Thứ năm 28/03/2024 15:02

Đến bao giờ Hà Nội có đủ 17 khu xử lý chất thải?

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Theo quy hoạch xử lý chất thải rắn Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, TP Hà Nội sẽ có 17 khu xử lý chất thải. Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân dẫn đến một số dự án chậm triển khai, cho nên Hà Nội hiện đang thiếu các khu xử lý chất thải sinh hoạt.
day-nhanh-tien-do-cac-du-an-tai-khu-lien-hop-xu-ly-chat-thai-soc-son

Hàng chục xe rác nối đuôi chờ đổ rác tại bãi rác Nam Sơn

Nhiều dự án chậm triển khai

Theo số liệu của Sở Xây dựng Hà Nội, lượng chất thải rắn (CTR) sinh hoạt phát sinh trên địa bàn thành phố hiện nay khoảng 7.000 tấn/ngày. Trong đó, rác thực phẩm chiếm 51,9%; chất trơ (cao su, da, gỗ...) chiếm 38% và lượng chất thải rắn có thể tái chế chiếm dưới 7,1%... Việc xử lý chủ yếu vẫn bằng phương pháp chôn lấp hợp vệ sinh chiếm 98% tổng lượng CTR thu gom; ngoài ra xử lý bằng phương pháp đốt không phát điện chiếm khoảng 2%.

Theo quy hoạch xử lý chất thải rắn Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 609/QĐ-TTg ngày 25-4-2014, thành phố sẽ có 17 khu xử lý chất thải, trong đó chia công tác xử lý CTR sinh hoạt theo 3 vùng phía Bắc, Nam và Tây. Tuy nhiên, hiện tại chỉ có hai khu xử lý chất thải sinh hoạt chính đang hoạt động là Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn, huyện Sóc Sơn và Khu xử lý CTR Xuân Sơn, thị xã Sơn Tây và huyện Ba Vì. Hiện hai khu xử lý này đang thực hiện tiếp nhận toàn bộ khối lượng rác thải phát sinh (tổng khoảng 6.500 - 7.000 tấn/ngày) trên địa bàn thành phố. Một số khu xử lý chất thải khác hiện đã đầy và đóng bãi hoặc đang dừng hoạt động vì nhiều lý do, trong đó có nguyên nhân công nghệ xử lý rác lạc hậu, không còn phù hợp.

Trong đó, các khu xử lý đã đầy và đóng bãi bao gồm: Khu xử lý Kiêu Kỵ đã đầy và dừng tiếp nhận từ tháng 7-2017; Khu xử lý Cao Dương huyện Thanh Oai, Hợp Thanh huyện Mỹ Đức, Mỹ Thành huyện Mỹ Đức, Tây Đằng huyện Ba Vì, Vân Đình huyện Ứng Hòa (khu xử lý diện tích nhỏ, sát các ô chôn lấp cấp huyện, công suất theo quy hoạch thấp từ 200-400 tấn/ngày)

Các khu xử lý đã đầu tư nhưng công suất nhỏ, đến nay đang dừng sửa chữa hoặc chưa nghiệm thu đưa vào sử dụng: Phương Đình (huyện Đan Phượng) công suất 200 tấn/ngày, dừng hoạt động do dây chuyển hỏng hóc; Việt Hùng (huyện Đông Anh) công suất 500 tấn/ngày chưa đi vào hoạt động; Cầu Diễn (quận Nam Từ Liêm) xử lý chất thải sinh hoạt làm phân vi sinh, dây chuyền hoạt động không hiệu quả.

Ngoài ra còn có 4 khu xử lý đã được UBND thành phố chấp thuận chủ trương đầu tư tuy nhiên đã dừng hoặc chậm triển khai, gồm có: Khu xử lý Đông Lỗ huyện Ứng Hòa (ô chôn lấp đã đầy, UBND thành phố đã dừng triển khai dự án); Khu xử lý Lại Thượng, huyện Thạch Thất (dự án chậm triển khai, UBND huyện Thạch Thất đề xuất làm trạm trung chuyển); Khu xử lý Núi Thoong, huyện Chương Mỹ; Châu Can, huyện Phú Xuyên (Sở Kế hoạch và Đầu tư đang tiến hành thanh tra tiến độ đầu tư dự án).

Ngoài các khu xử lý trên, 2 khu xử lý đang được UBND thành phố giao UBND huyện thực hiện dự án đầu tư hạ tầng làm cơ sở kêu gọi lựa chọn nhà đầu tư: Phù Đổng, huyện Gia Lâm và Đồng Ké, huyện Chương Mỹ.

Những vướng mắc trong việc triển khai các dự án xử lý chất thải sinh hoạt

Đại diện Sở Xây dựng cho biết, nguyên nhân dẫn đến việc một số dự án xử lý chất thải chậm tiến độ là do quy hoạch xử lý CTR chưa xác định cụ thể ranh giới, phạm vi, hành lang bảo vệ môi trường nên còn khó khăn trong công tác quản lý sử dụng đất theo quy hoạch, GPMB thực hiện dự án.

Bên cạnh đó, việc triển khai các dự án xử lý chất thải còn chưa tạo được sự đồng thuận của người dân trong quá trình triển khai, việc lựa chọn công nghệ của các nhà đầu tư đối với các dự án được chấp thuận chủ trương thời điểm trước năm 2016 còn chưa phù hợp với định hướng hiện nay về việc sử dụng công nghệ hiện đại, thu hồi năng lượng phát điện.

Ngoài ra, việc triển khai thực hiện dự án xử lý rác thải thu hồi năng lượng phát điện theo quy định phải thực hiện nhiều công đoạn và phải được nhiều cấp có thẩm quyền phê duyệt trong quá trình triển khai: thẩm định, phê duyệt công nghệ, đánh giá tác động môi trường (cấp bộ), thiết kế kỹ thuật (cấp bộ), bổ sung quy hoạch điện (cấp Chính phủ), đấu nối và ký hợp đồng phát điện lên lưới (EVN)... và thuộc thẩm quyền của nhiều bộ ngành cấp trung ương: Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng, Bộ Công thương, EVN. Mặt khác, chưa có hướng dẫn cụ thể về việc ký kết hợp đồng dịch vụ xử lý CTR sinh hoạt vì vậy còn chưa khuyến khích được nhà đầu tư nỗ lực triển khai thực hiện. Một số nhà máy đốt rác đã đưa vào sử dụng (đốt không phát điện), tuy nhiên công suất nhỏ và việc quản lý của nhà đầu tư không tốt nên không hiệu quả.

Tiếp tục đôn đốc các dự án chậm tiến độ

Để giải quyết việc chậm trễ, vướng mắc trong triển khai các dự án xử lý chất thải, Sở Kế hoạch và Đầu tư đang thực hiện rà soát, đôn đốc, thanh kiểm tra các dự án đầu tư nhà máy xử lý CTR sinh hoạt chậm tiến độ trên địa bàn thành phố, thu hồi đối với các nhà đầu tư không đủ năng lực. Đến nay đã kiểm tra và báo cáo thành phố đối với các dự án chậm tiến độ như: Khu xử lý CTR Châu Can, Núi Thoong, Dự án khí hóa rác thải phát điện… Đồng thời UBND thành phố cũng có các kiến nghị, báo cáo nhằm tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh các thủ tục cho các nhà đầu tư trong quá trình đầu tư xây dựng.

Đại diện Sở Xây dựng cũng cho biết Sở sẽ tiếp tục đôn đốc 2 Nhà máy xử lý chất thải là Nhà máy điện rác Sóc Sơn công suất 4000 tấn/ngày hoạt động, tiếp nhận rác trong năm 2021 tại Nam Sơn, huyện Sóc Sơn và Nhà máy điện rác Seraphin hoàn thành các thủ tục để sớm khởi công xây dựng công trình tại Xuân Sơn, thị xã Sơn Tây. Cùng với đó, tiếp tục đôn đốc hoàn thành các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, GPMB tại các vị trí như: Khu xử lý Châu Can (huyện Phú Xuyên), Đồng Ké (huyện Chương Mỹ), Phù Đổng (huyện Gia Lâm) đúng tiến độ, đủ điều kiện đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư nhà máy xử lý rác sử dụng công nghệ hiện đại, phát điện.

Duy Linh
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động