Thứ ba 19/03/2024 11:43

Dự kiến đánh thuế riêng với nhà và đất

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Luật Thuế bất động sản dự kiến trình Quốc hội năm sau có nội dung đề xuất tách riêng đất ở, nhà ở để tính thuế và cơ quan quản lý sẽ áp thuế suất cao với nhà, đất lấn chiếm, bỏ hoang hoặc chậm đưa vào sử dụng hay sử dụng chưa đúng mục đích...
Dự kiến đánh thuế riêng với nhà và đất

Dự kiến đánh thuế riêng với nhà và đất.

Về mốc thời gian, Chính phủ có thể trình Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp tháng 10/2024 và dự kiến thông qua tại kỳ họp tháng 5/2025. Luật này khi ban hành sẽ tác động tới toàn thể người dân và doanh nghiệp.

Luật Thuế bất động sản dự kiến điều chỉnh thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, đồng thời đưa đất nông nghiệp vào diện không chịu thuế.

Dự kiến luật mới tách riêng nhà và đất để đánh thuế. Theo cơ quan quản lý, chính sách hiện chưa quy định về thuế nhà (nhà, công trình xây dựng) trong khi giá trị bất động sản, trong đó có nhà, đang tăng. Hiện nay, nhiều quốc gia bên cạnh việc thu thuế đất, cũng nỗ lực điều tiết một phần giá trị tăng thêm từ nhà mà chủ sở hữu được hưởng.

Vì thế, đánh thuế theo biểu thuế suất lũy tiến từng phần để đảm bảo mục tiêu điều tiết cao đối với trường hợp nhà, đất có giá trị lớn, điều tiết thấp đối với nhà, đất có giá trị không lớn, đảm bảo công bằng trong điều tiết thu nhập của tầng lớp dân cư.

Về thuế suất đối với đất ở sẽ đề nghị đánh thuế trên toàn bộ diện tích đất ở (bao gồm đất ở riêng lẻ, đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp, đất phi nông nghiệp khác thuộc đối tượng chịu thuế), cơ quan quản lý đề nghị nâng mức thuế suất so với hiện tại. Công thức tính thuế là giá của 1m2 (giá 1m2 đất trong bảng giá đất nhân hệ số điều chỉnh do UBND cấp tỉnh ban hành) nhân với toàn bộ diện tích đất ở.

Việc nâng mức thuế suất đối với đất ở (tính cả đất sử dụng để kinh doanh) theo cơ quan quản lý, là cần thiết để phù hợp với thông lệ quốc tế. Mức thuế sẽ được nâng lên ở mức phù hợp và áp dụng có lộ trình, theo dự thảo, để tránh tác động lớn đến người dân và doanh nghiệp.

Đối với nhà ở (loại trừ nhà chung cư và đất xây dựng nhà chung cư), công thức tính thuế là diện tích nhà tính thuế nhân với giá của 1m2 nhà tính thuế. Đối với loại nhà ở có mức đầu tư thấp như nhà tạm, nhà thiếu kiên cố, nhà bán kiên cố..., sẽ không áp dụng đánh thuế, tránh gây gánh nặng lên người có hoàn cảnh khó khăn hoặc nhà chất lượng thấp...

Riêng với nhà chung cư (bao gồm cả đất xây dựng nhà chung cư), giá tính thuế (gồm cả chung cư hỗn hợp) là giá theo hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất, hợp đồng mua bán nhà hoặc theo Bảng giá của UBND cấp tỉnh ban hành.

Cơ quan soạn thảo dự kiến quy định ngưỡng chịu thuế cao hơn với căn hộ cao cấp mức giá trên 50 triệu đồng một m2. Đồng thời, thuế với nhà chung cư sẽ điều tiết thấp hơn với người sử dụng nhà có giá trị không lớn, nhà chung cư bình dân. Bên cạnh đó, nhà ở xã hội, nhà ở công nhân sẽ được miễn thuế.

Việc tách nhà và đất để định giá được đánh giá minh bạch, rõ ràng nhưng cơ quan quản lý nhìn nhận là phương pháp phức tạp, gây gánh nặng về mặt quy trình, chi phí quản lý cho cơ quan thuế. Vì chi phí xây dựng công trình thường là chi phí xây dựng mới, theo đó, không phản ánh khấu hao và niên hạn của công trình.

Cơ quan soạn thảo chưa đề cập cụ thể về cách xác định giá m2 nhà tính thuế. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm quốc tế, nếu tách riêng nhà và đất để đánh thuế, thông thường giá trị được xác định trên giá thị trường của đất hoặc giá trị đất bóc tách ra từ giá bán cả nhà và đất. Giá nhà tính thuế thường được định giá dựa trên chi phí xây dựng. Phương pháp này được sử dụng tại Đan Mạch, Namibia, Indonexia, Nhật, Philippines, Hàn Quốc, Thái Lan và một số bang nước Mỹ.

Theo cơ quan quản lý, ở Việt Nam hiện, việc xác định giá tính thuế bất động sản theo giá trị đất (giá do nhà nước quy định) là tương đối thuận lợi vì Việt Nam đã có cơ sở dữ liệu về giá tính thuế sử dụng đất phi nông nghiệp và giá tính lệ phí trước bạ đối với nhà, đất. Mặc dù giá trị này, theo đánh giá là chưa thực sự sát với giá chuyển nhượng nhà, đất thực tế trên thị trường.

Ngoài ra, cơ quan quản lý cũng sẽ áp thuế suất cao hơn với nhà, đất lấn chiếm, bỏ hoang hoặc chậm đưa vào sử dụng, nhà, đất sử dụng chưa đúng mục đích.

Việc quy định mức thuế suất cao đối với nhà, đất lấn chiếm, bỏ hoang, chưa đưa vào sử dụng theo đúng quy định là phù hợp với thực tế Việt Nam hiện nay, góp phần hạn chế tình trạng đầu cơ về đất, sử dụng đất lãng phí, chiếm dụng đất công, khuyến khích hơn nữa việc sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nhà, đất.

Việc nghiên cứu bổ sung đánh thuế đối với nhà theo cơ quan quản lý, là phù hợp thông lệ quốc tế vừa khả thi, góp phần hạn chế đầu cơ nhà, khuyến khích sử dụng nhà ở tiết kiệm, hiệu quả. Bên cạnh đó, việc bổ sung đánh thuế đối với nhà góp phần thực hiện mở rộng cơ sở thu, làm tăng nguồn thu ngân sách địa phương

Số thu thuế sử dụng đất phi nông nghiệp bình quân mỗi năm tại Việt Nam khoảng 1.700 tỷ đồng. Thuế sử dụng đất nông nghiệp là không đáng kể, chỉ vài chục tỷ đồng/năm. Tính chung lại, số thu thuế hàng năm đối với bất động sản tại Việt Nam (gồm thuế sử dụng đất nông nghiệp và phi nông nghiệp) chỉ chiếm 0,24% tổng thu thuế và chiếm 0,03% GDP. Con số này được đánh giá là quá thấp, chưa khai thác tốt nguồn thu từ bất động sản và chưa phát huy được vai trò của sắc thuế.

Trong khi đó, quy mô thuế bất động sản so với GDP tại các nước có thu nhập trung bình chiếm khoảng 1% và các nước có thu nhập thấp khoảng 0,5%, chỉ số một số quốc gia châu Phi đạt dưới 0,1% GDP.

Giảm 30% tiền thuê đất, thuê mặt nước cho đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19
Tổng cục Thuế điểm tên các thủ đoạn về vi phạm gian lận thuế
Những trường hợp giá đất được trừ để tính thuế giá trị gia tăng
Nguyễn Vũ
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động