Thứ ba 14/05/2024 18:53

Điện ảnh Việt năm 2020: Vài điểm sáng trong một năm nhiều khoảng lặng!

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Năm 2020, khi nền công nghiệp điện ảnh thế giới bị ảnh hưởng hết sức nặng nề vì đại dịch Covid-19, các nhà sản xuất phim trong nước vẫn nỗ lực để có phim nội ra rạp quanh năm. Sự khởi sắc của nhiều phim Việt cuối năm đã cho chúng ta hi vọng về việc phim nội cứu rạp nội. Tuy nhiên, công bằng mà nói, điện ảnh năm 2020 vẫn nhiều khoảng lặng, mà chất lượng phim vẫn trầm nhiều hơn sáng.

Số lượng phim giảm phân nửa

Một điều đáng khích lệ là giới sản xuất và phát hành phim Việt vẫn đang nỗ lực đưa các bộ phim ra rạp phục vụ khán giả nội địa, ngay cả khi thị trường phim ảnh thế giới đóng băng trầm trọng. Khi chưa dự báo được khả năng quay lại rạp của khán giả, chính các nhà sản xuất Hollywood cũng rất… lo ngại, hầu hết họ chọn giải pháp “ém hàng” hoặc đẩy hàng loạt phim lên chiếu mạng dù biết điều đó đe dọa số phận của rạp chiếu phim. Thế nhưng khán giả Việt vẫn có phim nội để xem.

Tuy nhiên, điều khó tránh khỏi là năm nay lượng phim sụt giảm quá nửa và ít đại diện nổi bật. Những năm gần đây, lượng phim Việt ra rạp đạt trên dưới 40 phim/năm. Năm 2019 là 45 phim. Còn năm nay, tính đến giữa tháng 12, mới có 22 phim ra rạp, số lượng chỉ đạt một nửa. Trong tháng 12, chỉ có 2 phim: “Người cần quên phải nhớ” và “Chị Mười Ba: 3 ngày sinh tử”.

Ngay từ những ngày đầu năm, các phim chiếu Tết 2020 đều không quá xuất sắc. Đó là thất bại có thể nhìn thấy trước của “Bí mật đảo linh xà”, “30 chưa phải Tết”, “Tiền nhiều để làm gì” với chất lượng tệ. “Đôi mắt âm dương” khá hơn nhưng không bùng nổ doanh thu. Trong bối cảnh đó, “Gái già lắm chiêu 3” đã vươn lên đạt doanh thu trăm tỷ (165 tỷ đồng, theo số liệu của nhà làm phim).

Sau mùa Tết, do Covid-19, thị trường phim Việt 2020 ảm đạm đến mức các phim có doanh thu tạm ổn đều không có chất lượng không cao như “Sắc đẹp dối trá, Sky Tour: The Movie, Nắng 3: Điều ước của cha”. Khi tình hình dịch bệnh tạm lắng, một số phim chỉn chu về khâu sản xuất như “Bằng chứng vô hình”, “Sài Gòn trong cơn mưa”, “Trái tim quái vật”, “Bí mật của gió” nối nhau ra rạp mùa thu nhưng vẫn còn nhược điểm và không ăn khách.

Rất khó tránh được kết cục phim sụt giảm số lượng và giảm doanh thu, bởi các phim được dự đoán là bùng nổ năm 2020 như: “Trạng Tí”, “Thanh Sói” hay “Lật mặt 5” đều hoãn sang hẳn năm 2021. Vì nhà sản xuất cần đảm bảo yếu tố… bán được vé, trong khi thị trường khó sự đoán.

dien anh viet nam 2020 vai diem sang trong mot nam nhieu khoang lang
“Trạng Tí” là phim được mong chờ năm 2020 phải hoãn sang năm 2021 nhưng mới đây lại vướng lùm xùm bản quyền. Ảnh: ĐPCC

Những điểm sáng ít ỏi mùa cuối năm khó cứu một năm… nhiều màu trầm

Tất nhiên, trong bối cảnh… cái gì cũng giảm, điện ảnh vẫn có những cái tên… sáng. Dù ít ỏi, nhưng đã cổ vũ phim Việt và khán giả Việt trong một năm vô cùng khó khăn.

Tháng 9, phim Việt có cái tên đáng chú ý ra rạp là “Ròm” - Phim lập kỳ tích doanh thu của dòng phim độc lập tại Việt Nam từ trước đến nay - 60 tỷ đồng. Là bộ phim gan góc, khai thác đề tài vấn nạn lô đề, giải phóng mặt bằng và trẻ bụi đời với lối thể hiện mang đậm tính tác giả, “Ròm” không dành cho số đông. Chính vì vậy, phim vấp phải nhiều ý kiến trái chiều. Tuy nhiên, chặng đường gian nan để “Ròm” được công chiếu và giải thưởng chính thức của Liên hoan phim quốc tế Busan đã khiến “bản thân câu chuyện về Ròm” có sức hút. Sau “Ròm”, cú hích doanh thu gọi tên “Tiệc trăng máu”. “Tiệc trăng máu” đến thời điểm hiện tại là phim có doanh thu cao nhất thị trường điện ảnh Việt năm 2020 - 180 tỷ đồng.

Tuy nhiên, hai phim như những tia sáng ít ỏi len lỏi vào bức tranh nhiều màu trầm của điện ảnh Việt năm 2020 khiến không ít người nghĩ ngợi về điện ảnh nội thời gian tới.

Nhìn lại năm 2020, chúng ta đã ít ỏi phim, nhưng lại không thiếu những lùm xùm. Tháng 4-2020 khi “Tà Năng Phan Dũng” (nay là “Rừng thế mạng”) - phim sinh tồn đầu tiên của Việt Nam công bố dự án đã vướng phải nghi án sử dụng câu chuyện của người đã mất mà chưa được sự đồng ý từ gia đình nạn nhân, để đưa lên phim. “Cậu Vàng” – một phim được chuyển thể từ tác phẩm văn học của nhà văn Nam Cao cũng rơi vào tình trạng tẩy chay vì “nhân vật chính” được cho là không phù hợp. Thay vì chọn một giống chó “thuần Việt”, nhà sản xuất chọn giống chó ngoại và bị phản ứng. Chuyện những phim dã sử cổ trang như “Kiều” hay “Quỳnh Hoa nhất dạ” vướng lùm xùm về trang phục không phù hợp cũng khiến khán giả chưa thấy thỏa mãn.

Và mới nhất là việc bản quyền “Trạng Tí” – một phim đáng mong chờ của Ngô Thanh Vân (đã hoãn sang năm 2021) - gây tranh cãi cũng làm khán giả thấy… phiền lòng. Sự tình cụ thể phải lội ngược dòng về ngày 3-9-2020, vụ kiện của họa sĩ Lê Linh và Cty Phan Thị quanh việc tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ bốn hình tượng nhân vật trong “Thần đồng Đất Việt” có kết quả, theo đó Lê Linh được công nhận quyền tác giả. Điều này khiến một bộ phận khán giả cho rằng đơn vị sản xuất phim “Trạng Tí” đang vi phạm quyền tác giả của hoạ sĩ Lê Linh khi kí hợp đồng với Phan Thị và kêu gọi tẩy chay phim.

Ý kiến của nhiều luật sư cho rằng, theo quy định của pháp luật, quyền tác giả đối với tác phẩm bao gồm quyền nhân thân và quyền tài sản. Chủ sở hữu quyền tác giả có quyền làm tác phẩm phái sinh. Trường hợp tác phẩm gốc do Cty Phan Thị là chủ sở hữu thì Cty này hoàn toàn có quyền làm tác phẩm phái sinh, tức là chuyển thể sang hình thức kịch bản phim, sau đó hoàn toàn có thể chuyển nhượng, cho phép... tổ chức, cá nhân khác sử dụng kịch bản này. Chưa biết nội tình sự việc sẽ còn đi đến đâu, nhưng khán giả yêu điện ảnh vẫn cho rằng: Muốn điện ảnh phát triển về chất, những chuẩn bị phải thật chặt chẽ, chỉn chu. Nếu không bớt lùm xùm liên quan, thì rất khó để tập trung cho chất lượng được.

Nam Dương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động