện hành (năm 2012).

PGS.TS Bùi Tất Thắng phân tích, các công việc này trên thực tế là bước triển khai cụ thể hóa các quan điểm, mục tiêu, tầm nhìn và định hướng giải pháp lớn của Nghị quyết số 15-NQ/TƯ, trong đó quy hoạch chức năng, định vị không gian phát triển trên địa bàn Thủ đô.

Đây là cơ hội để đồng bộ hóa việc xây dựng quy hoạch và cơ chế, chính sách để bảo đảm thực hiện các mục tiêu cụ thể của quy hoạch, điều mà từ trước đến nay luôn gặp phải tình trạng chưa thống nhất, chưa nhất quán và chưa thông suốt giữa các quy hoạch với nhau, giữa các mục tiêu và giải pháp thực hiện.

Thực hiện mục tiêu phát triển Thủ đô, Nghị quyết số 15-NQ/TƯ nêu 8 điểm: trong đó có nội dung về hoàn thiện hệ thống pháp luật về Thủ đô với cơ chế, chính sách phù hợp, đáp ứng yêu cầu phát triển Thủ đô trong giai đoạn mới.

Định hướng xây dựng cơ chế, chính sách là: “Hoàn thiện hệ thống pháp luật với các cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội cho Thủ đô; xác lập rõ vị trí, vai trò, trách nhiệm và quyền hạn, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của Hà Nội; tăng cường phân cấp, phân quyền cho Thủ đô trên một số lĩnh vực; và sớm tổng kết mô hình thí điểm việc thực hiện không tổ chức Hội đồng Nhân dân cấp phường trên địa bàn Hà Nội, hoàn thiện tổ chức, bộ máy chính quyền Thủ đô theo hướng tinh gọn, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, liên thông, phù hợp với vai trò, vị trí và yêu cầu phát triển, quản lý Thủ đô trong giai đoạn phát triển mới”.

Từ định hướng đó, Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đang được thảo luận, lấy ý kiến rộng rãi sẽ tạo ra căn cứ pháp lý về cơ chế, thể chế đặc thù để bảo đảm ý tưởng, mục tiêu xác định trong các quy hoạch được triển khai thực tiễn.

Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi): Xây dựng cơ chế, chính sách “đặc thù vượt trội” phải có tính đột phá mới
Lễ tuyên dương các thủ khoa xuất sắc tốt nghiệp các trường Học viện, Đại học trên địa bàn TP Hà Nội là hoạt động tôn vinh, thu hút, bồi dưỡng và trọng dụng nhân tài để xây dựng Thủ đô ngày càng phồn thịnh, hiện đại, văn minh. Ảnh: Khánh Huy

Khẳng định vị thế Thủ đô

Theo PGS.TS Bùi Tất Thắng, Hà Nội là Thủ đô đã từng được Bộ Chính trị ban hành nhiều nghị quyết riêng và là địa phương duy nhất có Luật Thủ đô. Vị thế Thủ đô đòi hỏi phải xem Hà Nội là đơn vị cấp địa phương đặc thù, độc nhất.

Các cơ chế, chính sách cho Thủ đô phải bảo đảm cho Hà Nội “có trình độ phát triển ngang tầm Thủ đô các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới.

Trên tinh thần đồng thuận cao với Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), PGS.TS Bùi Tất Thắng đánh giá, Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) về cơ bản đã đề cập đầy đủ, chi tiết các nội dung, khắc phục hạn chế các quy định nêu trong Luật Thủ đô cũ (năm 2012).

Bên cạnh việc kế thừa những nội dung còn thích hợp, Luật Thủ đô (sửa đổi) cũng đã thiết kế thêm một số điều nhằm giải quyết tốt hơn các vấn đề mà Luật Thủ đô cũ chưa giải quyết được, những vấn đề mới phát sinh, có vận dụng các điều khoản đặc thù dành cho các thành phố khác mới được ban hành gần đây.

Trong đó, có nhiều nội dung cố gắng phản ánh tính “vượt trội” của cơ chế, chính sách, các nội dung khi triển khai còn phụ thuộc vào các quy định dưới Luật do HĐND và UBND TP Hà Nội ban hành. Đây là hướng đi đúng đắn trong việc xây dựng cơ chế, chính sách “đặc thù vượt trội” cho phát triển Thủ đô.

Đóng góp ý kiến Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), PGS.TS Bùi Tất Thắng nêu rõ, tính “vượt trội” của cơ chế, chính sách dành cho Thủ đô tập trung ở nội dung phân cấp, phân quyền cho chính quyền TP thực hiện những quyết sách, phát triển đô thị, kinh tế - xã hội và đảm bảo trật tự trị an.

Thực hiện quyền được giao hiệu quả, các cơ chế, chính sách “đặc thù vượt trội” cần tiếp tục quy định nội dung “mở” về chủ động nhân lực và cơ chế giám sát, trách nhiệm giải trình.

Thủ đô Hà Nội là nơi có nhiều cơ quan nghiên cứu khoa học, trường đại học và cư trú của đội ngũ cán bộ khoa học công nghệ đông đảo. Cơ hội phát huy nguồn nhân lực chất lượng cao rất lớn.

Dự thảo Luật Thủ đô đã trình bày khá chi tiết những quy định cho phép Hà Nội chủ động việc thu hút nhân tài và tổ chức bộ máy có nhiều điểm mới, đặc thù.

Tuy nhiên, hiệu quả của việc phân cấp, phân quyền, trao quyền lớn và chủ động cần đi đôi với cơ chế giám sát và trách nhiệm giải trình. Nội dung cơ bản này chưa được Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đề cập rõ ràng. Do đó, cần nghiên cứu để bổ sung bảo đảm vừa phát huy tính chủ động sáng tạo, vừa dễ thực thi và giám sát tốt về phía công chúng.

Về cải cách hành chính và sắp xếp lại mô hình tổ chức, việc hình thành mô hình “thành phố trong thành phố” có thể tạo ra bước đột phá, song cần nghiên cứu thấu đáo về bộ máy và cách thức vận hành để đem lại hiệu quả cao nhất.

Trước bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, những kinh nghiệm tốt về trao quyền, ủy quyền, các lĩnh vực, cách thức vận hành và trách nhiệm giải trình của nhiều Thủ đô trên thế giới cần được tham khảo và chọn lọc để bảo đảm thực sự có tính đột phá, tạo khả năng “huy động sức mạnh tổng hợp, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của Thủ đô”, hoàn thành mục tiêu mà Nghị quyết số 15-NQ/TƯ của Bộ Chính trị đã xác định.

Phương án quy hoạch Thủ đô tập trung vào 5 trụ cột phát triển Phương án quy hoạch Thủ đô tập trung vào 5 trụ cột phát triển
Quy hoạch Thủ đô - Tầm nhìn và khát vọng Quy hoạch Thủ đô - Tầm nhìn và khát vọng
Mộc Miên
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động