Dự phòng, điều trị sốt xuất huyết-làm sao cho đúng? - Kỳ 2: Điểm sáng khống chế dịch ở huyện Thanh Trì
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênBáo cáo về tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn huyện, ông Thẩm Ngọc Trung, PGĐ Trung tâm Y tế huyện Thanh Trì cho biết: Tính đến hết ngày 28-7 trên địa bàn huyện ghi nhận 538 ca mắc SXH với 55 ổ dịch đang hoạt động tại 13/16 xã. Sau đó 2 tuần, tính đến hết ngày 13-8 huyện ghi nhận 1.026 ca mắc, số ổ dịch đang hoạt động còn 44 ổ dịch. Trong số 16 xã thì có 1 xã hoàn toàn kết thúc ổ dịch, 1 xã không có ổ dịch.
Thời gian qua, huyện đã tiếp tục duy trì kiểm soát, khống chế dịch bệnh SXH trên địa bàn bằng nhiều biện pháp như tuyên truyền, truyền thông đến từng hộ gia đình; triển khai chiến dịch vệ sinh môi trường diệt bọ gậy chống dịch bệnh SXH đồng loạt tại 16/16 xã, thị trấn; thành lập các đội xung kích tăng cường truyền thông, hướng dẫn các hộ gia đình diệt bọ gậy, vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh... Huyện Thanh Trì được đoàn kiểm tra của lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội đánh giá là huyện nghiêm túc và triển khai tốt công tác phòng chống dịch bệnh SXH trong tháng 6 và tháng 8.
Theo ông Thẩm Ngọc Trung, đến nay 16/16 xã, thị trấn đã thành lập 808 đội xung kích diệt bọ gậy phòng chống SXH và 127 tổ giám sát diệt bọ gậy phòng chống SXH theo chỉ đạo của TP. Đồng thời, ngay từ tháng 5 khi có các ổ dịch xuất hiện ngành y tế huyện đã tổ chức chiến dịch hướng dẫn cộng đồng diệt muỗi-diệt bọ gậy, thả cá chủ động phòng chống bệnh tại 100% các xã, thị trấn trên địa bàn vào thứ bảy hàng tuần.
Khi số ca mắc tăng lên và địa bàn bao phủ rộng hơn, huyện đã phối hợp với Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội tổ chức phun hóa chất bằng ô tô tại các vùng nguy cơ cao. Sau đó, đến cuối tháng 7, Trung tâm Y tế huyện đã triển khai phun hóa chất diện rộng tại các ổ dịch một cách hiệu quả, an toàn.
Tuy nhiên, ông Trung bày tỏ lo ngại thời tiết mưa nhiều sẽ tạo điều kiện để dịch bệnh bùng phát. Trong khi đó, Thanh Trì là huyện trọng điểm về dịch SXH dengue, đang trong quá trình đô thị hoá, nhiều công trình xây dựng, điều kiện vệ sinh môi trường còn bất cập; dân số cơ học tại một số xã, thị trấn tăng cao, di biến động liên tục; một số hộ tái chế, kinh doanh phế liệu, trồng cây cảnh, bể chứa nước lớn là nơi sinh sản bọ gậy gây bệnh. Nhận thức của một bộ phận người dân chưa đầy đủ, ý thức tự giác, chủ động trong phòng chống dịch bệnh chưa cao; một số chưa hợp tác tốt với cơ quan chuyên môn trong phòng chống dịch bệnh.
Để ngăn chặn, khống chế dịch bệnh hiệu quả, huyện sẽ tiếp tục triển khai công tác vệ sinh môi trường diệt bọ gậy có hiệu quả tại các hộ gia đình. Đồng thời tại các nơi công cộng như trường học, cơ quan đơn vị, DN, nghĩa trang, bãi bến xe, đình chùa... thực hiện phun hóa chất chống dịch tại các ổ dịch mới phát sinh và phun diện rộng đảm bảo chất lượng, kỹ thuật và đạt trên 95% số hộ được phun. Yêu cầu tối thiểu các hộ gia đình trong diện bán kính 100m tính từ nhà bệnh nhân, xử lý kịp thời, triệt để không để dịch lan rộng.
Bên cạnh đó, huyện thành lập đoàn kiểm tra phòng chống SXH từ huyện đến xã, thôn, tổ dân phố. Sử dụng hiệu quả đội xung kích diệt bọ gậy phòng chống SXH và tổ giám sát phòng chống SXH đảm bảo hiệu quả, đúng hướng dẫn; Giám sát phát hiện người sốt. Nghiêm túc triển khai chiến dịch vệ sinh môi trường diệt bọ gậy 3 tuần liên tục theo chỉ đạo của TP, tuyên truyền cho người dân về biện pháp cụ thể phòng chống SXH, ông Trung nhấn mạnh.
Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, tính đến hết ngày 16-8, toàn TP ghi nhận 17.027 bệnh nhân mắc SXH. Các đơn vị có số mắc cộng dồn cao là Đống Đa, Hoàng Mai, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Cầu Giấy, Hà Đông, Thanh Trì, Ba Đình, Nam Từ Liêm...
Thịnh An / PL&XH
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại