Điểm chuẩn ĐH năm 2020 tăng mạnh và những tác động đến công tác tuyển sinh
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênĐiểm chuẩn cao, trường top sẽ khó xét tuyển vào năm sau
Hiện tại, các trường ĐH đều đã công bố mức điểm chuẩn trúng tuyển cho tất cả các ngành học năm 2020. Về mặt bằng chung, những ngành 'hot' ở một số trường top đầu về khối ngành kinh tế, tài chính, y dược, công an - quân đội vẫn có mức điểm chuẩn rất cao, thậm chí có ngành còn cao hơn cả năm 2017. Số lượng thí sinh đăng ký vào khối ngành kinh tế là rất lớn. Nhiều chuyên gia giáo dục nhận định, điểm chuẩn năm nay là phù hợp với thực tế và dự đoán trước đó của các trường.
Theo nhận định của nhiều chuyên gia, điểm chuẩn năm 2020 là khá cao so với năm 2019. Ảnh: Đình Tuệ. |
Chia sẻ với chúng tôi, TS Nguyễn Đào Tùng, Phó Giám đốc Học viện Tài chính cho biết, năm 2020, ngành Ngôn ngữ Anh tiếp tục là ngành có mức điểm chuẩn cao nhất là 32,7 ở các tổ hợp A01, D01 và D07; tiếp đó là ngành Phân tích tài chính với 31,8 điểm. Ngành có điểm chuẩn thấp nhất là Kinh tế cũng ở mức 24,7 điểm.
Một thực tế là khi công bố điểm thi, nhiều thí sinh vẫn chủ quan do không đăng ký xét tuyển thêm nguyện vọng ở một số trường ở top dưới mà vẫn tự tin mình sẽ đỗ vào trường top cao. Sau khi các trường công bố điểm chuẩn, những em này đã không đủ điểm đỗ vào trường nào. Với những trường còn thiếu chỉ tiêu và xét tuyển bổ sung ở đợt 2 thì sẽ được một lượng thí sinh có chất lượng khá tốt. Do đó, đợt xét tuyển bổ sung tới đây dự đoán sẽ rất sôi động, nhất là các trường khối ngành kinh tế.
Ở Học viện Tài chính, nhà trường luôn chú trọng công tác phân luồng và đưa ra tư vấn phổ điểm để thí sinh tự tin khi đăng ký vào các ngành học phù hợp với năng lực, sở thích của mình. So với điểm thi của năm 2017, tính phân loại thí sinh giỏi của năm 2020 được đánh giá là cao hơn. Năm 2020 dù không có "mưa điểm 10" nhưng lượng điểm 8 - 9 là rất lớn, phổ điểm bình quân là 24 điểm cũng phản ánh đúng thực tế.
Cũng theo ông Tùng, thông qua bức tranh chung về điểm chuẩn năm 2020 có thể thấy, công tác tuyển sinh đối với các trường năm nay sẽ gặp nhiều thuận lợi. Tuy nhiên, tới mùa tuyển sinh năm 2021 thì đây lại là một thách thức không nhỏ. Bởi, điểm chuẩn 2020 cao thì thí sinh và phụ huynh sẽ rất khó để lựa chọn các trường/ngành. Nếu đề thi được đưa ra theo hướng chặt hơn năm 2020, việc tư vấn lựa chọn cho thí sinh chính là những trường có ngưỡng điểm chuẩn từ 21 - 24 điểm sẽ thuận lợi trong tuyển sinh trong năm tới, còn những trường có điểm chuẩn từ 25 điểm trở lên thì sẽ gặp thách thức.
Ngoài ra, trong năm 2021 sẽ xuất hiện thêm nhiều các phương thức xét tuyển/tuyển sinh. Dù Bộ GD&ĐT vẫn giữ ổn định phương án thi THPT và nhiều trường sẽ lấy điểm thi THPT làm căn cứ xét tuyển, nhưng thí sinh sẽ khá vất vả trong việc lựa chọn phương thức xét tuyển nào cho phù hợp. Do đó, khi các em đã tìm hiểu kỹ về một trường mà có cơ hội đỗ thì nên lựa chọn. Tránh tình trạng dù nhiều em đạt điểm cao hoặc rất cao mà vẫn không đỗ được vào trường nào.
Điểm chuẩn cách nhau chỉ 0,1 làm mất tính hướng nghiệp
Các thí sinh làm bài kiểm tra tư duy để có thể đỗ vào ĐH Bách khoa Hà Nội năm 2020. Ảnh: Đình Tuệ. |
Thầy giáo Vũ Khắc Ngọc, giáo viên hệ thống giáo dục Học mãi (Hà Nội) thì cho rằng, do bối cảnh dịch Covid-19 nên tới tháng 4-2020, Bộ GD&ĐT bất ngờ đổi mục tiêu của kỳ thi từ "2 trong 1" thành thi tốt nghiệp, các trường buộc phải lên phương án để đa dạng hóa các phương thức trong công tác tuyển sinh, trong đó có ĐH Bách khoa Hà Nội phải tiến hành cho thí sinh làm bài kiểm tra tư duy. Đề thi năm nay được đánh giá là dễ, số thí sinh được điểm cao rất nhiều và dồn về một nhóm điểm. Sự phân hóa thí sinh không rõ rệt.
"Nhìn vào điểm chuẩn giữa các ngành tại một số trường ở mức rất sát nhau, có ngành chỉ chênh lệch từ 0,1 - 0,3 điểm nên mang tính hên xui, thiếu tính định hướng trong lựa chọn ngành nghề do sự khác biệt giữa các ngành là gần như không có. Mặt khác, trong việc các trường mở rộng chính sách tuyển thẳng, cộng điểm ưu tiên nên cũng ít nhiều dẫn đến tình trạng thiếu công bằng giữa các thí sinh.
Ví dụ, mọi năm ĐH Y Hà Nội chỉ tuyển thẳng một số đối tượng là thí sinh đạt giải kỳ thi học sinh giỏi quốc gia. Nhưng năm nay, chỉ cần có em vào đội tuyển học sinh giỏi quốc gia mà chưa cần phải đạt giải đã được trường cộng điểm ưu tiên rồi. Một số trường khác cũng cộng điểm ưu tiên cho thí sinh đạt học sinh giỏi cấp thành phố. Lợi ích từ các kỳ thi đó là rất lớn nhưng việc kiểm soát tính minh bạch của nó thì không lớn...
Nên chăng, các trường vẫn có thể áp dụng chính sách tuyển thẳng/cộng điểm ưu tiên nhưng chỉ giới hạn trong một tỷ lệ nhỏ vừa phải để đảm bảo tính minh bạch, công bằng cho các thí sinh", thầy Ngọc chia sẻ.
Trong năm tới, các trường ĐH nên tăng tính chỉ động trong phương án tuyển sinh và công tác hướng nghiệp. Bộ GD&ĐT cũng cần tạo ra khuôn khổ pháp lý để các trường triển khai phương án tuyển sinh, cần có công cụ để giám sát việc này.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại