Thứ sáu 22/11/2024 07:53

Doanh nghiệp trong danh sách chậm nghĩa vụ thanh toán lãi, nợ gốc trái phiếu sẽ có thời gian cân đối nợ?

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Nghị định 08/2023 của Chính phủ đã có hiệu lực từ ngày 5/3 vừa qua, các điểm mới trong lần sửa đổi này phải kể đến việc cho phép kéo dài kỳ hạn trái phiếu tối đa không quá 2 năm; trả nợ bằng tài sản khác; hoãn thực thi một số điều khoản như quy định nhà đầu tư chuyên nghiệp hoặc tăng thời gian phân phối; giãn xếp hạng tín nhiệm bắt buộc đến đầu năm sau.
Doanh nghiệp trong danh sách chậm nghĩa vụ thanh toán lãi, nợ gốc trái phiếu sẽ có thời gian cân đối nợ?
Đại diện FiinGroup cũng cho rằng đàm phán giữa doanh nghiệp và trái chủ thì việc thoả thuận lại với các nhà đầu tư cá nhân sẽ gặp thách thức lớn, và nên chăng có cần thêm cơ chế hướng dẫn và giám sát để tránh trường hợp đưa nhà đầu tư vào thế khó khi kéo dài thời gian mà vẫn không thu được gì.

Khi đi vào thực tế đàm phán sẽ còn phát sinh nhiều vấn đề

Nhóm phân tích của Chứng khoán VCBS cho rằng, việc có khung pháp lý chính thức giúp cho doanh nghiệp có thêm thời gian và không gian xử lý lượng trái phiếu đến hạn là điểm tích cực trong ngắn hạn đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Tuy nhiên, quá trình được dự báo tương đối phức tạp, phụ thuộc vào từng trường hợp riêng biệt.

Còn theo ông Vương Hoàng Sơn - Giám đốc Khối ngân hàng đầu tư, chứng khoán VNDirect, một số nội dung trong Nghị định có thể dẫn đến vướng mắc phát sinh khi vận hành thực tế, do cách diễn giải khác nhau. Vì thế, cần có thêm những hướng dẫn từ phía các cơ quan quản lý để các bên đưa ra phương án xử lý tối ưu nhất. Nghị định 08 cũng cho phép tạm ngưng một số quy định tại Nghị định 65/2022/NĐ-CP.

Đó là: ngưng quy định xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân; ngưng các quy định về xếp hạng tín nhiệm đối với doanh nghiệp phát hành; ngưng về thời gian để phát hành đối với một đợt trái phiếu. Nhưng, một số nội dung trong Nghị định 65 vẫn đang gây nhiều khó khăn cho thị trường, đặc biệt là yêu cầu kiểm toán định kỳ về mục đích sử dụng vốn trái phiếu.

Nghị định mới dừng áp dụng tiêu chí nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp đến hết năm 2023. Với thay đổi này, cách sàng lọc nhà đầu tư chuyên nghiệp cũng như các chính sách điều chỉnh khác cần được cân nhắc kỹ lưỡng theo trình độ phát triển của thị trường tùy từng giai đoạn. Việc áp dụng các thay đổi quá nhanh và đột ngột có thể dẫn đến đứt gãy trên thị trường.

Về lâu dài, nhà đầu tư chuyên nghiệp cần được xác định chủ yếu là những nhà đầu tư tổ chức và một số ít cá nhân hoạt động chuyên nghiệp trên thị trường tài chính hoặc có tài sản lớn. Tuy vậy, trước khi điều chỉnh tiêu chí sàng lọc đến mục tiêu đó, cần tạo ra các kênh đầu tư khác phù hợp để nắn dòng vốn của nhà đầu tư cá nhân như phát triển các quỹ đầu tư hay mở rộng kênh phát hành trái phiếu ra công chúng. Điều này sẽ giúp quá trình chuyển dịch của thị trường diễn ra mượt mà hơn, không gây sốc cho các chủ thể tham gia.

Về việc dời thời điểm áp dụng tiêu chí nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp, ông Nguyễn Quang Thuân - Chủ tịch Công ty phân tích dữ liệu FiinGroup cho rằng, sẽ tốt nếu trái phiếu phát hành có chất lượng, minh bạch, thu hút nhà đầu tư cá nhân quay lại. Trước mắt, quy định này hỗ trợ cho nhà đầu tư chưa đáp ứng yêu cầu mới, kéo dài 2 năm trái phiếu doanh nghiệp hiện nay. Hi vọng một số nhà đầu tư cá nhân "ít" tiền chứng khoán (<2 tỷ), nhưng nhiều tiền tiết kiệm có thể túc tắc tham gia lại. Nhưng làm sao lãi suất phải đủ cao cho phần bù rủi ro hấp dẫn hơn lãi suất tiết kiệm hiện nay.

Trên thực tế, trước khi có quy định chính thức, các doanh nghiệp cũng đã chủ động thoả thuận về hướng xử lý trái phiếu đến hạn với các trái chủ. Nhiều doanh nghiệp công bố đạt được thoả thuận với trái chủ về việc giãn thời gian thanh toán, cộng thêm lãi suất cho trái chủ, thậm chí đã có doanh nghiệp công bố chuyển đổi trái phiếu thành vốn cổ phần.

Nhắc đến các giải pháp tháo gỡ thì một trong những thay đổi quan trọng lần này là “đẩy” nợ đến tương lai. Tất cả các bên tham gia thị trường, từ trái chủ cho đến công ty phát hành cũng như các bên có liên quan khác, có thêm thời gian để tái cấu trúc nợ. Rất khó đoán định được thị trường tài chính sẽ diễn biến như thế nào, ảnh hưởng chéo ra sao khi trái phiếu doanh nghiệp buộc phải “hạ cánh cứng”.

Hiện nay, áp lực trên thị trường cũng đang ngày càng lớn dần lên khi ngày càng nhiều doanh nghiệp công bố thông tin giao dịch bất thường về việc chậm trả gốc, lãi trái phiếu.

Tính đến ngày 5/3, có khoảng 46 doanh nghiệp nằm trong danh sách chậm nghĩa vụ thanh toán lãi hoặc nợ gốc theo thông báo của Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX). Ước tính của Công ty chứng khoán VNDirect cho thấy tổng dư nợ trái phiếu của các doanh nghiệp này vào khoảng 121.100 tỷ đồng (chiếm gần 12% tổng dư nợ toàn thị trường), trong đó gần 38.500 tỷ đồng sẽ đáo hạn trong năm nay (chiếm 15% tổng giá trị đáo hạn).

Trong khi đó, theo ước tính của FiinGroup, trong 62 lô trái phiếu chậm thanh toán lãi và gốc thì có khoảng 70% là trái phiếu bất động sản. Đây là điểm mà thị trường đang quan tâm bởi chất lượng những trái phiếu này hầu hết là thấp, cũng như những khó khăn và ngành đang gặp phải hiện nay.

Hầu hết các chuyên gia đều cho rằng nền tảng pháp lý mới chỉ là “bước đi đầu tiên” trong hành trình tái cơ cấu nợ trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ đến hạn trả nợ. Các bước tiếp theo nhằm xử lý lượng trái phiếu chậm thanh toán gốc lãi sẽ bao gồm quá trình đàm phán các điều khoản, tài sản khác giữa trái chủ và doanh nghiệp phát hành. Thực tế thì luật mới cũng quy định rằng trong trường hợp có trái chủ không chấp thuận phương án đàm phán, kể cả đã có trên 65% đại diện tổng số trái phiếu chấp thuận, thì doanh nghiệp vẫn phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ theo phương án phát hành đã công bố từ đầu.

Điều này nghĩa khi đi vào thực tế đàm phán sẽ còn phát sinh nhiều vấn đề, đặc biệt là khi có rất nhiều trái chủ là nhà đầu tư cá nhân. Liệu họ có đồng ý cho hoãn trả nợ trong lúc này? Hay câu chuyện khác là định giá tài sản như thế nào để chuyển đổi? Nếu là bất động sản thì là gì, sản phẩm căn hộ, đất nền hay vẫn còn nằm ở tài khoản xây dựng dở dang?

Đại diện FiinGroup cũng cho rằng ở góc độ này thì việc thoả thuận lại với các nhà đầu tư cá nhân sẽ gặp thách thức lớn, và nên chăng có cần thêm cơ chế hướng dẫn và giám sát để tránh trường hợp đưa nhà đầu tư vào thế khó khi kéo dài thời gian mà vẫn không thu được gì. Do đó, các chuyên gia đều cho rằng thị trường còn nhiều vấn đề cần phải giải quyết trong thời gian tới.

Cánh cửa hẹp được hé mở nhưng vẫn chưa đủ

Nhóm phân tích của Công ty chứng khoán Maybank IB đề cập đến vấn đề quan trọng khác là câu chuyện dòng tiền để tái cấu trúc nợ của bất động sản.

Dòng tiền trái phiếu trong thời gian qua đến từ các định chế tài chính, bao gồm ngân hàng và công ty chứng khoán (nhóm mua nhiều trái phiếu trong thời gian qua) và nhóm nhà đầu tư cá nhân. Nhưng ở thời điểm hiện tại thì niềm tin của các nhà đầu tư nhỏ lẻ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, vì vậy chỉ có các ngân hàng là có thể mua trái phiếu doanh nghiệp.

Tuy nhiên, quy định hiện nay là ngân hàng không được phép mua trái phiếu doanh nghiệp có mục đích cơ cấu nợ. Trong khi đó, dòng tiền từ việc phát hành mới cũng gặp khó khi thị trường bất động sản đang điều chỉnh, thậm chí có nguy cơ “rớt sâu”. Các thách thức hiện nay (và nhiều khả năng trong trung hạn) là chi phí phát hành duy trì ở mức cao, áp lực thanh khoản với các doanh nghiệp khi phải mua lại trái phiếu trước hạn, giữ hàng tồn kho.

Do đó, Maybank IB đề xuất cần thêm các giải pháp khác để khơi thông thị trường trái phiếu doanh nghiệp, liên quan đến việc cho phép ngân hàng tham gia là nhà tạo lập thị trường cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp, vì hiện có sự chồng chéo giữa các quy định. Cần có nhiều hành động hơn nữa, đặc biệt là các hành động hỗ trợ thanh khoản, sau đó là hành động trong các quy định của ngành ngân hàng và bất động sản.

Hiện được giới bất động sản đặt kỳ vọng có thể tiếp cận được dòng vốn tín dụng từ ngân hàng, hoặc ít nhất cũng được hỗ trợ bằng cách không hạ nhóm nợ xấu để tránh tình huống chi phí tín dụng tăng cao, thậm chí không được vay. Nhưng dù sao việc thoả thuận trái chủ chỉ là giải pháp giải quyết tình huống.

Về dài hạn, nhóm doanh nghiệp bất động sản buộc phải có dòng tiền từ hoạt động kinh doanh. Do đó không thể thiếu đi các gói hỗ trợ khác như tháo gỡ pháp lý, cũng như bản thân doanh nghiệp cũng phải nỗ lực tái cơ cấu, thu tiền bằng nhiều biện pháp khác nhau để gỡ khó về dòng tiền.

Đề xuất phương án tháo gỡ khó khăn cho người lao động trong doanh nghiệp nợ BHXH
Có thể thanh toán gốc, lãi trái phiếu đến hạn bằng tài sản khác
Ngô Sơn
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động