Thứ sáu 08/11/2024 07:25

Dỡ rào cản về thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
(PL&XH) - Góp ý xây dựng Dự án Luật Hải quan sửa đổi ngày 30-5, đại biểu (ĐB) Trương Văn Vở (Đồng Nai) cho rằng, Dự án cần hạn chế thấp nhất tình trạng “luật khung” gây cản trở quá trình cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan.


Theo ĐB Trương Văn Vở, cốt lõi của Dự án Luật Hải quan sửa đổi là các quy định về thủ tục hành chính (TTHC) và một trong những yêu cầu của việc sửa đổi Luật Hải quan là nhằm tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho đối tượng áp dụng. Đáp ứng yêu cầu này, Dự Luật đã quan tâm quy định về thực hiện thủ tục hải quan điện tử là hình thức phổ biến, thay cho thủ tục hải quan thủ công bán điện tử như hiện nay.

Đây là phương thức hải quan đang được các nước phát triển áp dụng. Thực tiễn triển khai tại một số địa phương cũng đã cho thấy những chuyển biến tích cực về thủ tục và quản lý kiểm soát hải quan. Tuy nhiên, theo đánh giá của ĐB, Dự thảo Luật lại chưa quy định đậm nét trách nhiệm của ngành hải quan trong việc bố trí nguồn lực để đầu tư trang thiết bị, ứng dụng công nghệ thông tin đồng bộ với yêu cầu đào tạo cán bộ và tinh gọn biên chế bộ máy.


Cải cách hành chính nhằm tạo thuận lợi tối đa cho DN trong quá trình làm thủ tục hải quan. Ảnh: T. Hải


“Cần bổ sung quy định rõ về trách nhiệm tổ chức, cá nhân có liên quan trong quản lý Nhà nước về hải quan, quan trọng là trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành trong xây dựng thực hiện các TTHC điện tử để thực hiện cấp phép thông báo kết quả kiểm tra theo cơ chế một cửa. Trách nhiệm của các cơ quan liên quan trong việc bố trí diện tích để thành lập địa điểm làm thủ tục hải quan thuận lợi như khu vực xếp, dỡ hàng hóa, khu vực kiểm tra thực tế hàng hóa... khi quy hoạch xây dựng cảng, khu kinh tế, khu công nghệ cao, khu công nghiệp” – ĐB Trương Văn Vở đề nghị.

ĐB cũng đề nghị quan tâm bổ sung các chính sách cụ thể trong dự án luật để nhằm hạn chế thấp nhất tình trạng “luật khung” và khắc phục sự thiếu thống nhất khi ban hành văn bản vi phạm pháp luật dưới luật gây khó khăn làm ảnh hưởng đến công tác quản lý, giám sát của cơ quan hải quan. Chẳng hạn vấn đề dán nhãn năng lượng, sản phẩm hàng tiêu dùng, như vấn đề kiểm soát nhập khẩu công nghệ máy móc, thiết bị đã qua sử dụng, như thủ tục hải quan đối với hàng nhập khẩu để gia công, sản xuất hàng xuất khẩu… cần quy định rõ chế độ giám sát từ khâu nhập khẩu nhiên liệu, sản xuất ra sản phẩm đến khi xuất khẩu sản phẩm đối với loại hàng hóa này. Vì đây là danh mục hàng hóa hưởng chính sách thuế ưu đãi, cần ưu đãi đúng đối tượng, đúng mục đích.

Trong khi đó ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) thẳng thắn, việc khoản 4, Điều 22 của Dự thảo quy định “cơ quan hải quan thực hiện thủ tục hải quan đối với hàng hóa ngoài giờ làm việc, ngày lễ, ngày nghỉ trên cơ sở đề nghị của người khai hải quan và phù hợp với điều kiện thực tế của cơ quan hải quan” rất dễ tạo ra cơ chế độc quyền, “xin-cho”. Thực tế các hoạt động xuất nhập cảnh, quá cảnh của các phương tiện vận tải đường biển, đường hàng không diễn ra 24/24g các ngày trong tuần, kể cả ngày lễ, ngày nghỉ. Do đó để tạo thuận lợi hơn nữa cho hoạt động xuất nhập khẩu của DN, Luật cần quy định rõ các cơ quan quản lý chuyên ngành tại cửa khẩu có trách nhiệm bố trí bộ phận làm việc ngoài giờ để làm thủ tục cho phương tiện xuất cảnh, nhập cảnh lưu thông hàng hóa.

Cuối năm 2015 sẽ có Luật Biểu tình
Chiều 30-5, với 424/436 (85,14%) ý kiến tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2015, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khóa XIII và năm 2014 của Quốc hội. Theo đó, một số luật liên quan đến quyền con người, quyền công dân như Dự án Luật về Hội, Dự án Luật Tiếp cận thông tin… đã được vào chương trình nghị sự chính thức, đẩy nhanh tiến độ trình Quốc hội so với dự kiến trước đó. Đáng chú ý, trong số này, Quốc hội nhất trí cao với chủ trương bổ sung Dự án Luật Biểu tình vào kỳ họp thứ 9 (đầu năm 2015) và thông qua ở kỳ họp thứ 10 (cuối năm 2015).
Trước đó, Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP HCM) nhấn mạnh, lâu nay Nhà nước bảo vệ quyền và hoạt động biểu tình nhưng Việt Nam vẫn chưa có khung pháp lý để áp dụng nên khi có biểu tình thì dẫn đến tình trạng lúng túng; thậm chí khi có hành vi bạo động, bạo loạn gây ra nhiều bất cập, thiệt hại trong hoạt động sản xuất, cuộc sống.
Báo cáo tổng hợp ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ về dự kiến điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII năm 2014 và Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2015 cho biết, đã có 19 ý kiến (ở 11 tổ) đề nghị đưa Luật Biểu tình vào chương trình. Trong đó, nhiều ý kiến đề nghị có thể cho ý kiến về Dự án Luật Biểu tình ngay tại kỳ họp thứ 8, thông qua tại kỳ họp thứ 9.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường nhấn mạnh, biểu tình là một quyền cơ bản được quy định trong Hiến pháp. Hiến pháp đã quy định đối với những quyền cơ bản đó thì chỉ có thể bị hạn chế bằng luật thôi, không thể mãi sử dụng nghị định được.


T. Hải – T.An

Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động