Dự báo CPI sẽ tăng từ 2% đến 3% trong năm 2022
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênĐể giữ tốc độ tăng CPI ở mức dưới 4% như chỉ tiêu Quốc hội đặt ra, Chính phủ cần giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tạo nền tảng cho phục hồi và phát triển bền vững của nền kinh tế |
Lãm phát dưới 4%
Ông Nguyễn Bá Minh, Viện trưởng Viện Kinh tế tài chính cho biết, qua nghiên cứu, dự báo CPI bình quân năm 2022 so với năm 2021 sẽ tăng ở mức 2,5% (+/- 0,5%) tức là từ 2-3%, dưới chỉ tiêu Quốc hội đề ra là hoàn toàn khả thi.
Năm 2021, kinh tế Việt Nam cũng đối mặt với nhiều khó khăn thách thức do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, đặc biệt là làn sóng dịch Covid-19 lần thứ tư bùng phát (cuối tháng 4-2021) tại các tỉnh, TP kinh tế trọng điểm đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, an toàn của người dân và phát triển kinh tế - xã hội, làm tăng trưởng kinh tế có mức giảm sâu nhất vào quý III-2021.
GDP năm 2021 ước tăng 2,58% so với năm 2020, đây là mức tăng thấp nhất trong một thập kỷ qua (từ năm 2011 đến nay). CPI bình quân năm 2021 tăng 1,84% so với bình quân năm 2020 là mức tăng bình quân năm thấp nhất trong 5 năm trở lại đây (giai đoạn 2016-2021), trong đó: Có 5 tháng giảm là tháng 3, 4, 9, 10 và 12; và có tháng 7 tăng là 1, 2, 5, 6, 7, 8 và tháng 11. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 12-2021 giảm 0,18% so với tháng 11-2021.
Lạm phát cơ bản bình quân năm 2021 tăng 0,81% so với bình quân năm 2020. Lạm phát cơ bản tháng 12-2021 tăng 0,16% so với tháng 11-2021, tăng 0,67% so với tháng 12-2020.
Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính), Việt Nam là quốc gia có độ mở cửa hội nhập sâu rộng và toàn diện với thế giới cho nên khả năng nhập khẩu lạm phát thông qua nhập khẩu nguyên nhiên vật liệu đầu vào rất lớn. Hơn nữa, Ngân hàng Trung ương nhiều nước đã có các động thái giảm mua trái phiếu chính phủ và xem xét nâng lãi suất cơ bản trong năm 2022. Điều này có thể sẽ gây khó khăn cho hoạt động huy động vốn và làm cho tốc độ phục hồi kinh tế chậm lại.
Theo Cục Quản lý giá, trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, lạm phát năm 2021 được kiểm soát, tiếp tục đạt mục tiêu Quốc hội và Chính phủ đặt ra. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân cả năm 2021 là 1,84% là một dấu ấn trong công tác quản lý điều hành giá của Chính phủ trong bối cảnh dịch Covid-19.
Cục Quản lý giá cho rằng, việc chủ động trong công tác dự báo, đánh giá tác động, xây dựng kịch bản điều hành giá và tăng cường sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương là yếu tố then chốt giúp cho việc kiểm soát lạm phát năm 2021 ở mức thấp, tạo cơ sở cho việc triển khai đồng bộ các chính sách về tài khóa, tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác.
Nhiệm vụ và giải pháp
Để có thể giữ tốc độ tăng chỉ số CPI ở mức dưới 4% như chỉ tiêu của Quốc hội và tìm cách ổn định thị trường tài chính tiền tệ, tiếp tục hạ thấp tỷ lệ lạm phát, PGS. TS Đinh Trọng Thịnh cho biết đẩy mạnh phòng chống dịch bệnh Covid-19 với các biến thể mới có thể bùng phát trở lại và phòng ngừa các dịch bệnh khác sẽ là tiền đề tốt cho ổn định sản xuất, ổn định thị trường, bình ổn giá cả các mặt hàng.
Ngoài ra, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, tạo nền tảng cho phục hồi và phát triển bền vững của nền kinh tế. Tăng trưởng kinh tế quý 4-2021 sau khi mở cửa trở lại đã đạt mức 5,22% dù nhiều chuỗi cung ứng chưa hồi phục và nhiều ngành nghề dịch vụ vẫn chưa hoạt động trở lại.
Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, việc kiểm soát lạm phát năm 2022 là không dễ dàng. Ông dự báo, CPI có thể tăng khá cao và tăng ngay từ đầu năm. Cảnh báo này xuất phát từ một số yếu tố chủ yếu, như: Nền kinh tế thế giới đã và dần phục hồi, giá cả hàng hóa đang có xu hướng gia tăng; khi kinh tế phục hồi trong năm 2022 dưới tác động của các gói hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế khiến nhu cầu tiêu dùng, đầu tư gia tăng sẽ gây sức ép không nhỏ lên giá cả.
Bên cạnh đó, khả năng điều chỉnh các mặt hàng do Nhà nước quản lý (như giá điện, nước, y tế, giáo dục…) có thể xảy ra, tạo áp lực tăng lạm phát đáng kể đối với Việt Nam. Việc triển khai mạnh Chương trình hỗ trợ phục hồi kinh tế giai đoạn 2022-2023 cũng sẽ là một tác nhân tăng cung tiền và gia tăng lạm phát 2 năm đó và có thể cả năm tiếp theo. Tuy nhiên, lạm phát năm 2022 dự báo vẫn trong tầm kiểm soát theo mục tiêu của Chính phủ.
Cục Quản lý giá cho biết sẽ tiếp tục triển khai toàn diện sửa đổi hoàn thiện thể chế pháp luật về giá, trọng tâm là xây dựng Luật Giá (sửa đổi). Đồng thời, theo dõi sát diễn biến kinh tế thế giới, tình hình lạm phát chung; kịp thời ứng phó trong điều hành sản xuất trong nước, cân đối cung cầu và chính sách xuất nhập khẩu phù hợp, kiểm soát lạm phát trong nước ngay từ những tháng đầu năm 2022.
Đối với giá một số mặt hàng thuộc danh mục Nhà nước định giá, tiếp tục điều hành thận trọng, phù hợp với tình hình thực tế trong từng thời kỳ. Tiếp tục điều hành chính sách tài khóa chủ động, chặt chẽ phối hợp với chính sách tiền tệ linh hoạt để tạo sự hài hòa, hiệu quả, hợp lý với các chính sách kinh tế vĩ mô chung.
Cùng với đó, tăng cường tổng hợp, phân tích, dự báo thị trường giá cả; tăng cường kiểm tra, giám sát kịp thời, xử lý nghiêm các vi phạm về giá, đầu cơ, thao túng giá, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại