Doanh nghiệp mong chờ chương trình tổng thể phục hồi kinh tế
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênCác DN cần có một chương trình tổng thể phục hồi được thiết kế khoa học, sát với nhu cầu và điều kiện của các DN để có tính khả thi trong thực hiện |
Triển vọng và thách thức
Tại Diễn đàn Doanh nghiệp 2022: Nhận diện thị trường và phương thức thích ứng, ông Đặng Xuân Quang - Phó GĐ Trung tâm Thông tin Dự báo kinh tế - xã hội, Bộ Kế hoạch Đầu tư, nhận định: Nền kinh tế thế giới sẽ phục hồi tích cực từ năm 2022, qua đó thúc đẩy thương mại hàng hóa và đầu tư.
Với các chủ trương, chính sách và sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ trong bối cảnh mới, thúc đẩy hồi phục và tăng trưởng kinh tế trong dài hạn, dự báo nền kinh tế Việt Nam sẽ có sự phục hồi khởi sắc trong năm 2022.
Nhận định về các ngành kinh tế của Việt Nam có triển vọng hồi phục và phát triển trong năm 2022, ông Quang, cho cho biết, đầu tư công sẽ tiếp tục được thúc đẩy để đóng vai trò kích thích đầu tư tư nhân, tập trung vào cơ sở hạ tầng, đổi mới sáng tạo kỹ thuật số, đường bộ…sẽ kéo theo nhu cầu phát triển vật liệu xây dựng và lĩnh vực khác.
Nhóm ngành hàng được kích thích do phục hồi nhu cầu tiêu thụ trong nước sau giãn cách xã hội như thực phẩm, đồ uống, bán lẻ và hàng không cũng sẽ có triển vọng hồi phục. Nhóm ngành có tỷ trọng xuất khẩu lớn sẽ có thể tận dụng được cơ hội phục hồi trên thế giới do nhu cầu hàng hóa dịch vụ hồi phục theo, hoạt động xuất khẩu điện tử, dệt may, thủy sản, gỗ, cao su, sắt thép… của Việt Nam có thể hưởng lợi.
Bên cạnh đó, nhóm ngành thương mại điện tử và logistics cũng có triển vọng nhờ tận dụng yếu tố phục hồi thị trường thế giới, tận dụng cơ hội từ các FTA, sản xuất trong nước phục hồi… sẽ kéo theo gia tăng nhu cầu giao dịch, mua bán, vận chuyển thúc đẩy logistics hồi phục.
Tuy nhiên, GS.TS Nguyễn Đức Khương, Chuyên gia kinh tế, Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ cho rằng, trong khung cảnh, bối cảnh địa chính trị hiện nay thì triển vọng phát triển kinh doanh trong năm tới tiềm ẩn khá nhiều yếu tố rủi ro trước những bất ổn trước những động thái và sự dẫn dắt của Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Anh, Australia.
Theo ông Khương, môi trường kinh tế toàn cầu vẫn tiếp tục chịu những tác động sâu rộng trong năm thứ ba của đại dịch Covid-19; đặc biệt, là áp lực tăng trưởng ổn định và cân bằng xã hội. Bên cạnh đó, áp lực về lạm phát gia tăng sau khi nhiều gói giải cứu, hỗ trợ được thực hiện từ đầu năm 2020 tới nay…
Doanh nghiệp cần các chính sách hỗ trợ ổn định
Theo GS.TS Nguyễn Đức Khương, Việt Nam có thể học hỏi một số kinh nghiệm từ các DN đến từ một số nền kinh tế lớn trên thế giới để các DN có thể thích ứng tốt hơn trước những thách thức. Các DN tại Singapore đã đầu tư mạnh mẽ vào số hóa, bao gồm phát triển năng lực kĩ thuật số cho hệ thống DN; số hoá chuỗi cung ứng.
Bên cạnh đó, việc đào tạo kỹ năng được các DN Singapore triển khai trên quy mô lớn để giải quyết vấn đề gián đoạn sản xuất, cung ứng, và thay đổi việc làm hậu Covid -19 một cách hiệu quả đối với cả DN và người lao động.
Trước xu thế mới được dự kiến, GS.TS Nguyễn Đức Khương cho rằng, cần tiếp tục tập trung nâng cao năng lực y tế dự phòng, đặc biệt là để ứng phó với những diễn biến bất thường và khó dự đoán của dịch bệnh. Cùng với đó, củng cố lực lượng lao động và tập trung nâng cao trình độ, chất lượng nguồn nhân lực để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.
Ngoài ra, giải quyết những vấn đề, thách thức do gián đoạn sản xuất, gián đoạn chuỗi cung ứng trong phạm vi khu vực và toàn cầu. Tập trung số hóa đối với tất cả các DN, kể cả DN nhỏ và vừa cho tới những tập đoàn lớn.
Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI, cho rằng, để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội mà Chính phủ, Quốc hội đề ra, đòi hỏi sự nỗ lực và quyết liệt của số đông cộng đồng DN. Chắc chắn, quá trình phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh của DN trong điều kiện bình thường mới cũng sẽ mất nhiều thời gian.
Do vậy, các DN đều mong mỏi, các cơ chế chính sách hỗ trợ cần phải có sự ổn định và phù hợp; cần có một chương trình tổng thể phục hồi được thiết kế khoa học, sát với nhu cầu và điều kiện của các DN để có tính khả thi trong thực hiện.
Các DN cần coi thách thức cũng là động lực, từ đó nâng cao năng lực quản trị, nâng cao năng lực ứng phó với các biến động của thị trường, đẩy mạnh chuyển đổi số và cơ cấu lại lao động theo hướng bền vững.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại