Đền Hạ - nơi hội tụ hồn thiêng sông núi
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênĐình Hạ (hay Đền Hạ) xưa thuộc làng Hạ Lý, huyện An Dương, tỉnh Hải Dương (đến đầu thế kỷ XX, làng Hạ thuộc về Tứ hộ thành phố Hải Phòng). Không ai biết Đền Hạ được xây dựng từ bao giờ, chỉ biết rằng đến khoảng thập niên 10, 20 của thế kỷ XX, ngôi đền đã xuống cấp nghiêm trọng và gần như đã bị xoá bỏ hoàn toàn.
Cho đến năm 1921, được sự công đức của một người phụ nữ Việt Nam nhưng lấy chồng là người Tây (nhân dân quen gọi là Bà Đồng Mỏ), đóng góp 100 đồng tiền Đông Dương và 130 bao xi măng, Nhân dân đã tập trung trùng tu ngôi đền Mẫu để rước Thành Hoàng về thờ.
Theo như bia đá còn ghi lại trong Đền Hạ ngày nay và Thần phả, Sắc phong ghi lại, Đình Hạ thờ Tiên hương Liễu Hạnh công chúa (Thánh Mẫu Liễu Hạnh), bà là người chuyên tâm cứu nhân độ thế, diệt ác trừ gian, quy y Phật, có công với nước đánh đuổi giặc ngoại xâm.
Với công đức cứu người, giúp dân nước muôn phương, Mẫu đã được các triều đại phong kiến từ thời nhà Hậu Lê đến thời nhà Nguyễn cấp nhiều Sắc, tôn phong là "Mẫu nghi thiên hạ - Mẹ của muôn dân”. Hàng năm, nhân dân địa phương tổ chức Lễ hội Thánh Mẫu Liễu Hạnh vào ngày 3 tháng 3 Âm lịch.
Bên cạnh đó, Đền Hạ còn thờ hai vị Thành hoàng là Nguyễn Trí Hòa (Nguyễn Tướng Công). Triều Nguyễn, vua Thành Thái 3, năm thứ 9 (1891) sắc phong cho Ngài là “Dực bảo trung hưng linh phù chi thần”. Vua Duy Tân năm thứ 3 (1909), nhân dịp đăng quang, đại lễ Quốc gia tri ân nâng phẩm trật cho Ngài là “Nguyễn Tướng công tôn thần”.
Thành hoàng Nguyễn Công Trứ (Nguyễn Trình Công) là người có công lớn trong việc đắp đê lấn biển, lập ấp, đề xuất lập nhà học, xã thương ở nông thôn nhằm nâng cao dân trí và lưu thông hàng hóa. Những hoạt động của ông trong lĩnh vực kinh tế được nhân dân các vùng kể trên ghi nhớ. Nhiều đình chùa tại các địa phương cũng thờ ông và tôn ông làm Thành hoàng làng.
Theo bản khai Thần tích – Thần sắc ngày 5-5-1938 của Lý trưởng xã Thượng Lý nêu rõ: “Nguyễn Trình Công (Nguyễn Công Trứ) là nhân thần, sắc vua phong cho thờ thì dân chúng tôi thờ chứ không có tiểu sử. Đây là chúng tôi nhớ tục truyền như vậy. Ngài được sắc phong từ đời vua Thành thái thứ 3”.Trước đây, dân làng thờ Ngài bằng bát hương và từ năm 2018 đến nay, có tượng thờ.
Mặc dù qua nhiều lần trùng tu, nhưng kiến trúc Đền Hạ từ năm 1921 vẫn được giữ nguyên cho đến ngày nay.
Đền Hạ có bình đồ kiến trúc kiểu thức chữ Đinh (丁) truyền thống bao gồm hai toà công trình chính với: Toà tiền đường 5 gian và toà hậu cung 3 gian. Ngôi đền có hướng chính Nam, hướng của thánh thần ngự trị “Thánh nhân nam diện nhi thính thiên hạ”.
Hệ thống khung chịu lực đền Hạ được thiết kế bằng gỗ lim và liên kết bằng các hệ vì kèo, bẩy hiên, xà.... Toà tiền đường với vì nóc kiểu thức “chồng rường giá chiêng”, vì nách kiểu thức “chồng rường trụ trốn”. Toà hậu cung với vì nóc, vì nách kiểu thức “biến thể ván mê”.
Hoa văn trang trí trên kiến trúc Đền Hạ mang đặc trưng phong cách nghệ thuật của thời Nguyễn (đầu thế kỷ XX) với các mô típ truyền thống như: lá lật, đấu chạm sen, bẩy chạm nổi lá lật cách điệu biểu tượng rồng, đầu bẩy văn triện, cúc hoá long, mai hoá long, vân hổ phù, lá cách điệu biểu tượng chim phượng...
Trong hai cuộc kháng chiến cứu nước, Đền Hạ là nơi hội tụ, sinh hoạt của cán bộ cách mạng. Tháng 7-1930, đồng chí Trần Phú - Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam từ hải ngoại về nước đã đến Đền Hạ gặp gỡ cán bộ cách mạng và chỉ đạo phong trào cách mạng Hải Phòng.
Hiện nay, trong nội tự Đền Hạ còn dấu tích hầm bí mật cất giấu và nuôi dưỡng cán bộ cách mạng. Trong thời kỳ hoạt động bí mật, cửa hầm nằm bên dưới ban thờ, cuối đường hầm có đường hào thông ra chợ Hòa Bình. Trong khuôn viên đền vẫn còn một bể nước ngăn đôi, bên to là nơi dành cho cán bộ cách mạng hội họp và truyền tải tài liệu cách mạng suốt 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp (1946 - 1955).
Với lịch sử truyền thống của đền, ngày 13-2-1996, Đền Hạ đã được Bộ Văn hoá -Thông tin công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia. Đây là một vinh dự lớn lao của nhân dân, cán bộ phường Thượng Lý, quận Hồng Bàng.
Bên cạnh những lễ hội truyền thống của Đền Hạ, từ năm 2017, Đảng ủy và UBND phường Thượng Lý (đứng đầu là đồng chí Bí thư Đảng ủy Phạm Xuân Viết) đã phối hợp với Ban Quản lý Di tích Đền Hạ, Ban Giám hiệu hai trường học trên địa bàn phường: Tiểu học Ngô Gia Tự và THCS Ngô Gia Tự tổ chức Lễ hội Khai bút đầu xuân.
Đây là một hoạt động có ý nghĩa sâu sắc trong việc giáo dục truyền thống uống nước nhớ nguồn, phát huy truyền thống hiếu học đối với thế hệ trẻ. Hiện nay, do ảnh hưởng của dịch Covid -19 nên Lễ hội Khai bút đầu xuân đang phải tạm dừng.
Nét độc đáo của Đền Hạ là sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, giữa tâm linh tín ngưỡng và lịch sử, xã hội. Để đền Hạ được bảo tồn và phát huy giá trị trong đời sống tín ngưỡng của cộng đồng, kết nối những việc làm thiện đức của tiền nhân, các thế hệ hậu sinh đã không ngừng hương khói thờ phụng thánh thần, tôn tạo di tích ngày càng khang trang, tố hảo.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại