Đoàn làm phim “Chuyện làng Bồm” bị xử phạt vì tô vẽ lên giếng cổ Đường Lâm
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênGiếng cổ làng Đường Lâm bị tô vẽ làm mất đi nét rêu phong, cổ kính vốn có. Ảnh: Đỗ Doãn Hoàng |
Ông Trương Đức Thắng đã có hành vi viết, vẽ, làm bẩn, di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, quy định tại khoản 1 điều 20 nghị định 38/2021/NĐ-CP ngày 29-3-2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo.
Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND xã Đường Lâm yêu cầu ông Trương Đức Thắng khắc phục hậu quả, khôi phục hiện trạng ban đầu của giếng cổ bên đình làng Mông Phụ, Làng cổ Đường Lâm.
Đây cũng là biện pháp răn đe đối với các đoàn làm phim khác, các tổ chức, cá nhân khi đến Làng cổ Đường Lâm thực hiện các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, không tự ý tác động, vi phạm vào di tích.
Trước đó, đoàn làm phim “Chuyện làng Bồm” đã tự ý vẽ lên thành giếng đình thôn Mông Phụ bằng vật liệu vôi màu để làm bối cảnh. Người dân trong làng đã rất bức xúc và không đồng ý cho đoàn làm phim này quay tiếp. Theo họ, giếng cổ Đường Lâm không chỉ là di tích cổ, mà còn có ý nghĩa về giá trị văn hóa cũng như giá trị tâm linh mà người dân nơi đây cố gắng gìn giữ bao đời nay. Vì vậy, dù đoàn phim xin bà con cho họ quay nốt nhưng không nhận được sự đồng ý.
Ông Trương Đức Thắng, đại diện đoàn phim "Chuyện làng Bồm" cũng thừa nhận khi về làm việc tại làng cổ Đường Lâm, đoàn phim mới chỉ tiến hành báo cáo chính quyền địa phương bằng miệng và chưa thực hiện báo cáo Ban quản lý di tích làng cổ.
Để thực hiện các cảnh quay, đoàn phim đã tự ý vẽ lên thành giếng đình thôn Mông Phụ bằng vật liệu vôi màu để làm bối cảnh. Việc tác động lên giếng cổ chưa báo cáo và được sự đồng ý của chính quyền địa phương. Đại diện của đoàn phim thừa nhận hành động trên là "thiếu sót và sẽ nghiêm túc rút kinh nghiệm". Ông Thắng cũng cam kết hoàn trả lại nguyên vẹn hiện trạng ban đầu của giếng cổ.
Ông Nguyễn Đăng Thạo - Trưởng Ban Quản lý di tích Làng cổ Đường Lâm cho biết, cái sai của đoàn làm phim là do nhận thức, họ muốn tạo bối cảnh chiếc giếng đá ong trông như mới để hợp với bối cảnh đoàn làm phim. Trước sự việc trên, Ban Quản lý di tích Làng cổ Đường Lâm đã yêu cầu dừng, đình chỉ, không tiếp tục quay phim nữa. Ngoài ra đoàn phim phải khắc phục, hoàn trả lại hiện trạng ban đầu của chiếc giếng.
Hiện tại, đoàn làm phim đã khắc phục hậu quả sau màn “hóa trang” cho giếng cổ nhưng phải mất một thời gian nữa, giếng mới có thể quay lại hiện trạng ban đầu, đặc biệt là nét cổ kính, rêu phong vốn có.
Đáng nói, giếng cổ này nằm trong khu vực bảo vệ cấp 1, phải được bảo vệ nguyên trạng về mặt bằng và không gian, tuân thủ theo Luật di sản văn hóa. Ngay cả trường hợp đặc biệt có yêu cầu xây dựng công trình trực tiếp phục vụ việc bảo vệ và phát huy giá trị di tích, cũng phải được sự đồng ý bằng văn bản của các cơ quan chức năng.
Việc đoàn làm phim tự ý bôi vẽ lên thành giếng để quay phim mà chưa xin phép thể hiện sự thiếu chuyên nghiệp trong làm việc và thiếu tôn trọng bà con cũng như di tích cổ này. Bởi, giếng cổ làng Đường Lâm không chỉ là biểu tượng của văn hóa, tâm linh mà còn tài sản vô giá của người dân làng Đường Lâm.
Việc các đoàn phim đến đây quay phim sẽ góp phần quảng bá hình ảnh của làng cổ. Tuy nhiên, mọi sự can thiệp về diện mạo, quang cảnh,... của làng cổ phải có sự đồng ý của cơ quan chức năng. Các đoàn làm phim phải nghiêm túc tuân thủ những quy định về giữ gìn, bảo vệ di tích. Có như vậy mới tránh gây tranh cãi, bức xức không đáng có, cũng như ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh, sự uy tín của đoàn làm phim, bộ phim. Một bộ phim tai tiếng từ quá trình sản xuất sẽ khó lòng được khán giả đón nhận và ủng hộ.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại