Doanh nghiệp gặp khó khăn khi tham gia đấu thầu công
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênHội thảo “Đấu thầu mua sắm công từ góc nhìn của DN” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (UNDP) tổ chức |
Những khó khăn mà DN thường gặp là gì?
Ông Đậu Anh Tuấn - Ủy viên Ban Thường trực, Phó Tổng Thư ký Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam cho biết: “Nghiên cứu này nhằm tìm hiểu, những vấn đề, vướng mắc cụ thể cộng đồng DN đang gặp phải khi tham gia hoạt động đấu thầu mua sắm công tại địa phương, từ đó tìm kiếm giải pháp tháo gỡ, khắc phục, góp phần tăng cường tính minh bạch, hiệu lực, hiệu quả pháp luật về đấu thầu mua sắm công và công tác thực hiện, đồng thời góp phần cải thiện môi trường kinh doanh tại Việt Nam”.
Báo cáo khảo sát tập trung đánh giá hai vấn đề chính trong mua sắm đấu thầu công, gồm: Đánh giá của DN về quá trình thực hiện thủ tục đấu thầu mua sắm công tại địa phương và đánh giá việc giải quyết kiến nghị, khiếu nại, tố cáo.
Báo cáo nhận định, tình trạng DN chi trả chi phí ngoài quy định để tăng khả năng trúng thầu là khá phổ biến. Khoảng 34,4% DN cho biết, sẵn sàng chi trả chi phí ngoài quy định để tăng khả năng trúng thầu. Tỷ lệ DN sẵn sàng trả chi phí ngoài quy định để đảm bảo trúng thầu có mối quan hệ mật thiết với độ mở của hình thức lựa chọn nhà thầu, gói thầu mà DN tham gia. Đối với hình thức lựa chọn nhà thầu có số lượng nhà thầu hạn chế như đấu thầu hạn chế hay chỉ định thầu, tỷ lệ DN tỏ ra sẵn sàng chi “hoa hồng” để có mặt trong danh sách nhà thầu cũng như để tăng khả năng trúng thầu là cao hơn. Trong khi với hình thức đấu thầu rộng rãi, tỷ lệ DN sẵn sàng chi trả “hoa hồng” thấp hơn do loại hình này mang tính chất cạnh tranh và không hạn chế nhà thầu tham gia.
Khảo sát 2021 cho thấy, 25,5% DN chủ động chi trả chi phí không chính thức khi tham gia đấu thầu, khoảng 10,3% cho biết, do cán bộ phụ trách đấu thầu của bên mời thầu, chủ đầu tư gợi ý. Đáng lưu ý, có tới 58,9% DN cho biết, việc chi trả chi phí không chính thức khi tham gia đấu thầu là “luật bất thành văn” mà DN phải tự hiểu khi tham gia đấu thầu.
Liên quan tới cảm nhận được đối xử công bằng giữa các nhà thầu, hơn một nửa số DN cho rằng, họ bị đối xử thiếu công bằng. Có mối quan hệ mật thiết giữa tỷ lệ DN cho biết bị đối xử thiếu công bằng so với các bên tham gia khác và tỷ lệ DN sẵn sàng chi trả chi phí ngoài quy định khi xét theo cơ quan mời thầu và hình thức lựa chọn nhà thầu đối với gói thầu tham dự.
Những con số phản ánh mức độ phổ biến của chi phí ngoài quy định trong hoạt động đấu thầu y tế nêu trên là rất đáng quan ngại. Kết quả đó cho thấy, hoạt động phòng chống dịch bệnh trong thời gian qua có thể bị một số cá nhân và tổ chức lợi dụng để mưu lợi bất chính. Điều này không chỉ vi phạm pháp luật, làm mất tính cạnh tranh lành mạnh của hoạt động đấu thầu mà còn làm giảm hiệu quả công tác ứng phó đại dịch của cả nước, làm mất niềm tin của Nhân dân, đặc biệt đối với y đức của những cán bộ ngành y tế.
Cần hoàn thiện khung khổ pháp lý cho hoạt động đấu thầu
Nhìn rộng hơn, y tế có thể chỉ là một trong các lĩnh vực đấu thầu bị phát hiện tiêu cực do được đặc biệt chú ý trong 2 năm gần đây. Nhiều lĩnh vực khác như đầu tư, xây dựng, giáo dục, tài nguyên môi trường, mua sắm thường xuyên của các cơ quan Nhà nước, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang, đơn vị sự nghiệp công lập, mua sắm của các DN Nhà nước... cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ sai phạm nếu không được giám sát chặt chẽ.
Điều này càng cho thấy, tầm quan trọng của việc hoàn thiện khung khổ pháp lý cho hoạt động đấu thầu. Luật Đấu thầu (sửa đổi) đang trong thời gian xây dựng được kỳ vọng sẽ giúp các thủ tục đấu thầu minh bạch hơn, hạn chế các tiêu cực trong công tác lựa chọn nhà thầu, làm rõ trách nhiệm cá nhân của người đưa ra quyết định lựa chọn hình thức đấu thầu, của người đứng đầu chủ đầu tư, bên mời thầu, tổ chuyên gia, tổ thẩm định và tăng cường quy trình, trách nhiệm thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, giám sát hoạt động đấu thầu và chế tài xử lý vi phạm trong đấu thầu.
Trong khi đó, DN vẫn còn e dè khi kiến nghị xem xét lại kết quả lựa chọn nhà thầu và những vấn đề liên quan. Với những DN lựa chọn gửi kiến nghị, khiếu nại, tố cáo khi có vướng mắc, kết quả khảo sát cho thấy dường như các DN lâu năm được giải quyết vướng mắc thỏa đáng hơn so với các DN mới thành lập.
Một trong những nguyên nhân chủ yếu tại sao DN lựa chọn giải pháp không kiến nghị xem xét lại khi có vướng mắc là họ e ngại thủ tục kiến nghị phức tạp. Các lý do khác được DN đưa ra bao gồm chi phí và công sức kiến nghị tốn kém so với lợi ích thu lại, lo ngại bị đối xử bất công trong tương lai, chưa tin tưởng vào việc giải quyết kiến nghị của bên mời thầu, chủ đầu tư, người có thẩm quyền và xử lý tố cáo của cơ quan quản lý Nhà nước.
Báo cáo đã khuyến nghị, cần sửa đổi Luật Đấu thầu theo hướng tăng cường tính công khai và minh bạch trong mua sắm đấu thầu công thông qua tăng cường sử dụng các biểu mẫu đấu thầu công mang tính cạnh tranh và công khai kết quả lựa chọn nhà thầu và hợp đồng kết hợp với việc tối ưu hóa sử dụng công nghệ cao (hệ thống đấu thầu công điện tử) trong hoạt động tổ chức và quản lý đấu thầu.
Những khó khăn mà DN thường gặp nhiều nhất bao gồm thời gian chuẩn bị (nộp) hồ sơ dự thầu quá ngắn, thư mời thầu không công bố rộng rãi, điều kiện thực hiện hợp đồng quá khó, tiêu chuẩn về năng lực và kinh nghiệm nhà thầu khó bất thường, tiêu chí phụ không thỏa đáng, khó/không mua được hồ sơ mời thầu. Các vấn đề khó khăn càng phổ biến hơn đối với các DN tham gia các gói đấu thầu của các cơ sở y tế công lập. |
Nhân rộng đấu thầu công khai "sữa học đường" tại Hà Nội, tiết kiệm hàng nghìn tỷ đồng | |
Đấu thầu công khai, tiết kiệm nghìn tỷ |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại