Thứ năm 02/05/2024 02:07

Đi chợ gốm Bát Tràng sau giãn cách

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Dù không quá đông đúc, nhưng đợt nghỉ lễ 30-4 và 1-5 năm nay, chợ gốm Bát Tràng (Gia Lâm, Hà Nội) cũng hút một lượng khách tương đối. Theo những người dân ở đây thì lượng khách những ngày này trong “năm Covid – 19” chỉ bằng những ngày cuối tuần năm trước.    

Nắng đầu hè không quá gắt, nhưng cũng đủ để mẹ con chị Hương (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) hoa mắt và vội tìm một điểm trú nắng tại khu chợ gốm Bát Tràng. Tổ hợp cà phê, trưng bày – bán sản phẩm gốm sứ và nặn đất trên tầng hai tại trục chính con đường chợ Bát Tràng thu hút mẹ con chị Hương. Chị cho biết, do bọn trẻ nghỉ ở nhà từ Tết, bố mẹ vẫn phải đi làm nên cứ "nhốt" ở nhà mãi. Đến khi hết giãn cách thì tranh thủ cho chúng đi chơi chút xíu cho đỡ bí bách.

di cho gom bat trang sau gian cach
Chợ gốm Bát Tràng khách còn thưa thớt sau thời gian giãn cách. Ảnh: N.D

Chen vào câu chuyện, chị chủ quán cà phê Goofoo tại chợ Bát Tràng cho biết, tổ hợp kinh doanh của chị cũng đóng cửa vài tháng nay do dịch. Nhân viên thì vẫn phải thuê, phải trả lương, nhưng cửa hàng thì đến mấy tháng không có thu nhập. “Quán cũng chỉ mới mở sau khi hết lệnh giãn cách, nhưng đến đợt nghỉ lễ này mới bắt đầu có lại khách. Nhưng lượng khách cũng thưa thớt và mọi người đều dè chừng, cẩn thận hơn khi nên ngồi ở quán hay vào khu trưng bày gốm”.

Cũng theo chị chủ quán cà phê, như chị còn đỡ, vì dù sao mặt bằng tầng 2 cũng còn đỡ hơn, chứ ở tầng 1, các ki ốt với tiền thuê hàng trăm triệu/năm cũng đóng cửa vì Covid-19. Đến giờ mới mở túc tắc đón khách. “Lượng khách năm nay không thể bằng mọi năm được, nhưng cũng chấp nhận thôi bởi dịch dã là điều không ai muốn. Cho dù sốt ruột vì phải đóng cửa, nhưng chúng tôi cũng vui vẻ vì đó là việc nên làm, để bảo vệ cho gia đình mình và cùng chung tay với cộng đồng đẩy lùi dịch Covid-19", chị vui vẻ nói. Khách ít nhưng dù sao cũng đã túc tắc, hy vọng khi nắng hè lên thì dịch dã cũng sẽ “từ biệt” Việt Nam để các doanh nghiệp cùng phục hồi.

di cho gom bat trang sau gian cach
Các ki ốt tầng 1 cũng bắt đầu... khởi động. Ảnh: N.D

Không cao sang như quán cà phê, cô L. vừa lấy nước, vừa nhanh nhẹn bật quạt cho khách. Cái quán giải khát vỉa hè ở ngoài cổng chợ Bát Tràng của cô cũng như cả dãy quán giải khát ở đây mới mở lại vào ngày 30-4.

“Cả nhà trông chờ vào cái góc vẻn vẹn tầm 2m2 này. Ngày trước tháng nào bán được, trừ hết chi phí cũng được 6, 7 triệu/tháng. Nhưng từ Tết đến giờ cũng heo hắt", cô nói. Cái chỗ của cô cũng phải đi thuê, tiền thuê là 1 triệu/tháng, cũng chẳng bán chác được nhiều. Chỉ dăm ba cốc nước mía, vài quả dừa và mấy chiếc bánh sắn, bánh khoai, gói xúc xích... nướng. “Thấy nắng lên mọi người mừng lắm. Có khách đến chợ thì những người bán hàng như chúng tôi cũng dễ thở hơn", cô L. cho biết.

di cho gom bat trang sau gian cach
Lối nhỏ trong chợ. Ảnh: N.D

Các ki ốt nhỏ trong chợ gốm hầu hết cũng mở đón khách. Do diện tích nhỏ, các ki ốt lại san sát nên cũng khó để thực hiện khuyến cáo tránh tụ tập chỗ đông người. Nhưng hầu hết các chủ hàng đều đeo khẩu trang, lác đác vài chai dung dịch sát khuẩn được đặt ở chỗ dễ nhìn thấy. Thấy tôi chăm chú chụp ảnh, cô chủ ki ốt góc chợ khoe khéo: “Hàng nhà cô chủ yếu vẽ tay, sẽ lấy giá hữu nghị để kích cầu sau dịch.”

di cho gom bat trang sau gian cach
Khách hàng bắt đầu không còn e ngại khi đến chợ. Ảnh: N.D

Gần 11g trưa, khách bắt đầu đông dần, lúc này mấy bác dân phòng đứng ở cổng chợ quan sát những người đến chợ có đeo khẩu trang hay không. “Không đeo khẩu trang thì mời anh/chị không vào chợ.” Một bác đeo băng đỏ nói với một tốp khách vừa đến.

di cho gom bat trang sau gian cach
Khoảng nâu của chợ gốm dưới nắng. Ảnh: N.D

Rất duyên khi tôi gặp lại mẹ con chị Hương ở ngoài cổng chợ, trên tay cô con gái còn cầm chiếc cốc méo mó với nét vẽ nguệch ngoạc của trẻ con. Chị bảo, đó là tác phẩm gốm đầu tay của cô con gái chị. “Có lẽ sẽ có ý nghĩa hơn nếu mỗi trẻ khi vào tham gia, khám phá dịch vụ nặn gốm, các bé được các nghệ nhân làng gốm hướng dẫn, giảng giải kỹ thuật cơ bản để các bé hình dung được. Chứ hiện giờ các điểm nặn gốm chỉ gom khách rồi để các bé tự mày mò, vày vò với bàn quay là nắm đất. Đúng nghĩa công việc đó là cho bọn trẻ “nghịch đất” chứ không phải nặn gốm như người ta mời chào", chị nói.

di cho gom bat trang sau gian cach
Một góc chợ gốm. Ảnh: N.D

di cho gom bat trang sau gian cach
"Cá vượt vũ môn". Ảnh: N.D

Minh Dương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động