Diễn viên trẻ giữ lửa nghệ thuật tuồng truyền thống
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênGiải thưởng “Diễn viên xuất sắc nhất” cuộc thi Tài năng diễn viên Tuồng và Dân ca kịch toàn quốc năm 2020 do Cục Nghệ thuật biểu diễn phối hợp Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam xướng tên Trần Tuấn Hiệp. Chàng trai SN 1998, quê gốc Hưng Yên đã có một vai diễn Kim Lân thăng hoa trong vở “Kim Liên qua đèo”.
Đối với riêng Hiệp, vai Kim Lân dường như có duyên giải thưởng khi em từng đạt giải “Diễn viên xuất sắc nhất” tương đương Huy chương vàng trong cuộc thi “Tài năng trẻ toàn quốc” và giải đặc biệt vào năm thứ 2 trường ĐH Sân khấu điện ảnh Hà Nội trong vở “Sơn Hậu”.
Điểm khác biệt tại cuộc thi “Tài năng diễn viên Tuồng và Dân ca kịch toàn quốc” ngoài tuân thủ nguyên mẫu, Hiệp cũng có sáng tạo thêm về phong cách biểu diễn như một số động tác té ngồi… Phần trình diễn kéo dài gần 18 phút có cả hát, múa và nhiều kỹ thuật khó, mỗi câu hát Hiệp thốt lên vẫn luôn tròn vành, rõ chữ phối hợp với lối diễn nhiều biến hóa.
Em khai thác sâu yếu tố cơ bản của nghệ thuật tuồng kết hợp yếu tố thanh - sắc - thục - tinh - khí - thần để mang đến phần trình diễn thăng hoa, đánh thức cảm xúc của khán giả. Cống hiến hết mình trên khấu nhưng khi tấm màn nhung khép lại cũng là lúc, Hiệp trở về với bao bộn bề của cuộc sống.
![]() |
Tuấn Hiệp vào vai diễn Tiết Giao trong vở “Võ Tam Tư”. Ảnh: Vi Giáng |
Căn tập thể của Nhà hát Tuồng Việt Nam là nơi sinh sống của nhiều cán bộ, công nhân viên, diễn viên trong Nhà hát. Ngay từ thời điểm lên nhập trường và 4 năm học trên Hà Nội, Hiệp và 33 sinh viên thuộc lớp đào tạo nguồn được Nhà hát tạo điều kiện ăn, ở và không phải đóng học phí.
Mặc dù Nhà hát Tuồng Việt Nam có kế sách “trải thảm đỏ” cho những người trẻ đầy nhiệt huyết từ đề án đào tạo lớp học chuyên biệt về tuồng, đến nay chỉ có vỏn vẹn 28 sinh viên trụ lại với ngành học và làm nghề. Họ là lớp diễn viên trẻ đồng đều về tài năng, lứa tuổi trong đoàn biểu diễn thể nghiệm được kỳ vọng là những hạt giống kế cận đội ngũ trẻ hóa cho sân khấu tuồng.
Nếu trên sân khấu Tuấn Hiệp khoác lên những vai diễn thời thương, vai đức vua uy nghiêm, vị tướng oai hùng… thì ở vai diễn ngoài đời là sự hối hả hòa mình vào dòng đời mưu sinh, hối hả với miếng cơm, manh áo bằng nghề tay trái. Diễn viên Tuấn Hiệp chia sẻ: “Để trang trải cuộc sống, tôi đi làm thêm MC đám cưới, làm ca sĩ. Công việc chỉ làm ngoài giờ, ưu tiên hàng đầu vẫn là công việc tại nhà hát. Nhiều anh em nghệ sĩ còn đi làm xe ôm, buôn bán online, nhận đi đóng quảng cáo, cùng bạn bè lập ra đội lân vừa biểu diễn trong các chương trình, sự kiện, vừa đào tạo cho các lò võ…”.
Nhiều năm nay, lớp diễn viên tuồng ra trường là hệ trung cấp 4 năm, bởi vậy các diễn viên sau khi hợp đồng làm việc tại Nhà hát chỉ nhận mức lương theo bằng cấp cùng với số tiền biểu diễn dịch vụ. Giữa đợt dịch Covid-19, các suất diễn dịch vụ cho khách quốc tế cắt giảm, cùng với loại hình nghệ thuật tuồng kén khán giả, số vé bán được không nhiều và các diễn viên lựa chọn nghề tay trái để giữ lửa nghề.
Trước khi bén duyên với tuồng, Hiệp từng được gia đình định hướng học ngành cảnh sát biển. Đúng đợt đó, Nhà hát Tuồng Việt Nam mở lớp đào tạo diễn viên chuyên biệt về tuồng, Hiệp có cơ hội thử sức. Vốn có giọng hát hay và gương mặt điển trai, Hiệp nhanh chóng tỏa sáng và trở thành sinh viên ưu tú.
Sau tốt nghiệp, chính thức bước chân vào sân khấu chuyên nghiệp, Hiệp gặt hái được 1 Huy chương bạc hội diễn chuyên nghiệp toàn quốc và giải diễn viên xuất sắc tương đương Huy chương vàng trong cuộc thi Tài năng trẻ toàn quốc. Nhiều thế hệ nghệ sĩ thường nhắc đến Hiệp với niềm cảm phục xen lẫn tự hào, bởi Hiệp là diễn viên đầu tiên nhận giải thưởng trong hội diễn chuyên nghiệp toàn quốc ở lứa tuổi trẻ.
Tại nhà hát, Hiệp thường được giao vai kép chính và là cơ hội để Hiệp nuôi dưỡng niềm đam mê với nghề. Đối với Hiệp, khi được giao vai diễn nào, Hiệp cũng dành thời gian nghiên cứu tiểu sử nhân vật, định trang phong cách diễn xuất cùng với sự sáng tạo, học hỏi. Thời điểm hiện tại, Hiệp đang tham gia 2 vở diễn Thạch Sanh trong vở “Thạch sanh” do chi đoàn thanh niên của Nhà hát dựng và vở “Tam khúc công chúa” do gia tộc họ Khúc đặt hàng.
Bày tỏ trăn trở về nghệ thuật truyền thống, Tuấn Hiệp cho hay: Rạp Hồng Hà (51A Đường Thành, Hà Nội) là “địa chỉ đỏ” cho du khách quốc tế, nhưng nay tạm hoãn chương trình du lịch, chỉ hoạt động khi có dịp quan trọng như báo cáo vở diễn hay bán vé, nhà hát thường xuyên đi lưu diễn và diễn vùng sâu, vùng xa.
Cùng với sự cạnh tranh của nhiều loại hình nghệ thuật dễ xem, dễ hiểu và dễ cảm nhận, vì vậy, nghệ thuật truyền thống nói chung, và nghệ thuật tuồng nói riêng đang có nguy cơ bị mai một. Nhằm đưa nghệ thuật truyền thống tới gần hơn với công chúng, cần sự quan tâm của Đảng và Nhà nước thông qua các hoạt động biểu diễn học đường cho sinh viên và tiếp cận truyền thông, giá trị nghệ thuật truyền thống của Việt Nam sẽ được lưu giữ và phát triển.
![Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại](/modules/frontend/themes/plxh/images/pc/qr-code.jpg?v=2.620250124154516)
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại